Đại dịch Covid-19 khẳng định giá trị của Bảo hiểm Thất nghiệp
Vai trò của Bảo hiểm Thất nghiệp (BHTN) đã được khẳng định chính là hỗ trợ cho người lao động khoản thay thế thu nhập khi họ bị mất việc làm tạm thời hoặc vĩnh viễn. Với mục tiêu, các chính sách sẽ chủ động phòng ngừa thất nghiệp cho người lao động và thúc đẩy việc làm thoả đáng.
Trong thời điểm nền kinh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, chính sách BHTN đã chứng minh được sự quan trọng cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đã cho thấy vai trò chủ động, tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực, trong công tác đảm bảo quyền lợi của những người công tác trong ngành Bảo hiểm Xã hội (BHXH). Hỗ trợ người lao động khó khăn bởi đại dịch Covid-19 đã lột tả những minh chứng rõ nét nhất về ưu điểm của chính sách BHTN.
Điều này được thể hiện ở những con số trong 3 năm gần đây, số người lao động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được giải quyết chế độ BHTN có xu hướng tăng cao. Cụ thể, năm 2020 là 8.968 người với tổng số tiền 121 tỷ đồng; năm 2021 là 9.730 người với tổng số tiền 157 tỷ đồng; năm 2022 là 10.547 trường hợp với tổng số tiền lên đến 171 tỷ đồng; Riêng quý I/2023 là 2.175 trường hợp với tổng số tiền là 42 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hồng Trường, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: “Do ảnh hưởng có đại dịch Covid-19, những người lao động phải nghỉ việc từ 01/01/2021 – 30/09/2021 rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn trong cuộc sống. Với mức hỗ trợ từ 1,2 – 3 triệu đồng/người/tháng, tùy vào mức đóng BHTN càng nhiều thì được hưởng trợ cấp nhiều. Tất cả lãnh đạo và các cán bộ BHXH tỉnh Thái Nguyên nhiều thời điểm đã phải tăng cường làm ngày, làm đêm để kịp thời chi trả tiền trợ cấp đến tay người lao động, qua đó đã góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người lao động.
Không chỉ có người lao động được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, mà ngay cả các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động cũng được hỗ trợ, đó là không phải đóng 1% BHTN trong 12 tháng cho người lao động. Đối với các doanh nghiệp sử dụng số lượng lao động lớn hàng chục ngàn người như các công ty FDI đang hoạt động tại Thái Nguyên (như Samsung, Hansoi, Glonic) và các công ty may mặc như TNJ, TDT… thì đó cũng là những số tiền rất lớn, góp phần giúp doanh nghiệp giảm bớt những khó khăn gặp phải do đại dịch Covid-19 gây ra.
Trong quá trình phục hồi kinh tế sau Covid-19, lĩnh vực lao động việc làm, thị trường lao động có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình hồi phục nền kinh tế nói chung. Cùng với đó là việc thực hiện chính sách BHTN, với mục tiêu hỗ trợ tài chính, tư vấn dạy nghề và hỗ trợ, giới thiệu việc làm để người lao động thất nghiệp có cơ hội được quay trở lại thị trường lao động, chính sách BHTN thực sự là trụ đỡ quan trọng để góp phần khôi phục thị trường lao động.
Với việc tập trung thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, BHXH tỉnh Thái Nguyên được đánh giá là triển khai thực hiện tốt chính sách BHTN; Xử lý, giải quyết vướng mắc trong khâu tổ chức thực hiện chính sách BHTN; Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên và các cơ quan báo chí, truyền thông, xây dựng các phóng sự, chuyên mục tuyên truyền chính sách BHXH, trong đó có BHTN.
BHXH tỉnh Thái Nguyên cũng phối hợp các hội, ngành, đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Doanh nghiệp tỉnh... tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm nhằm tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các chính sách về BHXH - BHTN và Bảo hiểm Y tế đến đơn vị sử dụng lao động và người lao động.
Bảo hiểm Thất nghiệp điều phối thị trường lao động
Trọng tâm của chính sách BHTN là chủ động duy trì việc làm cho người lao động, bằng cách tập trung phát triển lao động, phát triển lao động có kỹ năng, hỗ trợ đào tạo cho các cá nhân có nhu cầu đào tạo lại trong các doanh nghiệp. Đơn cử, trong trường hợp vì lý do kinh tế hoặc vì yêu cầu đổi mới công nghệ, doanh nghiệp bắt buộc phải cắt giảm số lượng lao động hoặc giờ lao động, chính sách BHTN sẽ thiết kế các biện pháp bảo vệ việc làm cho người lao động bằng cách tác động đến người sử dụng lao động.
Để các kết quả tích cực nêu trên được tiếp tục phát huy và duy trì, BHTN tiếp tục đóng vai trò vừa là giá đỡ vững chắc, vừa là nền móng phát triển cho thị trường lao động trong giai đoạn tới. Chính sách BHTN thực sự mang lại giá trị an sinh xã hội, cần hoàn thiện chính sách BHTN theo hướng mở rộng diện bao phủ tham gia, nhất là với số đông người lao động trong khu vực phi chính thức; bổ sung các biện pháp hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trong suốt quá trình tham gia BHTN.
Theo bà Phạm Như Thùy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên, ngoài việc khẳng định vị trí là một trong những chính sách an sinh xã hội, thời điểm hiện tại và trong tương lai, BHTN sẽ làm nhiệm vụ điều phối thị trường lao động. Thông qua các chính sách hỗ trợ của BHTN, nguồn nhân lực từ các doanh nghiệp hết việc làm sẽ được giới thiệu chuyển sang các doanh nghiệp có nhu cầu. Thậm chí điều chuyển lao động có quy mô lớn hơn, từ tỉnh này sang tỉnh khác thông qua sự liên kết liên thông giữa các Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh trên cả nước.
Hiện nay có hàng trăm doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, kết nối xuất lao động và các trường nghề có kết nối với Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên. Đó là tiền đề để việc kết nối người lao động bị thất nghiệp có cơ hội việc làm mới một cáchh nhanh chóng, hiệu quả và tin cậy. Ngoài ra, việc những người lựa chọn đi học nghề cũng được hỗ trợ kinh phí từ Quỹ BHTN, giúp người lao động được bổ sung về kiến thức, kỹ năng để có thêm sự lựa chọn về công việc cho tương lai.
Thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên đã tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động mỗi năm. Như trong năm 2022 là 25.000 người, với tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72%, cao hơn so với bình quân chung của cả nước. Hoạt động hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được thực hiện có hiệu quả khá cao, tuyển chọn được 1.982 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Thái Nguyên là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư FDI với nhiều tập đoàn kinh tế lớn của các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Singapore, Trung Quốc... Trên địa bàn tỉnh hiện có 178 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 10,4 tỷ USD. Nhiều dự án có vốn đầu tư lớn đã và đang được triển khai, phát huy hiệu quả, góp phần vào thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó thì nhu cầu tuyển dụng lao động cần tăng thêm mỗi năm tại Thái Nguyên trung bình là hơn 40.000 người.