| Hotline: 0983.970.780

Người dân khốn khổ vì sông Đu bốc mùi hóa chất và hôi thối

Thứ Tư 24/05/2023 , 09:01 (GMT+7)

Nhiều dân sinh sống dọc hai bờ sông Đu đoạn qua địa phận xã Sơn Cẩm, TP. Thái Nguyên phải sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường từ con sông này.

Nước đổi màu, sủi bọt và nồng mùi hoá chất

Sông Đu là nhánh sông nhỏ, phụ lưu của sông Cầu, chảy qua địa bàn ba huyện của tỉnh Thái Nguyên: Định Hoá, Phú Lương và Đại Từ. Hai nhánh chính của sông Đu hợp lưu tại thị trấn Đu thuộc huyện Phú Lương. Con sông chảy qua nhiều khu vực đông dân cư và đến khu vực xã Sơn Cẩm (TP. Thái Nguyên) thì nhập vào với sông Cầu.

Hàng ngày, dòng sông Đu phải oằn mình gánh nguồn nước thải sinh hoạt, nông nghiệp... đã khiến dòng sông đang dần chết mòn trong ô nhiễm. Tuy nhiên, tình trạng nước chuyển chuyển màu đen, nồng nặc mùi hoá chất, cá chết bất thường thì mới xuất hiện khoảng 2 năm trở lại đây. Vấn đề này khiến cuộc sống của người dân sinh dọc hai bên bờ sông Đu, nhất là đoạn chảy qua xóm Bến Giềng, xã Sơn Cẩm, TP. Thái Nguyên bị đảo lộn bởi tình trạng ô nhiễm của con sông này.

Theo phản ánh phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, mặc dù người dân đã có ý kiến đến chính quyền địa phương, song đến nay tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được giải quyết. Các cơ quan chức năng đang tìm nguyên nhân, thì những hộ dân nơi đây hàng ngày vẫn phải sống chung với mùi hôi thối nồng nặc do con sông gây ra.

Là hộ dân sinh sống nằm sát dòng sông Đu, ông Vũ Hồng Thuỷ, xóm Bến Giềng, xã Sơn Cẩm bức xúc: "Tình trạng dòng sông Đu ô nhiễm đã có từ lâu, mỗi tháng người dân chúng tôi chứng kiến cảnh dòng sông đổi chuyển màu mấy lần. Mỗi lần như vậy nước sông đen, đặc quánh, hôi thối, nồng nặc mùi hoá chất bốc lên khiến các hộ dân sinh sống dọc hai bên bờ sông sống dở chết dở”.

Dòng sông Đu chảy qua địa phận xã Sơn Cẩm, TP Thái Nguyên đang có dấu hiện bị ô nhiễm, nước đổi màu và sủi bọt màu trắng. Ảnh: Toán Nguyễn.

Dòng sông Đu chảy qua địa phận xã Sơn Cẩm, TP Thái Nguyên đang có dấu hiện bị ô nhiễm, nước đổi màu và sủi bọt màu trắng. Ảnh: Toán Nguyễn.

Cùng chung tình cảnh, ông Nguyễn Văn Thành, xóm Bến Giềng, xã Sơn Cẩm cho biết, trước đây ông từng có 27 năm làm nghề quăng chài đánh bắt cá trên sông Đu để mưu sinh. Nhưng 2 năm trở lại đây, ông Thành đã phải gác lưới, giải nghệ bởi tình trạng nước sông ô nhiễm khiến không chỉ khiến tôm, cá tại đây dần cạn kiệt mà còn gây ảnh hưởng đến sức khoẻ bản thân.

"Từ khi dòng sông Đu xuất hiện tình trạng ô nhiễm, tôi không dám đánh bắt cá trên đoạn sông này. Bởi có lần tôi đánh cá khi nước sông chuyển màu đen, lúc về nhà, tôi bị bệnh da liễu, tay tôi tiếp xúc lâu với nước sông khiến móng tay đen xì, dần dần ngón tay tôi bị chết móng nên từ đó tôi sợ không dám đánh cá tại đây nữa", ông Thành kinh hãi nhớ lại.

Là người từng có nhiều năm gắn bó mưu sinh trên sông nước, theo ông Thành, cứ đều đặn 10 ngày nước sông sẽ chuyển màu một lần, đợt gần nhất cách đây hơn 10 ngày trước. Mỗi lần như vậy mặt nước nổi bọt khí, bốc mùi hoá chất nồng nặc, cá tôm, thậm chí là lươn cũng vì thế là chết hàng loạt, nổi dọc khắp dòng sông Đu.

Theo ông Thành, nguyên nhân khiến con sông Đu đang dần chết mòn là do hoạt động xả thải từ thượng nguồn thuộc địa phận huyện Phú Lương (Thái Nguyên), bởi dọc hai bên sông này khu vực thượng nguồn có nhiều cơ sở chế biến than, trang trại chăn nuôi, đơn vị chế biến khoáng sản...

"Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân, khắc phục để trả lại dòng sông xanh, đảm bảo môi trường sống của hàng trăm hộ dân dọc hai bên bờ sông Đu, giúp chúng tôi có thể yên tâm sinh sống, lao động", ông Thành nói.

Ông Nguyễn Văn Thành với 27 năm gắn bó nghề đánh cá trên sông phải từ bỏ công việc mưu sinh vì tình trạng nước sông ô nhiễm khiến cá, tôm dần cạn kiệt. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ông Nguyễn Văn Thành với 27 năm gắn bó nghề đánh cá trên sông phải từ bỏ công việc mưu sinh vì tình trạng nước sông ô nhiễm khiến cá, tôm dần cạn kiệt. Ảnh: Toán Nguyễn.

Gây thiệt hại hoa màu

Dòng sông Đu ô nhiễm không chỉ gây ảnh hưởng đến môi trường mà còn ảnh hưởng đến việc canh tác, chăn nuôi của hàng chục hộ dân xã Sơn Cẩm.

Bà Lăng Thị Lý, xóm Bến Giềng, xã Sơn Cẩm cho biết, đầu năm 2023 hoạt động xả thải từ đầu nguồn đổ về khiến nước sông chuyển màu, do thiếu nước canh tác, gia đình bà buộc phải lấy nước từ dòng sông để tưới tiêu cho hơn 6 sào lúa đang chờ đến ngày thu hoạch.

"Một thời gian sau khi tưới, những cây lúa bỗng dần chuyển sang màu đỏ, thân, lá cây lụi, chết đi không có cách nào chữa trị được. Sau đó, gia đình tôi khi đó phải bừa đất, bỏ toàn bộ số ruộng lúa đã mất bao công sức chăm sóc. Không riêng gì gia đình tôi, hàng chục các hộ dân khác tại đây cũng gặp tình cảnh như vậy", bà Lý nhớ lại.

Nước sông Đu nổi bọt khí, nồng nặc mùi hoá chất khiến hàng trăm hộ dân sinh sống dọc 2 bờ sông Đu lo lắng. Ảnh: Toán Nguyễn.

Nước sông Đu nổi bọt khí, nồng nặc mùi hoá chất khiến hàng trăm hộ dân sinh sống dọc 2 bờ sông Đu lo lắng. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ông Nguyễn Hợp Tiến sống gần đó cũng cho hay, vài năm trước đây nước sông Đu được dùng trong phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, thậm chí có thể sử dụng nước để phục vụ sinh hoạt như: tắm, giặt... Nhưng với tình trạng, chất lượng nguồn nước như hiện nay không chỉ là người mà ngay cả gia súc chăn thả nếu lỡ uống phải cũng dễ mắc bệnh mà chết.

Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, một lãnh đạo UBND xã Sơn Cẩm (TP Thái Nguyên) xác nhận người dân phản ánh tình trạng nước sông Đu bị ô nhiễm và đã thông tin về vấn đề này:

"Phía xã đã cử cán bộ đi kiểm tra những cơ sở sản xuất, chế biến dọc sông để xác định nguồn thải nhưng đến nay nguyên nhân khiến nước sông chuyển màu, bốc mùi hôi thối vẫn chưa xác định được. Chúng tôi nghi ngờ có thể điểm nguồn ô nhiễm xuất phát từ khu vực thượng nguồn con sông. Về vấn đề này, UBND xã đã báo cáo, kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền xử lý”.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.