* Xây dựng thương hiệu chuối Mật mốc Hướng Hóa
Chuối Mật mốc tiêu thụ tại chợ Tân Long. Ảnh: TP. |
Vùng nguyên liệu chuối Mật mốc của tỉnh Quảng Trị tập trung chủ yếu ở các xã giáp biên giới Việt Nam – Lào thuộc huyện miền núi Hướng Hóa với diện tích khoảng 3.800ha. Trong đó, 1.800ha được trồng tại các xã vùng Lìa và dọc đường 9, diện tích còn lại người dân thuê đất trồng tại nước bạn Lào.
Sản phẩm chuối Mật mốc chủ yếu xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc, Thái Lan và một phần nhỏ tiêu thụ trong nước.
Với lợi thế có khí hậu, thổ nhưỡng khô nóng của vùng biên giới Việt Nam - Lào nên chuối Mật mốc được trồng tại địa phương này phát triển tốt, trái to tròn, màu sắc bắt mắt nên rất được người tiêu dùng của thị trường trong và ngoài nước ưa thích.
Thêm vào đó, cây chuối Mật mốc Hướng Hóa được canh tác hữu cơ nên sản phẩm an toàn, chất lượng tốt, được người tiêu dùng đánh giá cao. Tuy nhiên, từ trước đến nay trong khâu tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là xuất khẩu, chuối Mật mốc Hướng Hóa vẫn không thể hiện được nguồn gốc xuất xứ nên nhiều lúc bị ép giá, thua thiệt trên thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm cho sản chuối, đồng thời hướng đến phát triển bền vững vùng nguyên liệu chuối Mật mốc phục vụ xuất khẩu, Hội Nông dân huyện Hướng Hóa đã làm hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm chuối Hướng Hóa.
Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể số 299267 cho sản phẩm chuối Mật mốc Hướng Hóa vào tháng 8/2018.
Hội Nông dân huyện Hướng Hóa là đơn vị đứng ra đăng ký nhãn hiệu này nên được công nhận là chủ Giấy Chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Các thành viên được phép sử dụng nhãn hiệu tập thể này là hội nông dân các xã, thị trấn: Lao Bảo, Tân Thành, Tân Long, Tân Lập, Thuận, Thanh và Hướng Lộc.
Tất cả hội viên của hội nông dân các xã, thị trấn trên được sử dụng nhãn hiệu này cho sản phẩm của mình khi đưa ra thị trường. Người dân cũng có thể tự in nhãn mác hoặc thông qua tập thể là hội nông dân xã, HTX trên địa bàn để cùng nhau in nhãn mác nhằm tiết kiệm chi phí.
Với chất lượng tốt, nguồn cung sẵn thì việc xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể chuối Hướng Hóa là điều kiện thuận lợi để sản phẩm chuối Mật mốc Hướng Hóa mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu đối với người tiêu dùng.
Ông Hồ Văn Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hướng Hóa cho biết: “Việc xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể cho chuối Hướng Hóa sẽ mở ra nhiều thuận lợi cho sản phẩm tiêu thụ trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Nông dân trồng chuối được lợi nhiều từ thương hiệu này. Hội Nông dân huyện đang xúc tiến các bước tiếp theo để sớm đưa nhãn hiệu này vào khai thác nhằm tăng giá trị sản xuất và đảm bảo phát triển bền vững cho cây chuối trên địa bàn”.
Bên cạnh đó, theo ý kiến nhiều chuyên gia, tỉnh Quảng Trị cần sớm nghiên cứu xây dựng nhà máy chế biến chuối theo hướng công nghiệp gắn với phát triển bền vững thương hiệu chuối Mật mốc Hướng Hóa để giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm mà không phải bị lệ thuộc quá nhiều vào thị trường nước ngoài như hiện nay. Đồng thời với đó, cần tính toán diện tích quy hoạch phát triển trồng chuối, tránh tình trạng đổ xô trồng chuối khi giá tăng và chặt bỏ đồng loạt khi giá giảm như đã từng xảy ra.
Chuối Mật mốc Hướng Hóa chủ yếu xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc, Ảnh: TP. |
Thời gian qua, mặc dù rất có tiềm năng song cây chuối Mật mốc của tỉnh Quảng Trị phát triển thiếu tính bền vững, do chưa xây dựng được thương hiệu rõ rệt để tạo sản phẩm khác biệt, nâng giá trị và cạnh tranh hàng hóa trên thị trường, dẫn đến việc giá cả và đầu ra sản phẩm chuối còn gặp nhiều khó khăn. Với việc đăng ký thành công nhãn hiệu tập thể sẽ góp phần thúc đẩy người dân hướng đến sản xuất bền vững, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm chuối Mật mốc Hướng Hóa trên thị trường trong và ngoài nước. Để cây chuối thực sự mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân ở huyện miền núi còn nhiều khó khăn này.