| Hotline: 0983.970.780

Thị trường vàng ra sao sau 1 tuần can thiệp theo cơ chế mới?

Thứ Hai 10/06/2024 , 13:45 (GMT+7)

Động thái mới từ phía Ngân hàng Nhà nước đã có tác động ngay đến giá vàng trong nước...

Sau khi tổ chức một số phiên đấu thầu vàng miếng nhưng chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng, từ phiên đầu tuần qua, 3/6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu bán vàng miếng SJC cho người dân thông qua kênh của 4 Ngân hàng TMNN gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank và Công ty SJC.

Điểm khác biệt giữa SJC với các Ngân hàng thương mại ở chỗ, các ngân hàng chỉ bán ra không mua vào còn Công ty SJC có thể tham gia thị trường ở cả 2 chiều cả mua lẫn bán. 5 tổ chức này chỉ bán vàng miếng với giá điều hành cho cá nhân, không phục vụ doanh nghiệp, tổ chức.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc bán vàng này nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường vàng theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, nhằm giảm dần khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, không vì mục tiêu lợi nhuận của các tổ chức tham gia, đồng thời, xác định thực chất nhu cầu về vàng của người dân, tránh đầu cơ, lũng đoạn, làm giá.

Theo đó, đều đặn hàng sáng, Ngân hàng Nhà nước thông báo giá bán vàng miếng cho 4 Ngân hàng TMNN và Công ty SJC. Giá công bố trong phiên đầu tiên (ngày 3/6) ở mức 78,98 triệu đồng/lượng sau đó giá giảm dần đều 1 triệu đồng các phiên sau đó. Hai phiên cuối tuần, giá vàng chào bán dừng ở mức 75,98 triệu đồng/lượng.

Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích tại Hội Nghiên cứu thị trường Liên ngân hàng Việt Nam – VIRA, các mức giá này cho thấy Ngân hàng Nhà nước tham chiếu mức giá của thị trường nội địa để quyết định giá bán vàng ra, chứ không bán vàng theo giá thế giới. Các Ngân hàng TMNN và Công ty SJC bán ra cho người dân với giá cao hơn 1 triệu đồng so với giá công bố của Ngân hàng Nhà nước.

Nghiệp vụ này của Ngân hàng Nhà nước đã có tác động ngay đến giá vàng trong nước. Ngoài yếu tố ảnh hưởng tâm lý dẫn đến tự thị trường đã điều chỉnh giảm mạnh ngay trước khi chính thức bán vàng, các cửa hàng vàng đã phải điều chỉnh giá vàng bán ra giảm xuống ngang với mức giá bán tại các Ngân hàng thương mại chiều hôm trước.

Kết quả, sau 5 ngày mở bán vàng miếng tại 4 Ngân hàng TMNN và Công ty SJC, giá vàng miếng SJC đã giảm tổng cộng 4 triệu đồng/lượng. Tính từ vùng giá đỉnh lịch sử 92,4 triệu đồng, mỗi lượng vàng miếng SJC đã mất hơn 15 triệu đồng. Giá vàng SJC trong nước chỉ còn cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng gần 5 triệu đồng/lượng.

Các chuyên gia đều thống nhất đánh giá, giải pháp này của Ngân hàng Nhà nước là hợp lý trong việc bình ổn tâm lý thị trường, đồng thời đưa giá vàng trong nước tiệm cận giá vàng thế giới.

Mặc dù vậy, có ý kiến còn cho rằng, tâm lý thị trường cũng có thể đảo chiều nếu như giá vàng dần giảm xuống tiệm cận với giá thế giới, vì khi đó sẽ lại có thể xuất hiện làn sóng “bắt đáy”, có thể người dân sẽ tiếp tục đổ dồn mua vàng. Đây là một ý kiến mà Ngân hàng Nhà nước cũng cần quan tâm, cần chuẩn bị các phương án xử lý nếu hiện tượng này xảy ra.

Ở một góc nhìn khác, TS. Trương Văn Phước - Nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, biện pháp mới của Ngân hàng Nhà nước có thể nhanh chóng phát huy tác dụng, làm “hạ nhiệt” thị trường vàng, nhưng đây chỉ là một biện pháp tạm thời cho tới khi thị trường có một sự tương thích, hài hòa lợi ích giữa giá nhà nước nhập về và giá bán ra thị trường.

Về lâu dài, chuyên gia cho rằng, Nghị định 24 cần được sửa đổi để xây dựng một thị trường vàng chuyên nghiệp hơn theo quy luật cung cầu.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần phải kiến tạo làm sao để thị trường vàng của Việt Nam có thể hội nhập theo các chuẩn mực quốc tế, tức là giá vàng là do cung cầu quyết định nhưng đồng thời, cung cầu quyết định phải liên thông với giá của quốc tế

Trong một dòng chảy liên quan, tại cuộc họp để trao đổi về chính sách quản lý thị trường vàng và bàn sửa đổi Nghị định số 24/2012/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 9/6, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho hay, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Nghị định 24, mục tiêu chống vàng hóa nền kinh tế, không để vàng hóa tác động đến điều hành chính sách tiền tệ, đến tỷ giá, ngoại hối và cán cân thanh toán. Đồng thời, không để giá vàng chênh lệch cao so với giá thế giới, tác động tâm lý xã hội, nghiên cứu từng bước đưa nguồn lực vàng trong dân vào sản xuất kinh doanh.

Xem thêm
Xuất khẩu chè của Việt Nam 11 tháng đạt gần 235 triệu USD

Tính chung 11 tháng năm 2024, xuất khẩu chè của Việt Nam sang các thị trường chính tăng so với cùng kỳ năm 2023.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Tập đoàn Mavin 20 năm 'Kiến tạo - Nâng tầm - Bứt phá'

HÀ NỘI Đây là dịp đặc biệt và ý nghĩa để nhìn lại hành trình phát triển vinh quang của Mavin trong 2 thập kỷ qua, khơi dậy niềm tự hào, động lực hướng tới tương lai.