| Hotline: 0983.970.780

TS. Trương Văn Phước: Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới sẽ giảm mạnh chỉ sau thời gian ngắn

Thứ Sáu 31/05/2024 , 14:33 (GMT+7)

Theo ý kiến của TS. Trương Văn Phước, để đạt được mục tiêu kéo giá vàng xuống thì Ngân hàng Nhà nước phải ấn định mức giá bán ra trên thị trường.

TS. Trương Văn Phước cho rằng, chỉ cần sau 9 - 10 phiên Ngân hàng Nhà nước thực hiện bán vàng thông qua các ngân hàng thương mại, khoảng cách giữa giá vàng trong nước với giá quốc tế sẽ được thu hẹp mạnh. Đồng thời, chuyên gia cũng nhấn mạnh đây chỉ là biện pháp tạm thời, trong dài hạn, Việt Nam cần các công cụ của một thị trường vàng chuyên nghiệp.

TS.Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

TS.Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

Nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai ngay các giải pháp bình ổn thị trường vàng để xử lý tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao, từ giữa tháng 4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo quyết định khởi động lại đấu thầu vàng sau hơn 10 năm tạm dừng nhằm tăng nguồn cung ra thị trường.

Tuy nhiên qua 9 phiên đấu thầu, chỉ có 48.500 lượng vàng, tương đương hơn 1,8 tấn vàng được đưa ra thị trường trong khi chênh lệch giá đã không thể giảm được như kỳ vọng.

Trong bối cảnh đó, NHNN đã quyết định dừng phương án đấu thầu vàng, thay vào đó, Nhà điều hành sẽ thực hiện bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (Agribank, BIDV, VietinBank và Vietcombank) để các ngân hàng này bán vàng trực tiếp tới người dân. Mục tiêu là sớm thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng ở trong nước và thế giới về mức phù hợp và bền vững.

Việc thực hiện bán vàng miếng trực tiếp cho 4 ngân hàng nói trên sẽ được thực hiện ngay thứ Hai tuần tới (3/6). Giá bán sẽ theo mức giá do NHNN xác định căn cứ theo giá thế giới.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia xung quanh vấn đề này.

Cần ấn định trước giá vàng bán ra

Trong nỗ lực bình ổn giá vàng trong nước, thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới, NHNN đã quyết định khởi động lại kênh đấu thầu vàng. Tuy nhiên, giải pháp này đã nhanh chóng chứng minh không hiệu quả. Theo đánh giá của ông, nguyên nhân là do đâu?

TS.Trương Văn Phước: Trước hết, cần phải khẳng định, việc Chính phủ chỉ đạo NHNN thu hẹp cách biệt giữa giá vàng trong nước với giá vàng quốc tế quy đổi là một chủ trương hoàn toàn đúng. Vì trong một thế giới hội nhập, các mặt hàng ở Việt Nam cần phải có một sự tương thích tương đối nào đó đối với giá quốc tế chứ không thể có một sự khác biệt lớn dù ta có tiếp cận ở góc độ nào đi chăng nữa.

Với mặt hàng vàng, bản thân nó có thể xem xét như là một tài sản tài chính mà các ngân hàng Trung ương mua vào để tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Nhưng vàng cũng có một cách tiếp cận khác, đó là một loại hàng hóa thông thường.

Và hàng hóa thông thường thì sẽ chịu tác động bởi một quy luật là cung cầu. Sau khi có Nghị định 24 năm 2012 thì SJC trở thành thương hiệu độc quyền của NHNN. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hơn 10 năm qua, SJC không còn tự mình được nhập nguyên liệu để chế biến ra vàng miếng để cung ứng cho thị trường.

Đó là một trong những lý do chính yếu làm cho giá vàng trong nước và quốc tế có một độ chênh lệch lớn như thế.

Cũng phải nhắc lại, quyền tài sản là một quyền rất quan trọng, rất căn bản, giống bao nhiêu quyền khác của công dân. Vậy nên người dân được quyền mua vàng, đó là một quyền rất căn bản. Và việc họ muốn giao dịch các loại hàng hóa để tạo ra lợi nhuận, tạo ra thu nhập, họ đóng thuế,… là một việc rõ ràng chính đáng. Vì vậy, việc nhà nước can thiệp để tạo ra một mức giá tương thích giữa giá vàng trong nước và quốc tế là một điều rất đúng. Bây giờ vấn đề còn lại chỉ là phương pháp làm.

Phương pháp đấu thầu vàng được thực hiện trong thời gian qua cũng có liên quan đến các quy định, quy trình, là NHNN muốn đưa vàng ra thị trường thì phải thực hiện thông qua đấu giá.

Quay trở về hơn 10 năm trước, các ngân hàng thương mại đều huy động vàng, cho vay vàng và phần lớn ngân hàng cũng như các công ty vàng đều sở hữu sàn giao dịch vàng. Và sự biến động quá lớn của thị trường vàng khi đó đã kéo theo biến động cực kỳ lớn đến thị trường ngoại hối và làm cho tỷ giá chao đảo.

Để ổn định tình hình, NHNN ra quyết định cấm các ngân hàng huy động vàng. Các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp vàng khi đó đều ở trạng thái thiếu vàng do không còn được tiếp tục huy động vàng nên cần phải mua từ Nhà điều hành để thanh toán chi trả cho dân. Khi đó giá đấu thầu vàng cao bao nhiêu họ cũng đều mua cả. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đã khác.

Hiện nay không còn tình trạng ngân hàng huy động vàng, cho vay vàng và cũng không có chuyện thiếu thanh khoản, khan hiếm về vàng nữa. Vấn đề bây giờ là cung ứng vàng ra thị trường sao cho giá vàng trong nước sát với giá vàng quốc tế. Đó là hai vấn đề khác nhau.

Trong khi Nhà nước muốn kéo giá vàng xuống, NHNN lại đấu giá để đẩy giá vàng lên. Đó là một sự bất hợp lý. Nhưng quy định của pháp luật là một khi muốn đưa vàng ra thị trường thì phải thông qua phương pháp đấu giá. Đây là một vấn đề liên quan đến thực thi pháp luật. Chắc chắn NHNN sẽ phải xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền để sao cho việc đưa vàng ra thị trường phải đạt được mục tiêu là kéo giá vàng xuống.

Như ông vừa phân tích, việc NHNN thực hiện phương án đấu thầu vàng để tăng nguồn cung một phần là do liên quan đến các quy định pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, thì phương án này khó có thể giúp đạt mục tiêu mà Chính phủ đề ra, là kéo hạ giá vàng trong nước. Vậy, phương án mới mà Nhà điều hành vừa đưa ra thì sao, thưa ông? 

TS.Trương Văn Phước: Theo ý kiến của tôi, để đạt được mục tiêu kéo giá vàng xuống thì NHNN phải ấn định mức giá bán ra trên thị trường.

NHNN có thể bán vàng cho tất cả các ngân hàng thương mại, các công ty vàng tư nhân, nhưng có một vấn đề nhạy cảm là sự chênh lệch giữa giá thị trường và giá NHNN bán ra.

Do vậy, NHNN quyết định chọn 4 ngân hàng thương mại nhà nước vì đây là đại diện cho lợi ích của nhà nước. Họ được sử dụng như các công cụ để thực thi chính sách can thiệp của Nhà điều hành. Và theo ý kiến của tôi, các ngân hàng này được xem như là các đại lý nhận ủy thác từ NHNN để đưa vàng ra thị trường theo một giá ấn định trước.

Ví dụ, bây giờ giá của thị trường đang là 88 triệu đồng thì NHNN sẽ ấn định mức giá đưa vàng cho các ngân hàng thương mại và yêu cầu các ngân hàng này bán ra với giá là 86 triệu, tức thấp hơn giá của thị trường khoảng 2-3 triệu.

Khi vàng được đưa ra như thế thì chắc chắn thị trường sẽ có một phản ứng mạnh vì họ biết là NHNN đang kéo giá vàng xuống theo một lộ trình. Và bằng chứng là ngay sau khi NHNN tuyên bố phương án mới thì giá vàng đã rớt xuống vài ba triệu rồi.

Tất nhiên là các ngân hàng thương mại sẽ được hưởng một khoản phí hoa hồng, như mỗi lượng vàng được 50 hay 100 nghìn đồng. Đó là câu chuyện về chi phí, nhưng quan điểm là các ngân hàng thương mại nhà nước đóng vai trò như các đại lý, nhận ủy thác bán vàng từ NHNN ra thị trường và NHNN sẽ quy định giá bán ra nhưng sẽ thấp hơn nhiều so với giá thị trường và cao hơn giá NHNN nhập nguyên liệu về quy đổi ra đồng Việt Nam.

Dĩ nhiên, đến giờ phút này, việc các ngân hàng thương mại sẽ bán ra với giá như thế nào vẫn chưa có thông tin chính xác. Nhưng với tư cách là một chuyên gia, tôi cho rằng cơ chế giá nên như vậy để có thể can thiệp kéo giá vàng thị trường Việt Nam xuống sát với giá vàng quốc tế.

Về lâu về dài thì phải sửa Nghị định 24 để xây dựng một thị trường vàng chuyên nghiệp hơn theo quy luật cung cầu.

Vàng cũng có thể coi là một loại hàng hóa thông thường, do đó sẽ chịu tác động bởi một quy luật là cung - cầu.

Vàng cũng có thể coi là một loại hàng hóa thông thường, do đó sẽ chịu tác động bởi một quy luật là cung - cầu.

Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới sẽ giảm mạnh

Sau 9 phiên tổ chức đấu thầu, 48.500 lượng vàng đã được cung ứng ra thị trường, nhưng mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới vẫn ở mức cao, khoảng trên 20%. NHNN nhận định mức chênh lệch về giá này, bên cạnh các yếu tố mang tính thị trường như quan hệ cung - cầu, không loại trừ khả năng có các hành vi phạm pháp, thao túng, làm giá, gây mất ổn định thị trường vàng. Liệu giải pháp mới tới đây của NHNN có xử lý tận gốc rễ vấn đề này không, thưa ông?

TS. Trương Văn Phước: Trước hết, việc có hay không tình trạng thao túng thị trường; nếu có thì mức độ nào thì các đoàn thanh tra kiểm tra của Chính phủ đang làm rõ.

Câu chuyện căn bản là việc thao túng thị trường vàng nếu có là do luôn luôn trên thị trường có một khoảng cách quá lớn giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Nếu NHNN áp dụng phương thức mới là bán trực tiếp cho các ngân hàng thương mại, mà theo tư duy của tôi, là ủy thác cho các ngân hàng để họ bán ra thị trường theo giá mà NHNN ấn định chứ không phải để ngân hàng tự quyết định giá bán.

Với phương án như thế, nếu như thực sự có hành vi thao túng trước đây thì nay sẽ không còn nữa. Lý do là vì việc kéo giá xuống theo một lộ trình như thế của NHNN là quá rõ ràng, không ai có thể thao túng được nữa.

Đồng thời, nhà nước cũng sẽ áp dụng nhiều biện pháp để theo dõi hành vi thao túng này, như quy định về hóa đơn mua bán, các thủ tục liên quan đến định danh của cá nhân,…

Với biện pháp mới từ NHNN, ông dự báo ra sao về diễn biến của giá vàng trong nước trong thời gian tới, thưa ông?

TS. Trương Văn Phước: Tôi cho rằng, NHNN chỉ cần thực hiện việc bán vàng này trong vòng 9-10 phiên, mỗi phiên giảm xuống 1-2 triệu thì dần dần khoảng cách giữa giá vàng trong nước với giá quốc tế sẽ chỉ còn vài-ba triệu đồng mà thôi.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một biện pháp tạm thời cho tới khi thị trường có một sự tương thích, hài hòa lợi ích giữa giá nhà nước nhập về và giá bán ra thị trường.

Về lâu dài, NHNN cần phải kiến tạo làm sao để thị trường vàng của Việt Nam có thể hội nhập theo các chuẩn mực quốc tế, tức là giá vàng là do cung cầu quyết định nhưng đồng thời, cung cầu quyết định phải liên thông với giá của quốc tế.

Làm sao để tạo ra sự liên thông này? Kinh nghiệm quốc tế là họ sẽ dùng các công cụ của một thị trường vàng chuyên nghiệp như chứng chỉ vàng.

Ví dụ, một ounce vàng trên thị trường quốc tế đang có giá là 2.350 USD, với tỷ giá quy đổi là 25.000 đồng thì 1 ounce vàng có giá khoảng gần 59 triệu đồng.

Một người Việt Nam muốn mua một ounce vàng theo giá quốc tế có thể đem 59 triệu đồng tới một cửa hàng vàng và nhận về chứng chỉ vàng là một ounce. Khi nào muốn hiện thực hóa lợi nhuận, họ chỉ cần đem chứng chỉ vàng đó bán lại cho cửa hàng vàng.

Hoặc chúng ta có thể dùng vàng tài khoản - thông qua các chỉ số vàng để giao dịch. Đây là công cụ mà nhà nước đã cho phép từ năm 2004-2005.

Nói chung, tôi cho rằng chúng ta cần phải áp dụng các công cụ của một thị trường vàng chuyên nghiệp để tạo ra một tiện ích vượt trội đối với người dân. Từ đó, họ sẽ thấy rằng việc phải xếp hàng để mua một lượng vàng với giá cao hơn đến 18-20 triệu so với thế giới là quá thiệt hại cho mình so với việc đi mua các chứng chỉ vàng.

Đó là những ý tưởng để tạo ra một thị trường vàng trong tương lai. Còn trước mắt, chúng ta phải thực hiện bài “test” mà NHNN đã xoay chuyển từ một phương thức có vẻ là không thành công là đấu thầu vàng qua phương thức bán trực tiếp.

Xin cám ơn những chia sẻ của ông!

Xem thêm
Tôn vinh nông sản Việt: Hỗ trợ tiêu thụ hơn 500 loại sản phẩm OCOP

Từ ngày 4 - 17/7 trên toàn hệ thống 800 điểm bán của Saigon Co.op diễn ra chương trình 'Đồng hành cùng OCOP – tôn vinh nông sản Việt' với hơn 500 loại sản phẩm OCOP.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Bổ nhiệm ông Tiêu Tường Phục làm Giám đốc Agribank Phú Quốc

KIÊN GIANG Agribank chi nhánh Phú Quốc vừa tổ chức Hội nghị công bố quyết định bổ nhiệm chức vụ Giám đốc đối với ông Tiêu Tường Phục, quyết định có hiệu lực từ ngày 10/7/2024.

Hiệu ứng tích cực từ ngành bất động sản TP.HCM

Tăng trưởng tín dụng bất động sản mấy tháng qua cho thấy ngành này đang khởi sắc, và tác động tích cực đến những ngành khác, trong đó có hoạt động tín dụng ngân hàng.