Đau đầu tình trạng thiếu giáo viên
Theo Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai, hiện nay mạng lưới trường, lớp, cơ sở giáo dục ở địa phương mới phát triển ở mức đáp ứng nhu cầu cơ bản, thiết yếu. Từ năm 2015 đến năm 2021 tổng số học sinh đến trường ở các cấp học đã tăng 43.087 học sinh, tăng 12,4% so với năm 2015 nhưng biên chế giáo viên không được bổ sung mà phải tiếp tục cắt giảm hàng năm. Mặc dù địa phương đã thực hiện kiện toàn sắp xếp mạng lưới trường lớp, điều tiết thừa thiếu cục bộ, cắt chuyển biên chế sự nghiệp từ các khu vực khác sang nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu giáo viên ở mức tối thiểu để duy trì việc dạy và học.
Trong năm học 2021-2022, tỉnh Gia Lai thiếu tới 3.721 giáo viên các cấp so với mức quy định của Bộ GD-ĐT. Nguyên nhân là chỉ tiêu biên chế được giao chưa tương xứng với định mức quy định.
Để có thể bố trí đủ giáo viên dạy học, ngành giáo dục tỉnh Gia Lai đã phải tìm nhiều cách để đảm bảo việc học của học sinh. Trong đó các giải pháp như phân công, bố trí, điều tiết giáo viên trong vùng; dồn lại các điểm trường, sáp nhập các trường học để giảm số lớp và giáo viên; tuyển giáo viên hợp đồng với số chỉ tiêu biên chế còn thiếu…
Tuy nhiên với đặc điểm tỉnh Gia Lai có hơn 45% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, dân cư sống phân tán ở các địa bàn vùng sâu vùng xa nên các biện pháp phần nào ảnh hưởng đến học sinh. Đặc biệt, việc dồn các điểm trường, sáp nhập các trường khiến một số học sinh vốn vận động đi học đã khó khăn nay phải đi đường xa tới lớp nên nguy cơ bỏ học cao.
Những năm qua, Trường Tiểu học và THCS Anh Hùng Wừu (xã Gào, TP Pleiku) luôn trong tình trạng thiếu giáo viên ở cả cấp Tiểu học và THCS. Năm học vừa qua, trường thiếu 7 giáo viên tiểu học gồm: 5 giáo viên dạy văn hóa, 1 giáo viên Tiếng Anh, 1 giáo viên Tin học và 2 giáo viên THCS gồm: Giáo viên Lịch sử - Địa lý và giáo viên Hóa học - Sinh học.
Ông Đỗ Đình Thiên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Anh Hùng Wừu cho biết, để đảm bảo nguồn nhân lực, hàng năm, nhà trường ký hợp đồng với các giáo viên nhằm bổ khuyết. Thế nhưng, năm học 2021 - 2022, TP Pleiku vẫn chưa cho chủ trương hợp đồng, trường phải phân công giáo viên dạy tăng giờ để bổ khuyết những vị trí thiếu. Trong khi đó, kinh phí để chi trả cho việc này lại không có.
Tương tự, Trường Tiểu học và THCS Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) hiện thiếu 4 giáo viên Tiểu học, chưa kể giáo viên dạy Tin học và Tiếng anh. Trong khi đó, cấp THCS còn thiếu 6 giáo viên và 3 nhân viên.
Ông Trần Văn Tĩnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Ia Mơ Nông cho biết, do thiếu giáo viên nên phần nào đã ảnh hưởng đến việc dạy và học của nhà trường. Ngoài ra, chế độ giáo viên dạy 2 cấp (THCS và Tiểu học) nhưng chế độ phụ cấp ưu đãi vẫn chỉ được hưởng theo 1 cấp.
“Do chưa giao biên chế, nhà trường phải phân công một số giái viên cấp Tiểu học (môn Âm nhạc, Mỹ thuật) giảng dạy cấp THCS. Về khả năng thực hiện nhiệm vụ thì hoàn thành nhưng về quy định thì không đảm bảo do chưa đúng ngạch”, ông Tĩnh chia sẻ.
Kiến nghị Chính phủ bổ sung biên chế giáo viên
Theo quy định của Bộ Nội vụ, chỉ cho phép cơ sở giáo dục hợp đồng lao động giáo viên còn thiếu trong phạm vi biên chế được cấp thẩm quyền giao, không được hợp đồng theo định mức. Điều này đã khiến các địa phương trong tỉnh Gia Lai chật vật xử lý tình trạng có lớp, có học sinh nhưng thiếu giáo viên.
Đặc biệt, năm học 2021 - 2022 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, bậc mầm non và tiểu học phải học 2 buổi/ngày. Ngoài ra, Tiếng anh, Tin học bậc Tiểu học là môn học bắt buộc. Cùng với đó, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện lộ trình thay sách giáo khoa lớp 2, lớp 6, vì vậy nhu cầu bổ sung biên chế giáo viên đang trở nên cấp bách cho năm học mới.
Ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai cho biết, trước tình trạng thiếu hụt giáo viên, Sở cũng đã yêu cầu các Phòng GD-ĐT phối hợp với UBND các huyện rà soát lại việc sắp xếp mạng lưới trường lớp, không để ảnh hưởng đến quyền lợi học sinh. Đồng thời bố trí số học sinh trên lớp đạt mức trần mà Bộ GD-ĐT tạo đưa ra nhằm giảm được số lớp và tiết kiệm được giáo viên.
Mặt khác, đối với những trường thiếu giáo viên biên chế sẽ thực hiện hợp đồng và điều tiết giữa các trường trong vùng nhằm mục tiêu có lớp thì phải có giáo viên.
“Gia Lai đang tập trung các biện pháp để không ảnh hưởng tới học sinh, không để việc dồn trường khiến học sinh phải học xa nhà dẫn đến bỏ học. Chúng tôi đã tính tới việc thuê xe đưa đón học sinh tại các điểm thuận lợi. Các em học sinh xa quá thì thực hiện dạy 2 buổi/ngày để các em có thể sáng đi, chiều về. Các buổi trưa ở lại thì thực hiện mô hình bán trú dân nuôi. Tức là phụ huynh đóng góp thức ăn, chỗ ở trong khi chưa có kiều kiện xây chỗ bán trú cho học sinh”, ông Long chia sẻ.
Cũng theo ông Long, Sở GD-ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh Gia Lai đề nghị Chính phủ, Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ quan tâm xem xét, giải quyết bổ sung biên chế giáo viên. Hy vọng trong thời gian sớm nhất sẽ có kết quả tích cực để các năm học tới không còn tình trạng thiếu giáo viên.