| Hotline: 0983.970.780

Lùm xùm luân chuyển giáo viên tại Tương Dương

Thứ Sáu 08/10/2021 , 17:58 (GMT+7)

Kiểm tra công tác luân chuyển giáo viên năm học 2021 – 2022 tại huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An), Sở Nội vụ phát hiện nhiều khuyết điểm, tồn tại.

Quá trình bố trí, sắp xếp, luân chuyển giáo viên trên địa bàn huyện Tương Dương trong năm học 2021 - 2022 để lại nhiều điều tiếng. Ảnh: Việt Khánh.

Quá trình bố trí, sắp xếp, luân chuyển giáo viên trên địa bàn huyện Tương Dương trong năm học 2021 - 2022 để lại nhiều điều tiếng. Ảnh: Việt Khánh.

Tỉnh chỉ đạo kiểm tra

Trên cơ sở cân đối lại định biên (thừa thiếu ở các đơn vị trường học) theo cấp học, môn học, cơ quan chuyên môn huyện Tương Dương đã đề nghị Chủ tịch UBND huyện xem xét, quyết định bố trí, sắp xếp 65 trường hợp trong năm học 2021 – 2022.

Cụ thể, sẽ thực hiện thuyên chuyển, hoán đổi theo nguyện vọng để hợp lý hóa hoàn cảnh gia đình cho 12 trường hợp; thuyên chuyển do cân đối từ nơi thừa đến nơi thiếu 15 trường hợp; thuyên chuyển từ nơi thừa đến nơi thiếu theo nguyện vọng 26 trường hợp; điều động để bổ sung giáo viên cho trường THCS thị trấn Thạch Giám 1 trường hợp; thuyên chuyển bố trí lại giáo viên tiếng Anh 4 trường hợp; bố trí dạy liên trường nhóm giáo viên Trung tâm GDNN-GDTX 7 trường hợp; thuyên chuyển giải quyết giáo viên tăng cường ở xã Hữu Khuông 6 trường hợp; thuyên chuyển cân đối bố trí lại sau khi giáo viên chuyển ngoài huyện 3 trường hợp.

Cô V.T.L.N. là giáo viên Tiếng Anh của Trường THCS Tam Quang được điều động đến Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Yên Thắng. Ban đầu cô N. không đồng ý và có đơn kiến nghị, sau khi được UBND huyện xem xét, giải thích mới chấp thuận và rút đơn khiếu nại.

Trường hợp khác, Cô N.T.H. vốn là giáo viên dạy văn tại Trường PTDTBT THCS Tam Hợp được điều động đến Trường PTDTBT THCS Hữu Khuông. Xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn, cô xin được xem xét lại…

Đánh giá về công tác sắp xếp, bố trí giáo viên năm học 2021 – 2022, UBND huyện Tương Dương khẳng định đã phân tích, xem xét kỹ lưỡng từng trường hợp, đảm bảo hợp lý, đồng thời có xét đến yếu tố hoàn cảnh gia đình.

Việc thuyên chuyển, giải quyết 6 trường hợp tăng cường ở xã Hữu Khuông là nội dung được quan tâm. Ảnh: Anh Khôi.

Việc thuyên chuyển, giải quyết 6 trường hợp tăng cường ở xã Hữu Khuông là nội dung được quan tâm. Ảnh: Anh Khôi.

Huyện Tương Dương cũng nêu bật một số khó khăn, vướng mắc xoay quanh công tác luân chuyển, đó là: Tính cống hiến, chia sẻ với đồng nghiệp của một số giáo viên không cao, cơ bản chỉ muốn công tác tại các xã có chế độ chính sách cao, vùng thuận lợi, việc nhàn; trước khi ban hành quyết định sắp xếp, bố trí hầu hết các giáo viên đều tranh thủ các mối quan hệ để can thiệp, tác động…

Dù vậy, huyện này cũng quả quyết tư tưởng giáo viên cơ bản đã ổn định và đồng thuận với quá trình sắp xếp. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Nông nghiệp Việt Nam tình hình chung không hẳn như vậy.

Điều này được thể hiện rõ thông qua Công văn chỉ đạo số 6672/UBND-VX của UBND tỉnh Nghệ An gửi đến Giám đốc Sở Nội vụ; Giám đốc Sở GD-ĐT và Chủ tịch UBND huyện Tương Dương. Từ thông tin “Trên địa bàn huyện Tương Dương vẫn còn một số bất cập trong việc luân chuyển giáo viên”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Bùi Đình Long yêu cầu các bên liên quan phối hợp kiểm tra, nếu đúng như phản ánh phải có biện pháp chấn chỉnh, đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định.

Trách nhiệm thuộc về ai, xử lý như thế nào?

Tổ công tác liên ngành do Sở Nội vụ chủ trì thành lập đã vào cuộc, ghi nhận tổng quan tình hình. Kết quả, về ưu điểm nhận thấy công tác điều chuyển giáo viên tại huyện Tương Dương nhằm mục đích cân đối đội ngũ theo kế hoạch phát triển giáo dục, cơ bản khắc phục được việc thừa thiếu cục bộ giữa các trường.Tuy nhiên, Tổ công tác liên ngành cũng chỉ ra hàng loạt khuyết điểm, tồn tại.

Thứ nhất, năm học 2021 – 2022 UBND huyện Tương Dương chưa ban hành được kế hoạch điều chuyển giáo viên; chưa rà soát, đánh giá đầy đủ số giáo viên được điều động đi nghĩa vụ (đến nay đã đủ thời gian để bố trí trở lại đơn vị cũ, đơn vị thuận lợi hơn).

Thứ hai, công tác thông tin, trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của giáo viên chưa tốt khiến một số cá nhân chưa đồng thuận, qua đó để phát sinh ý kiến phản ánh, kiến nghị.

Thứ ba, theo quy định về quản lý viên chức và hướng dẫn của UBND tỉnh, các trường hợp điều động theo yêu cầu sắp xếp, bố trí giáo viên năm học 2021-2022 cần phải thực hiện theo hình thức biệt phái (không quá 3 năm). Do đó, việc UBND huyện Tương Dương quyết định điều giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu bằng hình thức thuyên chuyển là chưa phù hợp.

Dựa trên kết quả thu được, Sở Nội vụ đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện Tương Dương phải tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan. Ảnh: Việt Khánh.

Dựa trên kết quả thu được, Sở Nội vụ đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện Tương Dương phải tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan. Ảnh: Việt Khánh.

Thứ tư, ngoài ra cũng ghi nhận trường hợp thực hiện quy trình xét điều động chưa đầy đủ, cụ thể là không dựa trên kết quả bình xét của trường, không gặp giáo viên để trao đổi mà chỉ dựa vào đề xuất của Phòng GD-ĐT.

Thứ năm, Tổ công tác liên ngành cũng phát hiện UBND huyện Tương Dương chưa thực hiện quy định của UBND tỉnh về điều động, luân chuyển, biệt phái công chức, viên chức ngành GD-ĐT. Lẽ ra: “UBND cấp huyện lập danh sách giáo viên, nhân viên dự kiến điều động, luân chuyển, biệt phái giáo viên, nhân viên ngành GD-ĐT (có tài liệu minh chứng kèm theo) gửi về Sở Nội vụ để theo dõi, chỉ đạo việc triển khai thực hiện”.

Từ kết quả kiểm tra, Sở Nội vụ đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện một số nội dung liên quan đến Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, bao gồm: Thực hiện tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền, vận động đội ngũ viên chức ngành giáo dục của huyện có tâm huyết, trách nhiệm và sẵn sàng nhận nhiệm vụ, tận tâm cống hiến; rà soát lại các trường hợp điều động giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu đảm bảo quy trình khách quan, công bằng, dân chủ; gặp mặt các giáo viên được điều động đến đơn vị mới để tạo đồng thuận trước khi quyết địnhh.

Riêng đối với các trường hợp được điều động đến các trường trên địa bàn xã Hữu Khuông phải thực hiện thuyên chuyển có thời hạn đối với giáo viên tự nguyện viết đơn tình nguyện công tác (theo thời gian tình nguyện); các trường hợp còn lại ban hành quyết định biệt phái, thời hạn không quá 3 năm.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương phải tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân có hạn chế, khuyết điểm trong công tác điều chuyển giáo viên năm học 2021-2022.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.