| Hotline: 0983.970.780

Thới Thạnh về đích nông thôn mới sau 8 năm vượt khó

Thứ Năm 19/12/2019 , 13:15 (GMT+7)

Có dịp về xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) vào những ngày này, chúng ta sẽ thấy được sự đổi thay tích cực, một diện mạo nông thôn khởi sắc.

Những tuyến đường liên ấp, liên xã đã được bê tông khang trang, sạch đẹp.

17-31-10_912
Thới Thạnh là xã NTM thứ 4 của huyện biển Thạnh Phú.

Xã Thới Thạnh xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị. Sau hơn 8 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, với nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và chuẩn bị đón bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM vào ngày 21/12/2019. 8 năm qua, tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM là hơn 351 tỷ đồng, trong đó mạnh thường quân và nhân dân góp gần 31 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch UBND xã Lâm Thị Hoàng Lan, trước khi triển khai xây dựng NTM, xã chỉ đạt 6/19 tiêu chí, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao với tỷ lệ hơn 14%, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 15 triệu đồng/năm; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ; đời sống người dân còn thấp, kinh tế chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng. Khi ấy, việc phát triển nông nghiệp, nông thôn còn mang tính tự phát, sản xuất manh mún nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết, các hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới...

Sau khi có chủ trương và chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng NTM, năm 2011, Đảng ủy xã đã cụ thể hóa thành Nghị quyết số 04 về việc xây dựng xã NTM, giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020, đồng thời triển khai thực hiện sâu rộng trong toàn Đảng bộ và nhân dân. Trong quá trình thực hiện xã định hướng những việc quan trọng, lâu dài để tập trung với quan điểm việc nào dễ thì làm trước, việc nào càng khó thì phải chủ động tập trung ngay từ đầu.

Trong những năm gần đây, xã đã tập trung huy động nguồn lực trong dân đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, như đường giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, trạm y tế… Đến nay người dân tích cực tham gia xây dựng đường giao thông và đóng góp tiền mặt, hiến trên 52.000 m2 đất, gần 1.000 cây dừa, hơn 1.000 ngày công lao động, tổng giá trị hơn 16 tỷ đồng.

Xã đã phát huy nguyên tắc dân chủ ở cơ sở, đảm bảo các công trình công cộng đều được bàn bạc công khai và lấy ý kiến của nhân dân, tuân thủ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”. Hiện xã có hơn 12 km đường trục xã, liên xã và gần 16 km trong tổng số 21 km đường từ xã đến ấp, liên ấp đã được xây dựng đạt chuẩn theo quy định.

Đến nay, xã đã thành lập được 06 tổ hợp tác và 01 HTX nông nghiệp Thới Thạnh, 01 HTX dịch vụ thủy sản với gần 230 thành viên tham gia. Với việc thành lập hợp tác xã nông nghiệp Thới Thạnh theo hướng đa dịch vụ, tạo hướng liên kết nâng cao chuỗi giá trị cây dừa đồng thời giải quyết việc làm cho các lao động tại địa phương.

Một tuyến đường nông thôn tại xã Thới Thạnh.

Xã cũng đã hướng dẫn người dân trồng dừa theo hướng hữu cơ sạch an toàn chuẩn Oganic, bước đầu có 54 hộ tham gia với diện tích 65ha nhằm tạo đầu ra ổn định, góp phần hình thành chuỗi liên kết sản phẩm, phát huy thế mạnh kinh tế địa phương. Từ đó thu nhập bình quân đầu người tăng từ 15 triệu đồng năm 2011 lên 45,56 triệu đồng năm 2019.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.