Liên quan đến vấn đề về huy động vốn từ kiều hối, chất vấn tại Quốc hội sáng 11/11, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết, theo số liệu từ năm 1993 - 2023, lượng kiều hối về Việt Nam rất lớn, lên tới 206 tỷ USD.
Tuy nhiên, ngân hàng không chủ động huy động nguồn vốn này, mà chỉ trả lãi suất gửi USD bằng 0%. Trong khi đó, Nhà nước lại đi vay ODA với lãi suất cao hơn, đại biểu đề nghị ngân hàng nên huy động vốn từ kiều hối với lãi suất thấp hơn so với vay nước ngoài, để tạo động lực cho người dân gửi tiền về Việt Nam.
Liên quan vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, chúng ta có chủ trương hạn chế USD hóa, vì khi huy động ngoại tệ của người dân, các tổ chức tín dụng sẽ đối mặt với rủi ro tỷ giá.
"Chính vì đó, chúng ta phải làm cho doanh nghiệp và người dân có ngoại tệ thì chuyển hóa thành VND để đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Về việc này, Ngân hàng Nhà nước đã có chính sách rất đồng bộ từ năm 2016 đến nay", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến ngoại tệ, chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM) cho biết, lãi suất tại các nước lớn có xu hướng giảm, đồng tiền mạnh có xu hướng gia tăng gây áp lên tỷ giá của tiền Việt Nam; qua đó gây áp lực lên giá các mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam và làm tăng giá thành.
Đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết giải pháp ổn định thị trường ngoại hối, đặc biệt là về tỷ giá. Đồng thời chỉ rõ các giải pháp tiếp tục giảm lãi suất để doanh nghiệp, người dân có thể dễ dàng tiếp cận nguồn tín dụng.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, diễn biến thị trường tiền tệ biến động phức tạp, đồng đô la Mỹ cũng biến động ở mức cao, tác động mạnh đến thị trường ngoại hối trong nước.
Để ổn định thị trường này rất khó khăn, bởi phụ thuộc vào cung cầu ngoại tệ thực, Thống đốc cho biết, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước cũng bám sát vào mục tiêu theo luật định, đó là góp phần kiểm soát lạm phát sẽ góp phần ổn định đồng Việt Nam.
Việc điều hành tỷ giá và ngoại hối cũng theo hướng phù hợp với diễn biến linh hoạt của thị trường hiện nay, cho phép được dao động biên độ cộng trừ 5%.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, trong trường hợp tỷ giá có biến động quá lớn, Ngân hàng Nhà nước sẽ kịp thời can thiệp bán ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu cho người dân. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng chú trọng công tác truyền thông để doanh nghiệp và người dân hiểu hiểu rõ về định hướng chính sách.
Đối với việc giảm lãi suất, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, để ổn định tỷ giá mà giảm lãi suất sẽ tác động đến tỷ giá, vì vậy, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước phải cân bằng, thực hiện mục tiêu giảm lãi suất để hỗ trợ cho doanh nghiệp của người dân, nhưng nếu giảm lãi suất quá nhiều sẽ tác động làm tăng tỷ giá, có thể tạo tâm lý không yên tâm của nhà đầu tư nước ngoài nếu tỷ giá không ổn định.