Tiến vào thị trường thực phẩm Halal 2.500 tỷ USD: Cơ hội & thách thức cho hàng 'Made in' Thanh Hóa

Quốc Toản - Thứ Năm, 07/11/2024 , 06:00 (GMT+7)

Thị trường Halal mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam, nhưng cũng đặt ra thách thức không nhỏ…

Cơ hội nâng cao doanh thu

Tỉnh Thanh Hóa có quan hệ hợp tác với thị trường Halal từ rất sớm, với nhiều sản phẩm gia công, xuất khẩu sang các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, đến nay Thanh Hóa mới có 7 doanh nghiệp được cấp chứng chỉ Halal với giá trị xuất khẩu chỉ vài triệu USD. Trong số đó, Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco) được xem là doanh nghiệp tiên phong trong việc tìm kiếm, hợp tác, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm từ cây mía sang thị trường Hồi giáo. 

Hiện nay, doanh nghiệp đã xuất khẩu đến nhiều quốc gia có dân số theo đạo Hồi giáo đông như Malaysia, Indonesia, Jordan, Lebanon, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE), Ảrập Xêút, Libya…

Doanh thu xuất khẩu từ 1/7/2023 - 30/6/2024 của Lasuco sang thị trường Halal đạt 328 nghìn USD (chủ yếu là xuất khẩu đường phèn). Ngoài ra trong tháng 9 - 10/2024, công ty xuất khẩu thêm các sản phẩm nước mía vị tắc sang thị trường UAE đạt sản lượng hơn 115 nghìn lon.

Lasuco có nghìn ha trồng mía trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Lasuco.

Nói về quyết định đưa hàng hóa tham gia thị trường Halal, ông Lê Văn Quang, Phó Tổng Giám đốc Lasuco cho biết: "Thị trường Hồi giáo chiếm khoảng 23% tổng dân số toàn cầu, nhu cầu đối với các sản phẩm Halal ngày càng gia tăng và đang trở thành xu hướng toàn cầu. Chúng tôi nhận thấy đây là cơ hội lớn để mở rộng thị trường và nâng cao doanh thu. Thêm vào đó, việc tham gia vào thị trường Halal không chỉ giúp Lasuco đa dạng hóa sản phẩm mà còn giúp nâng cao uy tín và thương hiệu của công ty trên thị trường quốc tế". 

Lãnh đạo Lasuco cũng cho rằng, khi thị trường Halal ngày càng phát triển, những sản phẩm được chứng nhận Halal sẽ có sức cạnh tranh cao hơn và được ưa chuộng hơn trong mắt người tiêu dùng.

“Thị trường Hồi giáo yêu cầu các sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn Halal rất khắt khe. Do đó, để đạt được chứng nhận Halal cho sản phẩm của mình, Lasuco đã tiến hành rà soát lại toàn bộ quy trình sản xuất từ nguồn nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm đầu ra. Hợp tác với các tổ chức chứng nhận Halal uy tín để thực hiện các kiểm tra và đánh giá nhằm đảm bảo tất cả các sản phẩm đều đáp ứng tiêu chuẩn Halal.

Bên cạnh đó, công ty đã thiết lập một hệ thống kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, từ việc chọn lọc nguyên liệu đến quy trình sản xuất và đóng gói, để đảm bảo rằng sản phẩm không chỉ đạt chứng nhận Halal mà còn đáp ứng được các tiêu chí về an toàn thực phẩm và chất lượng cao nhất”, ông Quang nhấn mạnh.

Khu vực chế biến, đóng gói sản phẩm của Lasuco. Ảnh: Quốc Toản.

Theo lãnh đạo Lasuco, việc tiếp cận thị trường Hồi giáo gặp khá nhiều khó khăn ngay từ thời điểm ban đầu, doanh nghiệp phải đối mặt với cạnh tranh về giá bán từ các "đối thủ" trong ngành.

"Nhiều nhà sản xuất đã có mặt từ lâu trên thị trường Halal và họ đã xây dựng được thương hiệu vững mạnh cùng với mạng lưới phân phối rộng rãi. Điều này đặt ra áp lực lớn về giá cả, khiến chúng tôi phải tìm cách tối ưu hóa chi phí sản xuất mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, việc cải thiện chất lượng sản phẩm cũng là một thách thức không nhỏ. Để đáp ứng các tiêu chuẩn Halal rất khắt khe, chúng tôi đã đầu tư nâng cấp nhà máy và thiết lập quy trình sản xuất an toàn, hiệu quả. Việc này không chỉ giúp chúng tôi đảm bảo chất lượng mà còn tăng cường năng lực sản xuất để kịp thời giao hàng theo từng đơn hàng.

Bên cạnh đó, việc xây dựng niềm tin với khách hàng ở thị trường mới cũng là một thách thức lớn. Công ty phải nỗ lực không ngừng trong việc chứng minh chất lượng sản phẩm và cam kết về tiêu chuẩn Halal thông qua các chiến dịch marketing hiệu quả và nhận được phản hồi tích cực từ phía khách hàng", ông Quang chia sẻ.

Thách thức không nhỏ cho hàng hóa "Made in" Thanh Hóa

Hiện nay, tỉnh Thanh Hoá có 535 sản phẩm OCOP được công nhận, vươn lên đứng thứ 3 toàn quốc về số lượng sản phẩm OCOP. Thanh Hóa có 43 doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xuất khẩu sang 30 thị trường nước ngoài, kim ngạch xuất khẩu năm năm 2023 đạt 273 triệu USD.

Các mặt hàng sản xuất tại Thanh Hóa được cấp chứng chỉ Halal để xuất khẩu tập trung chủ yếu ở lĩnh vực da giày, may mặc, đường, ngao, surimi, dầu thực vật. Sản phẩm đã xuất khẩu sang các nước có dân số theo đạo Hồi giáo khá đông như Malaysia, Indonesia, Brunei và các nước Trung Đông. Tuy nhiên sản lượng xuất khẩu còn khá khiêm tốn, doanh số còn thấp hơn nhiều so với các thị trường khác. 

Thanh Hóa chưa thể xuất khẩu vào thị trường Halal các sản phẩm dược, mỹ phẩm, du lịch… và các sản phẩm tiềm năng khác như ngao thương phẩm, dứa đóng hộp, sắn lát, quế, mật ong tự nhiên…

Sản phẩm đồ uống của Lasuco được đón nhận tại thị trường Hồi giáo. Ảnh: Lasuco.

Ông Đặng Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho biết, các mặt hàng xuất khẩu của Thanh Hóa trong đó có nông sản từng bước chiếm lĩnh được thị phần tại thị trường Halal, thế nhưng kết quả vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Ông Hiệp nêu thực tế: “Tỉnh Thanh Hóa chưa có nhiều hoạt động giao lưu thương mại với các tổ chức thương mại trong thị trường Halal. Chính vì vậy chúng ta chưa đánh giá được một cách toàn diện những tiềm năng, thế mạnh, từ đó chưa lựa chọn được những sản phẩm có lợi thế của tỉnh và phù hợp với thị trường. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất hàng hóa của Thanh Hóa còn hạn chế do sản xuất nhỏ lẻ, khó tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, đồng bộ về chất lượng, nên khó đáp ứng khả năng cung cấp hàng hoá liên tục.

Vai trò của doanh nghiệp tham gia thị trường xuất khẩu của Thanh Hóa còn yếu, chưa có nhiều doanh nghiệp nông nghiệp đủ mạnh và có khả năng quản lý, quản trị trong sản xuất, hình thành chuỗi giá trị cũng như tham gia xuất khẩu hàng hóa".

Ông Đặng Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa. Ảnh: TQ.

Cũng theo ông Hiệp, hiện nay tỉnh Thanh Hóa đang tích cực đồng hành cùng các Bộ, ngành, cơ quan chức năng và doanh nghiệp trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư, thương mại các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ Halal… để tận dụng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, sản xuất của sản phẩm Halal, nâng cao giá trị xuất khẩu các sản phẩm của tỉnh vào thị trường này.

“Các tiêu chuẩn, chất lượng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm, nông sản xuất khẩu ở mỗi thị trường là khác nhau, đặc biệt là đối với thị trường Halal. Do đó, đòi hỏi phải có hệ thống giám sát và tổ chức sản xuất một cách đồng bộ hoạt động hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở mới đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Cần đổi mới tổ chức, mở rộng quy mô sản xuất, trong đó phải có sự tham gia liên kết của doanh nghiệp, Hợp tác xã.

Bên cạnh đó cần phải quan tâm đến yếu tố phong tục, tập quán, yếu tố tính thần, tâm linh, đặc điểm sử dụng hàng hóa của cộng đồng người Hồi giáo để tạo ra được các sản phẩm phù hợp cả về tiêu chuẩn, chất lượng, nhãn mác. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, giao lưu song phương, xúc tiến đầu tư 2 chiều giữa tỉnh với các tổ chức thương mại của thị trường Halal, từ đó lựa chọn sản phẩm có sức cạnh tranh để tham gia xúc tiến thương mại vào thị trường này", ông Hiệp cho hay.  

Tại Hội nghị tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành hàng Halal Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề xuất các Bộ, ngành sớm hoàn thiện đề án phát triển ngành hàng Halal, trình Chính phủ phê duyệt để doanh nghiệp tiếp cận, khai thác tiềm năng thị trường Halal. Đồng thời quan tâm xây dựng kênh thông tin chính thức để giới thiệu về thị trường Halal, nhu cầu thị trường, thông tin đối tác, đặc biệt hướng dẫn quy trình thủ tục được cấp chứng nhận Halal. Bên cạnh đó tăng cường các hội nghị xúc tiến, hợp tác với thị trường Halal, có cơ chế, hành lang pháp lý để bảo vệ doanh nghiệp tham gia giao dịch với thị trường Halal.

Quốc Toản
Tin khác
Giới thiệu nông lâm sản chủ lực tỉnh Hòa Bình
Giới thiệu nông lâm sản chủ lực tỉnh Hòa Bình

Tiềm năng sản xuất, chế biến các mặt hàng nông, lâm thủy sản chủ lực của tỉnh Hòa Bình phục vụ thị trường trong nước và đáp ứng xuất khẩu.

Du lịch đã trở thành nguồn thu nhập chính của Thuận Tân Hội Quán
Du lịch đã trở thành nguồn thu nhập chính của Thuận Tân Hội Quán

Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, Thuận Tân Hội Quán còn thành lập điểm du lịch nông nghiệp, tổ chức các hoạt động cho du khách tham quan, trải nghiệm cuộc sống vùng sông nước.

Hội quán, từ giao lưu chia sẻ đến phát triển hợp tác xã bài bản
Hội quán, từ giao lưu chia sẻ đến phát triển hợp tác xã bài bản

151 hội quán với hàng ngàn thành viên, nông dân Đồng Tháp không chỉ hỗ trợ sản xuất mà còn thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế tập thể.

Biến không gian nông thôn thành điểm du lịch nông nghiệp hấp dẫn
Biến không gian nông thôn thành điểm du lịch nông nghiệp hấp dẫn

Không chỉ nâng cao giá trị nông sản, các hội quán còn đồng lòng, không ngừng đổi mới, biến không gian nông thôn thành điểm du lịch nông nghiệp hấp dẫn.

Dừa tươi Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ tăng 4 con số
Dừa tươi Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ tăng 4 con số

Dừa tươi Việt Nam đang được các thương nhân Hoa Kỳ đẩy mạnh nhập khẩu trong năm nay, qua đó đưa Việt Nam vào tốp 3 những nguồn cung lớn nhất cho thị trường này.

Xuất khẩu rau quả lần đầu vượt mốc 6 tỷ USD
Xuất khẩu rau quả lần đầu vượt mốc 6 tỷ USD

Xuất khẩu rau quả Việt Nam đến hết tháng 10 đã có lần đầu tiên vược mốc 6 tỷ USD, đồng thời cũng vượt mốc 4 tỷ USD ở thị trường Trung Quốc.

Trung Quốc - Hongkong trở thành thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam
Trung Quốc - Hongkong trở thành thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh trong 10 tháng đầu năm, qua đó đưa Trung Quốc – Hongkong trở thành thị trường lớn nhất.

Thu hút người trẻ bằng sản xuất cà phê bền vững
Thu hút người trẻ bằng sản xuất cà phê bền vững

Sản xuất cà phê bền vững không chỉ giúp nông dân yên tâm gắn bó với cây cà phê mà còn thu hút được người trẻ tham gia vào sản xuất cà phê.

Nâng tầm sản xuất nông nghiệp Đất Cảng: [Bài 2] Tăng giá trị tôm, cá qua du lịch
Nâng tầm sản xuất nông nghiệp Đất Cảng: [Bài 2] Tăng giá trị tôm, cá qua du lịch

Hải Phòng Các mô hình kết hợp nuôi trồng thủy sản được người dân phát triển gắn với các hoạt động du lịch sinh thái, trải nghiệm, qua đó đã giúp gia tăng giá trị tôm, cá.

Nâng tầm sản xuất nông nghiệp Đất Cảng: [Bài 1] Cải thiện giá trị nhờ kết hợp với du lịch
Nâng tầm sản xuất nông nghiệp Đất Cảng: [Bài 1] Cải thiện giá trị nhờ kết hợp với du lịch

Sự kết hợp giữa phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, chất lượng gắn với phát triển du lịch đã giúp nông dân Hải Phòng tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

Cam Vạn Yên ‘chắp cánh’ cho du lịch sinh thái
Cam Vạn Yên ‘chắp cánh’ cho du lịch sinh thái

Quảng Ninh Từ những vườn cam bản địa, nông dân xã Vạn Yên (huyện Vân Đồn) đã và đang hình thành nên những khu du lịch sinh thái, tạo điểm tham quan, trải nghiệm hấp dẫn.

Tôm, cá ngừ có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang UAE
Tôm, cá ngừ có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang UAE

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) vừa mới được ký kết đang mở thêm nhiều cơ hội cho tôm, cá ngừ… Việt Nam tại thị trường UAE.