“Ác điểu” chúa tể bầu trời
Gần đây, nghe dân chơi chim ở Lào Cai xôn xao bàn tán rằng trên thượng nguồn Bát Xát có người đang sở hữu một chú chim săn mồi thuộc loại hiếm có. Tôi quyết định làm chuyến hành trình lên thăm thẳm núi cao đi tìm chúa tể bầu trời.
Căn nhà đơn sơ của chàng trai dân tộc Giáy Hoàng Văn Vinh nằm giữa một vườn cây trái xanh tốt, ngước nhìn lên choáng ngợp bởi những vách đá vôi sừng sững.
Lời đồn quả không sai, nhưng tôi vẫn giật mình bởi lần đầu tiên nhìn thấy chú chim to đến thế. Nó nặng tới trên 2kg và sải cánh gần 1m. Chú chim quắc đôi mắt màu vàng nhìn tôi hau háu, săm soi như muốn tấn công, đôi chân với bộ móng sắc nhọn như dao của nó quắp chặt lấy cánh tay chủ.
Mặc dù khi cho chú chim đậu lên tay, anh Vinh đã phải đeo cái găng tự chế bằng mấy lớp vải dầy, nhưng vẫn phải co tay lại vì bị mấy cái móng nhọn xuyên qua tay áo cắm vào da thịt. Bất chợt anh Vinh vung tay, con “ác điểu” tung cánh bay tới cái chạc gỗ quen thuộc phía ngoài sân, vươn cổ nhìn ra xung quanh, đung đưa ánh mắt dữ tợn.
Ông chủ chim kể rằng cách đây 3 năm, một lần sang xã Cốc Mỳ chơi đã gặp một người Mông bắt được chú chim này, khi đó chim còn nhỏ và chưa biết bay nên anh quyết định mua lại chú chim với giá 1 triệu đồng. Theo tên gọi trong sách thì đây là loài Diều hoa Miến Điện, một loài chim vô cùng quý hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng, cần được bảo vệ.
Có người trả giá tới chục triệu đồng nhưng anh Vinh vẫn không bán
Nghe nói anh Vinh có con chim quý, nhiều người đã đến hỏi mua, trả giá tới chục triệu đồng, nhưng anh vẫn không bán.
Anh Vinh chia sẻ: Mình nuôi nó từ nhỏ, coi nó như bạn thân, nên không nỡ bán đi. Bây giờ, nó có thể tự đi săn mồi được rồi. Có hôm, nó vồ được cả con rắn to như cổ tay tha về cho chủ, nhìn mà phát sợ. Từ ngày nuôi chú “chim vua”, xung quanh nhà anh Vinh dù um tùm cây cối nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của chuột và rắn nữa.
“Mùa xuân này, mình sẽ mua thưởng cho nó một chiếc mũ da và chiếc chuông đồng đeo chân thật đẹp để mang đi chơi hội Xuống Đồng”, anh Vinh tươi cười.
Trâu “thạch sùng bám cổ” sừng quặp
Lần ấy, tôi có chuyến công tác lên vùng cao xã Dìn Chin, huyện Mường Khương. Ngược qua dốc Pha Long, xe đang bon bon thì gặp một đàn trâu lừng lững đi giữa đường. Sẽ chẳng có chuyện gì để kể, nếu tôi không phát hiện ra một điều lạ. Đó là một chú trâu có cặp sừng kỳ lạ tôi chưa gặp bao giờ.
Những con trâu bình thường, ngay từ nhỏ, cặp sừng đã mọc hướng lên phía trên đỉnh đầu, riêng chú trâu này có cặp sừng dài quặp xuống phía dưới đến ngang ức, trông gần giống như sừng bò tót hay sừng một loài trâu rừng nào đó.
Chị Ly Seo Chấn, người dân tộc Mông ở thôn Dìn Chin 1, xã Dìn Chin, đang dong đàn trâu đi ăn cỏ cười lóe răng đồng: Con trâu này chồng mình đi chợ trâu mua về từ đầu năm đấy. Chồng mình bảo nó có cặp sừng khác với những con trâu thường, dưới cổ lại có vệt lông trắng gọi là “thạch sùng bám cổ” nên là con trâu tốt và đem lại may mắn cho chủ.
Nó hiền và ngoan lắm, từ khi về nhà mình chưa bao giờ nó húc nhau với trâu khác và cày bừa rất chăm chỉ. Có hôm mình thả nó cùng cả đàn trâu vào rừng tìm cỏ, chiều tối bận làm nương quá không đi bắt về. Khi về tới nhà, thấy nó đã dẫn đàn trâu về chuồng rồi.
Chị Ly Seo Chấn rất yêu quý chú trâu có cặp sừng kỳ lạ
Tôi đến gần để ngắm chú trâu có cặp sừng đặc biệt. Về hình dáng, chú trâu này không khác gì những con trâu thường, nhưng đúng là cặp sừng kỳ lạ làm cho ai gặp lần đầu cũng phải để ý.
Đối với đồng bào vùng cao, con trâu được coi như “đầu cơ nghiệp”. Vì thế, đó là tài sản đáng giá nhất trong nhà. Với gia đình chị Ly Seo Chấn, do tích cực chăn nuôi trâu nên bây giờ đàn trâu của chị đã có tới 7 chú trâu to đẹp và 1 chú bò mộng. Trong đó, chú trâu có cặp sừng kỳ lạ không phải là chú trâu to khỏe nhất nhưng lại được ông bà chủ rất yêu quý. Chị Ly Seo Chấn bảo: Mình giữ nó để nuôi thôi. Thỉnh thoảng mình dắt nó đi chợ trâu chơi, chứ không bán đâu!
Chúa tể thảo nguyên Tây Tạng
Nói đến nuôi chó cảnh, đây là thú chơi không có gì xa lạ. Thế nhưng, ở ngay thành phố Lào Cai có người dám bỏ cả đống tiền để sở hữu một chú chó ngao Tây Tạng thuộc loại “khủng” thì không phải ai cũng biết.
Đó là anh Đoàn Ngọc Thành, ở phường Bắc Cường, TP Lào Cai. Anh Thành kể, cách đây gần 2 năm, anh được một người bạn công tác ở Côn Minh, Trung Quốc mua hộ cho một chú chó ngao Tây Tạng 10 tháng tuổi với giá 34 triệu đồng. Đây là giống chó “khủng” nhất Trung Quốc, hung dữ nhất trong những loài chó săn, được mệnh danh là “Chúa tể thảo nguyên Tây Tạng”.
Về nhà anh Thành, chú chó được chăm sóc với chế độ đặc biệt. Khi chú được 15 tháng tuổi, nó đã dài tới gần 1m, cao 65cm, và nặng tới… 70kg. Nhìn bề ngoài, chú chó ngao trông dũng mãnh như một con sư tử với bộ lông bờm cổ dài, cái mõm to và đôi mắt dữ tợn.
Anh Thành coi chú chó Ngao Tây Tạng “khủng” như một người bạn thân
Những con chó thường nhìn thấy nó đều kinh hồn bạt vía. Nó rất tinh khôn, khi buồn đi vệ sinh thì sủa để báo cho chủ biết. Nếu chủ bận chưa dắt đi được, nó cũng không bao giờ “bậy” ra nhà. Người lạ đến nhà anh Thành chơi, có thể vuốt ve nó thoải mái khi có mặt chủ. Nhưng khi vắng anh Thành, nó tấn công bất kỳ ai đến gần để bảo vệ tài sản cho chủ.
Cùng với nuôi chú chó ngao Tây Tạng, anh Thành còn nuôi thêm 2 con chó béc-giê Đức. Riêng chú chó béc-giê đực dòng lông dài hiện nay được 2 tuổi và nặng 40kg. Khi nó còn nhỏ, anh Thành đã phải xuống tận trại chó béc-giê Sơn Tây (Hà Nội) để mua với giá 15 triệu đồng. Còn con béc-giê cái thuộc dòng lông ngắn, tuy mới được hơn 1 tuổi, nhưng rất tinh khôn, biết nghe hiệu lệnh của chủ bảo đứng, ngồi, nằm, bắt tay…
Đam mê với những chú chó cưng, anh Thành dành khoảng thời gian rảnh rỗi sau khi đi làm về để chăm sóc, huấn luyện chúng, coi chúng như những người bạn thân thực sự.
“Tới đây, mình dự định sẽ mua thêm một chú chó ngao Tây Tạng lông vàng nữa về làm bạn. Dù phải bỏ ra khoản tiền lớn để sở hữu nó, nhưng với mình, đó còn hơn cả một niềm đam mê”, anh Thành chia sẻ.