Với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành, đặc biệt mùa xuân những nương đồi, thung lũng trồng mận tam hoa bung nở hoa trắng tinh khôi, hoa đào tô sắc hồng, hoa cải vàng lung linh..., truyền thống văn hóa dân tộc Tày, Mông... đậm đà bản sắc, nổi bật là điệu xòe được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, Tả Chải (Bắc Hà, Lào Cai) đã và đang thu hút nhiều du khách tới tham quan, trải nghiệm.
Vùng đất của ngàn hoa
Cũng như nhiều homestay khác trên địa bàn huyện Bắc Hà, các homestay ở xã Tả Chải đang tất bật đón khách suốt hơn 2 tuần qua. Chị Hoàng Thúy (Tổ hợp tác Du lịch cộng đồng xã Tả Chải - chủ Homestay Hoàng Thúy nổi danh trong nước và quốc tế) cũng đang gấp gáp dọn dẹp nhà sàn truyền thống, chăn đệm, thực phẩm, các món ăn đặc sản... để phục vụ khách vào dịp Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà năm 2023 (diễn ra từ 10 - 12/2/2023).
Chị Thúy cho biết: "Hơn 2 tuần qua, theo thông tin của Hiệp hội Du lịch huyện và Tổ hợp tác du lịch Tả Chải cũng như nhà mình đều kín khách và sắp tới du khách đã đặt kín lịch đến đầu tháng 3, chủ yếu là khách Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, Yên Bái và Thành phố Lào Cai. Đây thực sự là tín hiệu vui với những người làm du lịch cộng đồng chúng mình.
Thời gian qua và sắp tới, hầu hết du khách đến để được đi trải nghiệm ngắm hoa đào, anh đào, hoa cải vàng, hoa mận tam hoa và sắp tới là hoa mận Tả Van và hoa lê trắng. Hầu hết du khách rất thích thú, ấn tượng với Bắc Hà mùa xuân".
Xã Tả Chải nằm tiếp giáp trung tâm huyện lỵ, có đường giao thông thuận tiện, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hữu tình, khí hậu trong lành, mát mẻ. Thời gian qua, tỉnh Lào cai, Huyện Bắc Hà rất quan tâm đầu tư phát triển du lịch văn hóa, xây dựng mô hình điểm du lịch cộng đồng ở xã Tả Chải giúp bà con dân tộc Tày nơi đây làm du lịch và hưởng lợi từ du lịch.
Nằm bao quanh trung tâm huyện lỵ Bắc Hà dưới chân dãy núi Cô Tiên, vốn từ lâu đã nổi tiếng là địa điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn của Bắc Hà, Tả Chải vài năm trở lại đây còn được biết đến nhiều hơn với đặc sản du lịch rất mới mẻ là homestay.
Ông Đặng Xuân Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Chải cho biết: “Xã Tả Chải hiện có gần 200ha cây ăn quả, chủ yếu là mận, lê, đào, trong đó có trên 100ha mận tam hoa đang trong thời kỳ nở hoa, nhuộm sắc trắng tinh khôi và đã có nhiều du khách đến với Tả Chải trải nghiệm. Ở đây có những thung lũng, nương đồi mận tam hoa đẹp còn giữ được như Na Khèo, Na Thá, Na Pắc Ngam và Na Kim...".
Với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thời gian qua, bên cạnh sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, các cấp, các ngành, Chính quyền xã Tả Chải đã khuyến khích người dân làm du lịch cộng đồng homestay. Đến nay, toàn xã đã có 15 hộ làm mô hình này, giúp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt nghệ thuật Xòe của người Tày Tà Chải đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vào tháng 3/2015.
Xã Tả Chải đã trồng mới 10ha mận tam hoa năm 2020 - 2021, dự kiến trồng mới hơn 10ha trong thời gian tới gắn với phát triển du lịch nông nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, đang tập trung phát triển 12ha rau trồng theo công nghệ cao và 30ha rau sạch trồng tại 6/6 thôn; phát triển các loại cây ăn quả đặc sản là sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo môi trường, cảnh quan phát triển loại hình du lịch miệt vườn trải nghiệm…; chú trọng công tác vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch địa phương”.
Vùng đất giàu văn hóa truyền thống
Từ lâu, xã Tả Chải được biết đến là vùng quê giàu truyền thống văn hóa, đậm đà bản sắc dân tộc, nổi bật là văn hóa dân tộc Tày, nhất là văn hóa lễ hội với hội Xòe, lễ hội Lồng Tồng đặc sắc, hấp dẫn... Ðó chính là thế mạnh để Tả Chải khai thác tiềm năng, phát triển loại hình du lịch văn hóa, du lịch văn hóa cộng đồng.
Ðồng bào Tày ở Tả Chải hiện còn duy trì tổ chức đều đặn các lễ hội truyền thống. Ngoài Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu, vào ngày rằm tháng Chạp, bà con còn tổ chức lễ hội Lồng Tồng (xuống đồng), ngày 2/2 âm lịch tổ chức lễ cúng rừng, sau vụ mùa vào tháng 10 âm lịch tổ chức lễ cơm mới…
Các lễ hội này đã góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là văn hóa – văn nghệ dân gian, thể dục – thể thao dân tộc, văn hóa cộng đồng…, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Văn hóa lễ hội chính là nét hấp dẫn khách du lịch nhất của vùng đất này.
Theo lịch, từ ngày 10 - 12/2 sẽ diễn ra Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà mùa xuân năm 2023 với chủ đề “Sắc màu cao nguyên”. Là 1 trong 2 xã (cùng với Na Hối) có diện tích mận tam hoa lớn nhất Bắc Hà, Tả Chải đang chuẩn bị các điều kiện để tham gia các hoạt động của Festival, trong đó trọng tâm là hoạt động đón khách trải nghiệm homestay, ẩm thực, trải nghiệm, chụp ảnh những vườn hoa mận tam hoa; tìm hiểu phong tục, tập quán, ẩm thực, trang phục của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Mông.
"Chào đón du khách, xã Tả Chải đã chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến tới các homestay, các thôn tập trung bảo đảm an ninh - trật tự, phòng chống cháy nổ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt để du khách trải nghiệm, khám phá vườn hoa mận và có những ấn tượng đẹp, vận động người dân chỉnh trang nhà ở, dọn dẹp đường làng, ngõ xóm, gìn giữ và chăm sóc vườn mận", ông Đặng Xuân Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Chải nhấn mạnh.
Còn chị Hoàng Thúy cho biết, sắp tới, khách đến Bắc Hà rất đông, nhất là khách Việt Nam lên trải nghiệm mùa xuân Bắc Hà muôn sắc hoa. Lượng khách đông, gia đình vẫn giữ mức giá niêm yết, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; có đội xòe Na Kim, Na Khèo luôn túc trực phục vụ du khách có nhu cầu; có hướng dẫn viên tận tình; dịch vụ ẩm thực luôn có các món ăn đặc sản dân tộc để thu hút và giữ chân du khách.
Để tạo ấn tượng thu hút khách du lịch đến với Tả Chải trong dịp xuân Quý Mão 2023, nhất là Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà mùa xuân sắp tới, các thôn và các hộ dân trong xã luôn chủ động các phương án phục vụ. Anh Vàng Văn Tân, Trưởng thôn Na Lo cho biết: “Thôn đã chú trọng công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, chỗ ăn, nghỉ, sản phẩm du lịch đặc trưng; các món ăn đặc sản địa phương, nhất là phục vụ văn nghệ quần chúng, biểu diễn điệu xòe truyền thống để phục vụ du khách".
Ở xã Tả Chải, dịch vụ du lịch homestay xuất hiện đầu tiên ở thôn Na Lo, sau mở rộng ra các thôn bản khác như Na Hô, Na Kim, Na Thá… Đến nay, đã hình thành được 15 hộ dân làm du lịch homestay và các dịch vụ khác như bán hàng, hướng dẫn viên du lịch… Ngoài ra, để thu hút du khách, các hộ dân tại đây đã tự đầu tư học ngoại ngữ, học nấu ăn, thành lập đội văn nghệ, đội xòe để thường xuyên phục vụ du khách khi có nhu cầu.
Loại hình du lịch homestay đã làm thay đổi bộ mặt thôn, bản của xã Tả Chải. Là loại hình du lịch có tiềm năng, để quản lý, khai thác có hiệu quả homestay, thời gian tới, xã Tả Chải tiếp tục có biện pháp phát triển toàn diện, đẩy mạnh công tác quảng bá, đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, liên kết với các địa phương trong và ngoài huyện để thu hút khách du lịch nhằm đưa loại hình dịch vụ này ngày càng phát triển...