Chiều ngày 13/4, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu đã làm việc với tỉnh Ninh Thuận về tình hình sản xuất, chế biến muối của tỉnh này.
Tiêu thụ khó, giá bán thấp
Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận, cho biết, Ninh Thuận là địa phương có điều kiện thuận lợi để sản xuất muối nhờ nồng độ muối trong nước biển cao, môi trường biển trong sạch, nhiệt độ cao quanh năm, nhiều nắng, nhiều gió, mùa khô kéo dài.
Bên cạnh đó, diêm dân có truyền thống sản xuất muối lâu đời, người lao động có nhiều kinh nghiệm sản xuất, có lực lượng lao động đáp ứng tốt nhu cầu của ngành muối trên địa bàn tỉnh với quy mô lớn.
Theo quy hoạch giai đoạn 2016-2020, tổng diện tích đất sản xuất muối toàn tỉnh Ninh Thuận có 3.267 ha, sản lượng muối sản xuất bình quân hàng năm từ 450.000-500.000 tấn/năm. Trong 4 tháng đầu năm 2021, tổng diện tích đưa vào sản xuất muối được 3.078 ha đạt 94,2% so với quy hoạch. Trong đó diện tích sản xuất muối công nghiệp 2.447 ha, của diêm dân 631 ha; sản lượng 133.760 tấn, giảm 120.000 tấn so với cùng kỳ năm 2020.
Về tổ chức sản xuất, đối với muối công nghiệp do Tập đoàn BIM và Công ty Muối Đầm Vua tự tổ chức sản xuất và tiêu thụ. Còn muối của diêm dân chủ yếu tập trung trên địa bàn huyện Ninh Hải. Hầu hết sản xuất quy mô hộ cá thể nên thường gặp khó khăn trong sản xuất và rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”.
Trước tình hình đó, Sở NN-PTNT đã hỗ trợ huyện Ninh Hải thành lập HTX muối Khánh Nhơn tại xã Nhơn Hải và 2 Tổ hợp tác sản xuất muối tại Tri Hải để liên kết tổ chức sản xuất và tiêu thụ muối cho bà con diêm dân.
Theo ông Cương, những tháng đầu năm nay mặc dù sản lượng muối giảm so cùng kỳ, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên tình hình tiêu thụ muối gặp nhiều khó khăn, giá bán thấp hơn so với mọi năm.
Hiện tại, giá muối diêm dân nền đất giao động từ 350-450 ngàn đồng/tấn, muối trải bạt giá 500-550 ngànđồng/tấn; muối công nghiệp từ 650-750 đồng/tấn. Lượng muối tồn kho hiện nay khoảng 290.500 tấn. Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận hiện mới có 8 cơ sở chế biến muối, chủ yếu là muối tinh có chứa i-ốt, không có sản phẩm chế biến sâu.
Công tác quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm muối chế biến, hiện ngành nông nghiệp đã cấp Chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) đối với 4 cơ sở thu mua muối và 5 cơ sở chế biến muối. Ngoài ra, còn có 3 cơ sở chế biến đang áp dụng ISO:2200 nên không cấp Chứng nhận đủ điều kiện ATTP.
Về định hướng sản xuất và chế biến muối của tỉnh trong thời gian tới, ông Đặng Kim Cương cho biết, trong giai đoạn 2025-2030, Ninh Thuận duy trì ổn định diện tích muối với 3.267 ha, sản lượng đến năm 2025 đạt 550.000 tấn/năm và năm 2030 đạt 650.000 tấn/năm.
Theo đó, đối với sản xuất muối công nghiệp sẽ phát triển chế biến muối tinh cao cấp và công nghiệp hóa chất sau muối. Đối với sản xuất muối diêm dân sẽ phát triển sản xuất theo các liên kết cánh đồng lớn, trong đó các HTX làm nòng cốt và cung ứng các dịch vụ chung cho xã viên để hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.
Ông Trần Thanh, Giám đốc HTX muối Khánh Nhơn cho biết: HTX được thành lập từ năm 2018 với diện tích 50 ha sản xuất muối, ngoài ra còn liên kết 50 ha muối của người dân quanh vùng. Với năng suất mỗi ha đạt 400 tấn, thì mỗi năm lượng muối của HTX và liên kết đạt sản lượng 40.000 tấn.
Tuy nhiên hiện nay việc tiêu thụ của HTX gặp rất nhiều khó khăn, HTX không có hợp đồng dài hạn thu mua ổn định mà HTX tự tìm đầu ra và chủ yếu bán cho các doanh nghiệp nên thường bị ép giá.
Bên cạnh đó kho chứa muối của HTX không có, cơ sở hạ tầng xuống cấp, việc vận chuyển muối từ ruộng ra đường lớn phải trung chuyển nên đội giá muối, việc cơ giới hóa cũng không thực hiện được do không có vốn...
Ông Bùi Xuân Long, Chủ tịch HĐQT Cty CP muối Việt cho biết, hiện nay nút thắt lớn nhất của ngành muối nói chung và Ninh Thuận nói riêng đó là cước phí vận chuyển, bởi hiện nay quá cao nên doanh nghiệp không thể thu mua giá muối cao được.
Theo ông Long, hiện nay công ty đã đưa máy thu hoạch, máy rửa muối vào Ninh Thuận triển khai nhưng chỉ thực hiện ở quy mô lớn của các doanh nghiệp. Đối với muối diêm dân, do quy mô nhỏ nên việc đầu tiên là phải đảm bảo nguồn nước sạch, nền sạch để có sản phẩm muối sạch, đồng thời tập trung chế biến muối, đa dạng hóa sản phẩm để nâng cao giá trị, có như vậy mới nâng cao thu nhập cho người dân được.
Sẽ xây dựng mô hình điểm
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT cho biết, Ninh Thuận là địa phương có diện tích và sản lượng muối lớn nhất nước. Mục đích chuyến công tác của đoàn Bộ NN-PTNT đi khảo sát các vùng muối tại Ninh Thuận không chỉ để đầu tư cơ sở hạ tầng mà cùng với tỉnh phải tìm ra mô hình sản xuất muối hiệu quả nhất để nâng cao hiệu quả, như cơ giới hóa, thị trường tiêu thụ, đa dạng hóa sản phẩm...
Do đó, tỉnh Ninh Thuận phải sớm xây dựng chiến lược phát triển ngành muối cho phù hợp với chiến lược phát triển ngành muối của Chính phủ nhằm thay thế dần muối nhập khẩu.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, hiện nay thu nhập của ngành muối rất thấp. Tới đây Bộ NN-PTNT sẽ trình Chính phủ đề án phát triển ngành muối. Tỉnh Ninh Thuận với điều kiện thuận lợi khí hậu để sản xuất cũng như diện tích muối lớn nhất, do đó Bộ NN-PTNT sẽ xây dựng mô hình điểm tại Ninh Thuận nhằm nâng cao giá trị ngành muối, cải thiện đời sống cho người diêm dân.
Theo đó mô hình dự kiến từ 100- 150 ha, bởi diện tích lớn mới dễ quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, đưa công nghệ vào sản xuất muối, đồng thời đưa máy móc vào cơ giới hóa nhằm giảm chi phí và sẽ mời các chuyên gia vào tư vấn mô hình này.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị tỉnh Ninh Thuận nhanh chóng xây dựng đề án chiến lược phát triển ngành muối để Bộ NN-PTNT thẩm định sau đó sẽ trình Chính phủ. Còn xây dựng đề án thế nào thì sau khi đi khảo sát thực tế các vùng sản xuất muối của Ninh Thuận sẽ cùng với địa phương xây dựng cụ thể.
Ngày 14/4), Thứ trưởng Trần Thanh Nam sẽ cùng đoàn công tác và lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận cùng các sở ngành đi khảo sát các vùng muối của tỉnh Ninh Thuận.
Cũng tại buổi làm việc, tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ đầu tư hạ tầng tại 2 đồng muối diêm dân giai đoạn 2021-2025 với tổng mức đầu tư 15,5 tỷ đồng. Hỗ trợ HTX muối Khánh Nhơn đầu tư Văn phòng HTX, kho bãi tập kết muối và máy móc cơ giới hóa, bốc dỡ, lưu kho với tổng nhu cầu kinh phí đầu tư khoảng 4,2 tỷ đồng.