| Hotline: 0983.970.780

Thủ tướng: 'Cần chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp'

Thứ Tư 02/06/2021 , 13:48 (GMT+7)

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hoạt động phát triển nông nghiệp phải xoay quanh người nông dân nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, chất lượng sống cho người nông dân.

Ông Phạm Minh Chính trong lần thăm Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch Sêrêpốk 3 tại xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Bá Lục.

Ông Phạm Minh Chính trong lần thăm Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch Sêrêpốk 3 tại xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Bá Lục.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về tình hình thực hiện nhiệm vụ của Bộ NN-PTNT, các khó khăn, vướng mắc và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Theo Thủ tướng, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn luôn đóng vai trò hết sức quan trọng, góp phần ổn định xã hội, ổn định tình hình đất nước, đặc biệt là trong những lúc kinh tế khó khăn, nông nghiệp khẳng định vai trò bệ đỡ cho nền kinh tế.

Đồng thời, nông nghiệp, nông thôn góp phần thúc đấy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Kết quả nổi bật

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, những năm qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ 2016-2020, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đạt được nhiều thành tích, kết quả nổi bật.

Cụ thể, Bộ NN-PTNT đã đổi mới tư duy, bám sát diễn biến tình hình để chủ động tham mưu, chỉ đạo sản xuất; tập trung làm tốt công tác xây dựng thể chế, đề xuất cấp thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành để góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và huy động nguồn lực cho phát triển.

Bộ NN-PTNT xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới; hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được quan tâm đầu tư nâng cấp, từng bước hiện đại hóa.

Thời gian qua, hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh từng bước được hoàn thiện, phù hợp hơn với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu; chủ động thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp.

Nhờ đó, giai đoạn 2016-2020 toàn bộ 15/15 chỉ tiêu tăng trưởng chủ yếu của ngành đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, năm 2020 xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 41,5 tỷ USD, xây dựng nông thôn mới đạt 62% về đích sớm trước 2 năm, thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người, tăng 1,92 lần so với đầu nhiệm kỳ.

Những thành quả đạt được đó của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn góp phần làm cho diện mạo, cảnh quan, môi trường nông thôn được cải thiện rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Thủ tướng Phạm Minh chính cho rằng ngành nông nghiệp phát triển chưa ổn định, bền vững, phụ thuộc vào thiên tai, thời tiết, thị trường tiêu thụ, trong khi thị trường xuất khẩu ngày càng khó khăn.

Công tác dự báo cung cầu, thị trường còn hạn chế, công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch chưa phát triển mạnh nên vẫn còn tình trạng được mùa mất giá, giải cứu nông sản.

Sản xuất chủ yếu vẫn là kinh tế hộ, manh mún, nhỏ lẻ; quan hệ sản xuất đổi mới còn chậm, các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất hình thành chủ yếu là tự phát, hiệu quả chưa thực sự ổn định; kết nối liên vùng còn rời rạc, kết nối thị trường chưa thông suốt, chi phí logistics còn cao.

Ngoài ra, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn nhiều khó khăn; một số cơ chế, chính sách chưa đi vào cuộc sống, chậm được sửa đổi, thiếu nguồn lực để thực hiện.

Một vấn đề nữa là cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp chưa phổ biến, năng suất lao động, giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp còn thấp, thu nhập của người nông dân còn khoảng cách rất lớn so với khu vực đô thị, đời sống của phần lớn hộ nông dân còn khó khăn.

Chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp chưa cao, công tác quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm các mặt hàng nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp còn bất cập.

Người nông dân rạng rỡ trên cánh đồng dứa ở Tam Điệp, Ninh Bình. Ảnh: Tùng Đinh.

Người nông dân rạng rỡ trên cánh đồng dứa ở Tam Điệp, Ninh Bình. Ảnh: Tùng Đinh.

Người nông dân là trung tâm

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: “Thống nhất các mục tiêu chủ yếu đến năm 2025 được nêu tại báo cáo của Bộ: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 2,5-3,0%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu từ 48-50 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới ít nhất 80%; thu nhập của cư dân nông thôn gấp 1,5 lần năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng duy trì 42%, nâng cao chất lượng rừng.

Đồng thời, cần sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng trên đất nông nghiệp và đẩy mạnh phát triển hợp tác xã nông nghiệp”.

Quan điểm, định hướng phát triển ngành nông nghiệp của Thủ tướng khẳng định, ba trụ cột chính của ngành là nông nghiệp, nông thôn và nông dân, trong đó người nông dân phải là trung tâm, là chủ thể, nông thôn là nền tảng, là cơ sở và nông nghiệp là động lực.

Hoạt động phát triển nông nghiệp phải xoay quanh người nông dân nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, chất lượng sống cho người nông dân; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nhà nước, xã hội và thị trường. Nông nghiệp - nông thôn - nông dân phải tiếp tục góp phần ổn định chính trị, xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ngành nông nghiệp cần tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, từ chuỗi liên kết cung ứng nông sản sang liên kết giá trị ngành hàng, chuyển từ nền nông nghiệp sản lượng cao sang nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững, khởi tạo chuyển đổi số, chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị, từ hỗ trợ đầu vào sang vừa hỗ trợ đầu vào, vừa chú trọng hỗ trợ, kết nối đầu ra, quan tâm phát triển thị trường xuất khẩu đi đôi với chú trọng phát triển thị trường nội địa.

Công nhân sơ chế chuối trước khi đóng gói tại khu vực xưởng của Công ty Đồng Giao, Ninh Bình. Ảnh: Tùng Đinh.

Công nhân sơ chế chuối trước khi đóng gói tại khu vực xưởng của Công ty Đồng Giao, Ninh Bình. Ảnh: Tùng Đinh.

Bên cạnh đó, phát huy tinh thần tự lực tự cường, chọn lọc kế thừa, nhưng phải đổi mới sáng tạo để phát triển, không trông chờ ỷ lại, phải chủ động tiến công, linh hoạt sáng tạo để biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể. Lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá cho phát triển.

Tăng cường phân cấp, phân quyền, đi đôi với đẩy mạnh kiểm tra, giám sát. Bộ cần làm tốt công tác quản lý nhà nước, tập trung quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, cơ chế, chính sách, xây dựng các công cụ quản lý, kiến tra, giám sát việc thực hiện.

Tăng cường huy động nguồn lực cho đầu tư, phát triển ngành thông qua hợp tác công tư (nghiên cứu các mô hình lãnh đạo công, quản trị tư, đầu tư tư, sử dụng công và đầu tư công, quản lý tư) trên cơ sở bảo đảm cân bằng, hài hòa hợp lý lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Tập trung nguồn lực cho ba đột phá chiến lược, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, làm đến đâu dứt điểm đến đó để mang lại hiệu quả.

Ngoài ra, khai thác, sử dụng, quản lý đúng quy định nhưng thực hiện phải linh hoạt, hiệu quả đất nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp; chú trọng hiệu quả khai thác trên đất.

  • Tags:
Xem thêm
Thủy lợi nội đồng cho vùng ngọt - nhiệm vụ cấp thiết

Cà Mau Giữ vùng ngọt, điều tiết nước hợp lý, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi để đáp ứng sản xuất là nhiệm vụ quan trọng với tỉnh Cà Mau.

Khánh Hòa điều tiết nhiều hồ chứa để đón lũ

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi Khánh Hòa đã phát đi thông báo về việc điều tiết nước 3 hồ chứa và điều chỉnh lưu lượng điều tiết 2 hồ chứa.

68 ngày đêm thần tốc thi công khu tái định cư Làng Nủ

Lào Cai tổ chức lễ bàn giao 40 căn nhà mới ở Làng Nủ; 15 căn nhà mới ở Nậm Tông cho 48 hộ dân bị mất nhà do lũ quét, thiên tai.