Làm việc với UBND tỉnh Bình Dương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, với vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương là một địa bàn trọng điểm được Chính phủ quan tâm trong việc phòng chống dịch Covid-19, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sức khỏe cho người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Thao cho biết, tỉnh có số lượng rất lớn doanh nghiệp với hơn 1,2 triệu lao động, 29 khu công nghiệp với khoảng 500 nghìn lao động, có nhiều khu nhà trọ đan xen các nhà máy, xí nghiệp, nguy cơ cao dịch bệnh xâm nhập, lây lan vào doanh nghiệp.
Nhiều người dân trong đợt dịch thứ tư còn lơ là, chủ quan, không tuân thủ nghiêm các khuyến cáo của Bộ Y tế về thực hiện 5K, đặc biệt là khai báo không trung thực làm khó truy vết và xác định nguồn lây bệnh.
Trong đợt bùng phát dịch thứ tư tới nay, Bình Dương có 221 ca mắc Covid-19, trong đó có 9 ca trong khu công nghiệp. Nguồn lây chủ yếu từ các ổ dịch tại TP.HCM. Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, Bình Dương chuyển trạng thái chống dịch với các giải pháp trực chiến cao nhất; siết chặt quản lý đối với các địa phương đang áp dụng Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và các khu vực phong tỏa như thành phố Thuận An, thị xã Tân Uyên và một số phường thuộc thành phố Thủ Dầu Một. Đến nay, hơn 85% các doanh nghiệp thực hiện đánh giá mức độ an toàn dịch bệnh.
Thủ tướng đánh giá cao kết quả phòng chống dịch bệnh Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương. Tỉnh vẫn kiểm soát được dịch bệnh, đạt tăng trưởng kinh tế trên 7%, thu ngân sách hơn 60%, đời sống nhân dân chưa bị tác động nhiều, chính sách an sinh xã hội được duy trì thực hiện tốt, nhất là không có hộ nghèo.
“Đây là những điểm sáng của Bình Dương trong 6 tháng đầu năm, cần tiếp tục đúc rút kinh nghiệm để phát huy thật tốt”, Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, Bình Dương chưa có phương án cụ thể phòng chống dịch Covid-19 trong các khu công nghiệp. Vì thế, người đứng đầu Chính phủ đề nghị tỉnh tập trung xây dựng kịch bản, phương án cho việc này. Bình Dương phải chuẩn bị kịch bản ở mức cao hơn, nếu không sử dụng thì tốt, khi cần sử dụng cũng không bị lúng túng. Nếu kiểm soát dịch không tốt sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ việc thực hiện nhiệm vụ chính trị từ nay đến cuối năm, nhất là phát triển kinh tế - xã hội.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bình Dương phải bám sát tình hình để xây dựng kịch bản, giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả.
“Không để đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nếu để đứt gãy sẽ rất khó khôi phục. Mục tiêu cho thời gian sắp tới là phải chống dịch hiệu quả, ngăn chặn, đẩy lùi, không để bùng phát dịch trong khu công nghiệp. Phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm cuộc sống người dân năm sau tốt hơn năm trước; phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an toàn, an ninh, an dân. Kết thúc tốt đẹp năm học và tổ chức kỳ thi THPT quốc gia hiệu quả, an toàn, đúng quy định”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước đó, tại buổi thăm Nhà máy của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng những thành tích Vinamilk đạt được trong 45 năm qua, thực hiện có hiệu quả các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về cổ phần hóa, về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và về công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Qua hoạt động của Công ty, sản phẩm nông nghiệp được chế biến, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cải thiện đời sống người nông dân, nâng cao đời sống người lao động, góp phần nâng cao sức khỏe và tầm vóc của người Việt Nam.
Công ty cũng thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, có nhiều đóng góp cho cộng đồng trong phòng chống thiên tai, ứng phó dịch bệnh…
Thủ tướng ghi nhận Vinamilk là đơn vị “vừa sản xuất vừa chiến đấu”, góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu kép. Thủ tướng nhấn mạnh, thực hiện mục tiêu kép là nhiệm vụ khó nhưng không còn cách nào khác; chống được dịch để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, sản xuất kinh doanh được mới có nguồn lực để chống dịch tốt hơn.
Trước những kiến nghị của Vinamilk, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ đôn đốc giải quyết ngay, không để mất thời cơ của doanh nghiệp.
Về đề xuất của Vinamilk liên quan đến phát hành trái phiếu ưu đãi, Thủ tướng lưu ý phải theo đúng các nguyên tắc, chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Nhà nước, bảo đảm được tỷ lệ cổ phần của SCIC phải nắm quyền phủ quyết, phù hợp thực tiễn, tránh tiêu cực, nâng cao đời sống của người lao động thì phải khuyến khích.
Thủ tướng yêu cầu Vinamilk cần tiếp tục phát huy thành quả, kết quả đã đạt được, không chủ quan, thỏa mãn, không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao giá trị thương hiệu, tiếp tục phát triển các sản phẩm thuận lợi nhất cho người sử dụng, thích ứng có hiệu quả với tình hình dịch bệnh, “năm sau tốt hơn năm trước” về trên mọi mặt, đóng góp nhiều hơn cho đất nước.