| Hotline: 0983.970.780

Thủ tướng: Cắt giảm thủ tục, đẩy nhanh sản xuất vacxin trong nước

Thứ Bảy 26/06/2021 , 17:10 (GMT+7)

TP.HCM Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, cần đẩy nhanh hơn nữa quy trình thử nghiệm lâm sàng vacxin phòng Covid-19. Thay vì đi từng bước một, trong lúc 'nước sôi lửa bỏng thì phải chạy'.

Ông Hồ Nhân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác. Ảnh: CTV.

Ông Hồ Nhân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác. Ảnh: CTV.

Thành lập "Tổ hành động hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vacxin"

Sáng 26/6, tại buổi làm việc với Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen (Khu công nghệ cao TP.HCM), Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh Nanogen đã chủ động đi thẳng vào vấn đề mà đất nước và nhân dân đang cần. Đó là sản xuất vacxin nói chung, các sản phẩm tham gia vào việc chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Đặc biệt khi tình hình Covid-19 xảy ra, Nanogen đã đi thẳng vào nghiên cứu, tập trung các nhà khoa học trong nước, tham khảo kinh nghiệm của thế giới, đầu tư sản xuất vacxin phòng Covid-19 một cách rất nghiêm túc, bài bản.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, cần đẩy nhanh hơn nữa quy trình thử nghiệm lâm sàng vacxin phòng Covid-19. "Thay vì chúng ta đi từng bước một, bây giờ chúng ta không phải bước nhanh hơn nữa mà là phải chạy. Trong lúc nước sôi lửa bỏng thì phải chạy thôi", Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, dù đẩy nhanh tiến độ, nhưng về nguyên tắc phải đảm bảo đúng quy trình theo quy định của thế giới, và quy định của Việt Nam, phải tuân thủ những quy định rất chặt chẽ. "Bởi nó liên quan đến sức khỏe, tính mạng của người dân", Thủ tướng nhấn mạnh.

Vacxin phòng Covid-19 sản xuất trong nước phải đảm bảo tính an toàn, khoa học và có hiệu quả. "Hiệu quả bao gồm ngăn chặn dịch bệnh, chi phí thấp, từ đó phải được nhân dân ủng hộ", Thủ tướng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ, ngành tập trung tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính, tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến quy trình. "Đề nghị Bộ y tế, Bộ KH-CN nghiên cứu các quy trình cho đơn giản, giảm tối đa các thủ tục hành chính cản trở việc nghiên cứu chuyển giao công nghệ và sản xuất vacxin tối thiểu nhất có thể. Còn việc cấp phép, đánh giá tiêu chuẩn vacxin thì dứt khoát phải làm", Thủ tướng đề nghị.

Về các quy định, quy chế và đặc biệt là vấn đề thử nghiệm lâm sàng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Y tế đồng hành cùng các công ty sản xuất vacxin. "Không thể làm việc đơn độc được. Đây là việc liên quan đến tính mạng con người, liên quan đến việc quản lý nhà nước của Bộ y tế, vì vậy Bộ y tế phải sẵn sàng", Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, từ nay đến tháng 9, khan hiếm vacxin phòng Covid-19 trên toàn cầu, do đó, Việt Nam cần chủ động sản xuất vacxin trong nước, tiến tới "người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Vì vậy, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành có liên quan, địa phương giúp đỡ, chỉ đạo ưu tiên tốt nhất có thể, tạo điều kiện tốt nhất có thể cho các doanh nghiệp nói chung, nhất là các doanh nghiệp liên quan đến vacxin, liên quan đến phòng chống dịch Covid-19, để doanh nghiệp có thể sản xuất nhanh nhất vacxin phòng Covid-19.

Tại buổi làm việc Thủ tướng cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nghiên cứu thành lập một "Tổ hành động hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vacxin", do người có thẩm quyền quyết định.

Tổ này sẽ giúp thúc đẩy quá trình sản xuất vacxin phòng Covid-19 trong nước nhanh nhất có thể, nhưng vẫn phải đảm bảo tính khoa học, an toàn, đúng quy trình và đạt hiệu quả. Trên tinh thần đó, chủ động được việc miễn dịch cộng đồng, trên nguyên tắc phải miễn phí cho toàn dân.

Theo Thủ tướng, tuổi đời của vacxin có một chu kỳ nhất định chứ không thể miễn dịch cả đời. Vì vậy, mình vẫn phải chủ động, không những chủ động năm nay mà còn chủ động trong những năm sau tới nữa. "Vì vậy, chiến lược nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất vacxin phòng Covid-19 trong nước là một chiến lược vừa có tính chất trước mắt vừa có tính chất lâu dài và chúng ta lúc nào cũng phải có.

Phải đặt nền tảng cho việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vacxin một cách lâu dài cơ bản và tổng thể có tính chiến lược", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu việc nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất vacxin phòng Covid-19 trong nước cần thần tốc, thần tốc hơn nữa. "Nanogen là một trong những công ty đi đầu trong việc nghiên cứu và sản xuất vacxin trong nước, đề nghị lãnh đạo TP.HCM tạo điều kiện tốt nhất có thể cho Nanogen hoàn thành tốt nhiệm vụ", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Kỹ sư vận hành máy móc tại Công ty Nanogen. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Kỹ sư vận hành máy móc tại Công ty Nanogen. Ảnh: Nguyễn Thủy.

"Từ tháng 9/2021, có thể chạy được 30 đến 50 triệu liều vacxin/tháng"

Báo cáo Thủ tướng chính phủ và đoàn công tác, ông Hồ Nhân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen cho biết, hiện đơn vị có 4 nhà máy sản xuất, tuy nhiên 2 nhà máy đã đóng cửa, còn lại 2 nhà máy tập trung sản xuất vacxin phòng Covid-19. Với năng lực hiện tại, Nanogen hoàn toàn đáp ứng nhu cầu vacxin phòng Covid-19 trong nước. 

"Hiện mỗi tháng công suất Nanogen có thể chạy được 8-10 triệu liều vacxin phòng Covid-19. Từ tháng 9/2021 có thể chạy được 30 đến 50 triệu liều/tháng.

Do đại dịch Covid-19 nên Nanogen phải cải tiến công nghệ và đưa những công nghệ cao vào sản xuất. Về chất lượng, Nanogen làm theo tiêu chuẩn của thế giới, tất cả các nhà máy đều đạt tiêu chuẩn của Việt Nam và thế giới", ông Hồ Nhân cho biết.

Về kết quả thử nghiệm lâm sàng, ông Hồ Nhân cho biết, giai đoạn 3a thử nghiệm trên 1.000 người, 3b là 12.000 người, trong 10 ngày nữa, công ty sẽ hoàn thành mũi tiêm đầu tiên cho 13.000 tình nguyện viên khắp cả nước.

"Hôm qua, Bộ Y tế đã chấp thuận cho triển khai thử nghiệm lâm sàng 3c với 1 triệu người (500.000 người các tỉnh phía Bắc, 500.000 người các tỉnh phía Nam), tương đương 2 triệu liều vacxin. Giữa tháng 7 sẽ cho triển khai ở giai đoạn 3c với nhà tài trợ trong nước cho quá trình thử nghiệm lâm sàng", ông Hồ Nhân chia sẻ.

Ông Nhân cũng cho biết, đơn vị đã gửi mẫu vacxin cho Viện nghiên cứu vacxin thế giới của Liên Hiệp Quốc (đặt tại Hàn Quốc) kiểm định và tham gia thử nghiệm lâm sàng, nếu đạt được các tiêu chuẩn của họ thì vacxin do Việt Nam sản xuất sẽ được so sánh với bốn loại vacxin của Nga, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ xem hiệu quả đạt được, dự kiến tháng 12 sẽ có kết quả.

Ngoài ra, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã ký biên bản ghi nhớ yêu cầu Nanogen hợp tác chuyển giao công nghệ...

Trước câu hỏi của Thủ tướng về phần công nghệ, ông Hồ Nhân khẳng định, công nghệ là của công ty, không nhập của ai, riêng nguyên liệu đầu vào phải nhập. "Vacxin Nanocovax được đánh giá là 1 trong 15 vacxin trên thế giới về mặt lâm sàng giai đoạn 3, với giá bán 120.000 đồng/liều, thấp nhất thế giới", ông Hồ Nhân khẳng định.

Tổng giám đốc Công ty Nanogen đề xuất Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ y tế sâu sát hơn nữa và tăng cường thêm tổ điều hành sản xuất vacxin phòng Covid-19 để hỗ trợ về thủ tục hành chính, thủ tục kiểm định.

Nanocovax là loại vacxin phòng Covid-19 do Nanogen nghiên cứu sản xuất được Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia (Bộ Y tế) đánh giá tốt và đã thông qua đề cương nghiên cứu, triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 trên quy mô 13.000 người và hoàn tất vào giữa tháng 8/2021.

Hiện đã có 13.000 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm giai đoạn 3 ở hai miền Nam, Bắc do Học viện Quân y và Viện Pasteur TP.HCM phụ trách. Dự kiến, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia (Bộ Y tế) sẽ dựa trên kết quả thử nghiệm để có đánh giá ban đầu xem xét cấp phép khẩn cấp vacxin phòng Covid-19 Nanocovax của Công ty Nanogen.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 80 năm Quân đội nhân dân Việt Nam

Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ 'Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại', thể hiện niềm kính yêu và biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.