| Hotline: 0983.970.780

Thuế tiêu thụ đặc biệt có thể bỏ sót đồ uống chứa đường lỏng sirô ngô

Thứ Tư 27/11/2024 , 13:33 (GMT+7)

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường là cần thiết để bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhưng cần dùng định nghĩa quốc tế để không bỏ sót đối tượng.

Đường lỏng sirô ngô HFCS hiện là chất tạo ngọt chính trong nước giải khát ở Việt Nam.

Đường lỏng sirô ngô HFCS hiện là chất tạo ngọt chính trong nước giải khát ở Việt Nam.

Nguy cơ bỏ sót đối tượng khi dùng Tiêu chuẩn Việt Nam

Vừa qua, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Theo dự thảo luật, Chính phủ đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với nước giải khát có hàm lượng đường trên 5 gram trong 100ml (nước ngọt), với mức thuế dự kiến là 10%.

Theo tờ trình của Chính phủ, mục đích ban hành Luật là để hoàn thiện quy định về chính sách thuế TTĐB để mở rộng cơ sở thu (như bổ sung vào đối tượng chịu thuế đối với nước giải khát có đường, áp dụng thuế hỗn hợp đối với thuốc lá, tăng thuế suất thuế TTĐB đối với rượu, bia...), bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện luật.

Dự thảo đưa nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB với thuế suất là 10% để thực hiện các chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Bộ Y tế.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) khẳng định, quyền lợi của sức khỏe cộng đồng cần được đặt trên quyền lợi sản xuất kinh doanh của mọi ngành nghề, trong đó có ngành mía đường. Nhưng VSSA nhận thấy hồ sơ dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) có một số điểm bất hợp lý, đó là tuy dựa trên khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và kinh nghiệm quốc tế về biện pháp đánh thuế vào nước giải khát có đường để định hướng tiêu dùng, nhưng lại không sử dụng định nghĩa của WHO hoặc các tổ chức quốc tế về đồ uống có đường, mà lại sử dụng định nghĩa nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), trong khi có sự khác biệt rất lớn của các định nghĩa này.

Cụ thể, Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 12828:2019 định nghĩa: “Nước giải khát (water-based beverages) là sản phẩm pha sẵn để uống với mục đích giải khát, được chế biến từ nước, có thể chứa đường, phụ gia thực phẩm, hương liệu, có thể bổ sung các thành phần nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, vitamin và khoáng chất, có ga hoặc không có ga”. Theo định nghĩa này chỉ có nước giải khát chứa đường là đối tượng chịu thuế.

Tuy nhiên, theo WHO, đối tượng chịu thuế đồ uống có đường được định nghĩa: “Đồ uống có đường (sugary drinks) được định nghĩa là tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do (free sugars)... Đường tự do đề cập đến là đường đơn monosacarit (như glucose, fructose) và đường đa disacarit (như sucrose hoặc đường ăn)”. Theo định nghĩa này đồ uống có đường (sugary drinks) có chứa đường tự do là đối tượng chịu thuế.

Tương tự, theo nhóm Ngân hàng thế giới (WB), đối tượng chịu thuế đồ uống có đường được định nghĩa: “Đồ uống có đường (Sugar-sweetened beverages - SSBs) là đồ uống không cồn có chứa chất làm ngọt có năng lượng, chẳng hạn như sucrose (đường) hoặc sirô ngô có hàm lượng fructose cao (HFCS)… Đồ uống có đường SSBs có chứa nhiều đường tự do (free sugars) dễ hấp thụ”. Theo định nghĩa này nước giải khát chứa đường hoặc sirô ngô HFCS là đối tượng chịu thuế.

Có thể nhận thấy WHO và WB đã mở rộng định nghĩa "đồ uống có đường” thành “đồ uống có chứa đường tự do (free sugars)” khi sử dụng biện pháp đánh thuế nước giải khát có chứa chất ngọt.

Trong khi đó, tại Việt Nam, đường lỏng sirô ngô HFCS hiện nay là chất tạo ngọt chính trong nước giải khát chứ không phải đường. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, khối lượng đường lỏng sirô ngô HFCS nhập khẩu đang có xu hướng tăng nhanh qua các năm, và đa số được nhập khẩu bởi các công ty sản xuất nước giải khát. Năm 2023, lượng đường lỏng sirô ngô nhập khẩu đã tăng với mức độ bùng nổ khi khối lượng hơn gấp đôi so với năm 2021 (232 nghìn tấn so với 102 nghìn tấn).

Nếu dùng định nghĩa "nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam" khi sử dụng biện pháp đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, thì sẽ không thể áp dụng tiêu chí “hàm lượng đường trên 5g/100ml” với đồ uống sử dụng chất làm ngọt là đường lỏng sirô ngô HFCS.

Đường lỏng sirô ngô HFSC nhập khẩu vào Việt Nam đang tăng mạnh.

Đường lỏng sirô ngô HFSC nhập khẩu vào Việt Nam đang tăng mạnh.

Vì vậy, VSSA cho rằng, sử dụng định nghĩa "nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam" để áp thuế TTĐB, có thể dẫn đến nguy cơ sai lầm là bỏ sót đối tượng chịu thuế, qua đó, không thể thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Để xuất sử dụng định nghĩa của WHO

Theo VSSA, hiện nay, tất cả các tổ chức quốc tế đều đã nhận diện tác nhân gây hại sức khỏe trong đồ uống có đường là các loại đường tự do (free sugars) chứ không chỉ có đường như trước đây

Vì vậy, VSAA đề xuất bỏ cụm từ "nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN)" thành “đồ uống có đường (sugary drinks) có chứa đường tự do (free sugars) bao gồm đồ uống chứa đường và đồ uống có chứa đường lỏng sirô ngô HFCS” với diễn giải chi tiết về đồ uống có đường (sugary drinks) phù hợp hướng dẫn của WHO.

Cụ thể, đồ uống có đường được WHO định nghĩa là tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do (free sugars) và chúng bao gồm nước ngọt có ga hoặc không có ga, nước trái cây/rau và đồ uống, chất lỏng và bột cô đặc, nước có hương vị, nước tăng lực và thể thao, trà pha sẵn, cà phê pha sẵn và đồ uống có sữa có hương vị. Đường tự do đề cập đến là đường đơn monosacarit (như glucose, fructose) và đường đa disacarit (như sucrose hoặc đường ăn) được nhà sản xuất, người nấu ăn hoặc người tiêu dùng thêm vào thực phẩm và đồ uống, và đường tự nhiên có trong mật ong, sirô, nước ép trái cây và nước trái cây cô đặc.

VSSA đề xuất bỏ tiêu chí “hàm lượng đường trên 5g/100ml” vì không còn phù hợp thực tế, có thể dẫn đến nguy cơ bỏ qua đối tượng chịu thuế chính hiện nay là đồ uống có chứa đường lỏng sirô ngô HFCS.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch VSSA cho rằng, Việt Nam có thể xem xét áp dụng kinh nghiệm của một số nước trong khối ASEAN bao gồm Philippines và Indonesia khi áp thuế TTĐB với đồ uống có đường.

Cụ thể, Philippines áp thuế TTĐB với các mức thuế khác nhau đối với đồ uống có đường và đồ uống có chứa đường lỏng sirô ngô HFCS. Trong đó, áp mức thuế cao hơn (gấp 2 lần) đối với đồ uống có chứa đường lỏng sirô ngô HFCS.

Kinh nghiệm của Indonesia là vừa áp thuế phòng vệ thương mại đối với đường lỏng sirô ngô HFCS vừa kiến nghị thu thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường và ga từ 1.500 rupiah đến 2.500 rupiah cho mỗi lít tuỳ loại đồ uống.

"Trong trường hợp Việt Nam, VSSA đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% đối với đồ uống có đường và 20% đối với đồ uống có chứa đường lỏng sirô ngô HFCS", ông Nguyễn Văn Lộc cho biết.

Xem thêm
Cần sớm ban hành tiêu chuẩn cho các mặt hàng rau quả chủ lực

Hiệp hội Rau quả kiến nghị Bộ NN-PTNT có thêm những chương trình, chính sách để hỗ trợ ngành hàng nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm và xuất khẩu bền vững.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Startup Việt thắng giải WorldCup về công nghệ nông nghiệp

Enfarm, doanh nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) nhằm đo và tư vấn cho nông dân về dinh dưỡng cây trồng, đã xuất sắc đạt danh hiệu Market.

Đề nghị mở rộng tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên lên 6 làn xe

Mới đây, Bộ GTVT đã có văn bản trả lời cử tri Thái Nguyên về việc đề nghị mở rộng, nâng cấp đoạn cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên lên 6 làn xe.