Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế, trong đó bổ sung nước giải khát có đường. Theo giải trình của Bộ Tài chính, việc làm này nhằm giảm rủi ro bệnh tật và gánh nặng y tế đối với bệnh không lây nhiễm, cụ thể là tình trạng thừa cân béo phì.
Trên thế giới, hiện có khoảng 45 quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường. Tuy nhiên, tại một số nước như Chile, Mexico, Ấn Độ, Bỉ, Phần Lan, Latvia và Brunei, tỷ lệ thừa cân béo phì vẫn tăng sau khi áp dụng chính sách này.
Đan Mạch, Na Uy đã bãi bỏ chính sách thuế này vì không có tác động đáng kể đến sức khỏe người tiêu dùng, trong khi gây ra tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội. Bang California, Hoa Kỳ còn thông qua dự luật ngăn các thành phố trực thuộc thông qua việc áp thuế với đồ uống và thực phẩm trong vòng 12 năm kể từ tháng 6/2018.
Đường chỉ đóng góp hơn 3% trong tổng năng lượng đưa vào cơ thể từ thức ăn và đồ uống, theo Báo cáo An ninh Lương thực và Dinh dưỡng ASEAN 2021. Nguồn năng lượng chủ yếu đến từ ngũ cốc (hơn 50%), thịt (hơn 15%). Hàm lượng calo trung bình trong 100ml nước giải khát có đường (khoảng 40 Kcal) thấp hơn nhiều so với bánh kẹo (hơn 400 Kcal), hay các sản phẩm chế biến sẵn như pate, thịt lợn hộp, dăm bông (đều hơn 300 Kcal).
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thừa cân béo phì là do sự mất cân bằng giữa năng lượng nạp vào và năng lượng tiêu hao. Cụ thể là việc tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu calo trong khi thiếu các vận động thể chất. Đây được xem là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng thừa cân béo phì.
Báo cáo An ninh Lương thực và Dinh dưỡng ASEAN 2021 cũng chỉ ra, 86,3% thiếu niên Việt Nam ở độ tuổi từ 11 đến 17 thiếu hoạt động thể chất. Ngoài ra, thời gian ngồi màn hình ngày nghỉ là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc thừa cân béo phì ở học sinh.
Khảo sát của Viện Dinh dưỡng cho thấy, học sinh ở khu vực thành thị có tỷ lệ thừa cân béo phì cao hơn hơn 2 lần so với khu vực nông thôn (41% và 18%) nhưng tỷ lệ tiêu thụ nước ngọt của trẻ em khu vực thành thị lại thấp hơn (16% và 22%).
Hiện Chính phủ áp dụng một số chính sách ưu đãi thuế với ngành mía đường, như thuế giá trị gia tăng là 5%; đồng thời áp dụng chính sách hạn ngạch thuế quan, các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường nhập khẩu.
Nếu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên các sản phẩm có đường, hơn 300.000 hộ gia đình trồng mía sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp.
Không chỉ ngành mía, các ngành công nghiệp phụ trợ khác như bán lẻ, bao bì, và hậu cần cũng chịu tác động nếu nước giải khát có đường bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10%.Nhiều doanh nghiệp có thể điều chỉnh chiến lược ở cấp khu vực để nhập khẩu thay vì sản xuất tại Việt Nam do chi phí tăng cao.
Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tính toán, doanh thu của ngành ước giảm khoảng 3.100 tỉ đồng trong khi thu ngân sách chỉ tăng hai phần ba, ở mức 2.200 tỉ.
Điều này trùng với nghiên cứu do Ủy ban châu Âu thực hiện. Theo đó, việc đánh thuế thức ăn hay đồ uống nhiều chất béo, đường hay muối tại EU dẫn đến sự gia tăng về chi phí quản trị, tình trạng thiếu việc làm, chi phí lương thực tăng cao, nhưng không tác động nhiều tới sức khỏe người dân.