| Hotline: 0983.970.780

Thương hiệu bưởi Phúc Trạch đang bị lạm dụng

Thứ Tư 16/09/2020 , 08:31 (GMT+7)

Cùng giống bưởi Phúc Trạch nhưng sản phẩm trồng trên đất Hương Khê (Hà Tĩnh) được bảo hộ “đặc sản”, còn trồng ở các vùng đất khác chất lượng chưa được đánh giá.

Năm nay nông dân Hương Khê thu hoạch một mùa bưởi đẹp. Ảnh: Thanh Nga.

Năm nay nông dân Hương Khê thu hoạch một mùa bưởi đẹp. Ảnh: Thanh Nga.

Mùa bưởi đẹp

Năm 2020, mặc dù nắng hạn khốc liệt kéo dài hơn 3 tháng, dự báo một mùa bưởi thất thu. Tuy nhiên nhờ sự chủ động, nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp chống hạn của người nông dân, vùng sản xuất bưởi đặc sản Phúc Trạch, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đạt một mùa bội thu.

Gia đình ông Nguyễn Hữu Hải, thôn Phú Lễ, xã Hương Trạch bén duyên cây bưởi đã hơn hai thập kỷ. Hiện vườn cây của gia đình có hơn 250 gốc/0,6 ha; trong đó 80 gốc đã cho thu hoạch.

Ông Hải kể rằng, những năm 1997 – 2010, bưởi Phúc Trạch bắt đầu mất mùa triền miên, hầu hết diện tích trên địa bàn ra hoa nhưng không đậu quả. Người dân ồ ạt chặt bưởi trồng dó trầm. Có những thời điểm, người ta bắt đầu quên đi sự hiện diện của loài bưởi đặc sản đã tồn tại hàng chục, thậm chí hàng trăm năm qua.

Các nhà khoa học từ Bắc chí Nam được mời về nghiên cứu, tìm nguyên nhân, giải pháp khắc phục. Sau nhiều nỗ lực, kỹ thuật thụ phấn bổ sung ra đời, giúp tăng cường quá trình ra hoa, đậu quả. Kể từ đó, bưởi Phúc Trạch lấy lại vị thế quả ngon toàn Đông Dương.

“Khoảng 5 năm trở lại đây, hầu như năm nào bưởi Phúc Trạch cũng được mùa. Đặc biệt, năm nay nhờ chủ động bao quả từ sớm nên mẫu mã, hình thức quả bưởi đẹp hơn nhiều so với các năm trước”, ông Hải nói.

Quả bưởi đồng đều. Ảnh: Thanh Nga.

Quả bưởi đồng đều. Ảnh: Thanh Nga.

Theo lão nông tri điền Nguyễn Hữu Hải, đặc thù thời tiết ở Hương Khê nắng, gió khắc nghiệt nhưng chính cái khắc nghiệt này tạo nên sản phẩm bưởi đặc sản “độc nhất vô nhị”.

Bên cạnh việc bón phân theo chu kỳ để đủ dinh dưỡng cho bưởi phát triển, người sản xuất phải định quả trên cây, tức một cây bưởi 4 năm tuổi chỉ nên giữ lại 25 – 30 quả, không nên “ép” cây “cõng” quá nhiều quả, ảnh hưởng đến trọng lượng quả bưởi và tuổi thọ của cây.

Một yếu tố quan trọng khác là cung cấp đủ nước cho bưởi phát triển đồng đều; khi đường kính quả bưởi đạt 3 – 4 cm phải tiến hành bao quả, ngăn ngừa côn trùng chích hút, tránh ánh nắng mặt trời gây cháy sém phần vỏ bưởi.

“Trước đây chênh lệch quả lớn, quả bé trên cây bưởi rất lớn và vỏ bưởi thường bị các chấm đốm đen, xỉn màu. Bây giờ, khi thực hiện tỉa quả và bao quả sớm, các hạn chế trên đều được khắc phục”, ông Hải nói.

Được biết, 5 năm nay, ông Hải bán bưởi thông qua các trang mạng xã hội Facebook, Zalo nên giá cả rất ổn định. Riêng năm nay, gia đình thu hoạch được 6.000 quả, bán với giá bình quân 35.000đ/quả, tính sơ sơ tổng thu nhập từ vườn bưởi đạt hơn 200 triệu đồng.

Trọng lượng nhiều quả đạt trên 1,5 kg. Ảnh: Phan Chung.

Trọng lượng nhiều quả đạt trên 1,5 kg. Ảnh: Phan Chung.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Phan Anh Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Trạch cho hay, toàn xã có hơn 1.800/1.900 hộ dân sản xuất bưởi Phúc Trạch với tổng diện tích 400 ha; trong đó, diện tích cho thu hoạch gần 300 ha.

Mới đây, để nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu bưởi Phúc Trạch bền vững, xã đã phát triển được 23 tổ hợp tác/456 hộ dân áp dụng quy trình sản xuất bưởi VietGAP. Tất cả các hộ tham gia VietGAP đều được cấp tem nhãn để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Hãy là người tiêu dùng thông thái

Năm 2004 bưởi Phúc Trạch được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp “Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa”. 6 năm sau, Cục Sở hữu trí tuệ  tiếp tục cấp “Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý” cho 19/21 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hương Khê sản xuất sản phẩm bưởi Phúc Trạch đặc sản.

Bưởi Phúc Trạch đang đứng trước nguy cơ mất thương hiệu do sự chủ quan của người sản xuất và việc phát triển quá nhanh diện tích bưởi Phúc Trạch ở các huyện khác trên địa bàn Hà Tĩnh, Quảng Bình. Ảnh: Thanh Nga.

Bưởi Phúc Trạch đang đứng trước nguy cơ mất thương hiệu do sự chủ quan của người sản xuất và việc phát triển quá nhanh diện tích bưởi Phúc Trạch ở các huyện khác trên địa bàn Hà Tĩnh, Quảng Bình. Ảnh: Thanh Nga.

Tiếng tăm của bưởi Phúc Trạch không còn nằm ở trong tỉnh, trong khu vực Bắc Trung bộ mà đã vươn xa ra cả nước. Chính hiệu quả mà cây trồng này đem lại rất lớn nên nhiều địa phương như: huyện Can Lộc, Thạch Hà, Vũ Quang, Kỳ Anh… (Hà Tĩnh); Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình) đổ xô trồng bưởi Phúc Trạch.

Một cán bộ phòng nông nghiệp huyện Hương Khê chia sẻ, lượng cung quá lớn đã gây nên thực trạng lạm dụng thương hiệu bưởi Phúc Trạch làm nhiễu loạn thị trường.

“Hiện nay bưởi Can Lộc, Thạch Hà, Kỳ Anh, Vũ Quang… đã trồng trên dưới 1.000 ha, chiếm 1/3 diện tích toàn tỉnh. Đó là chưa kể diện tích sản xuất tại tỉnh Quảng Bình.

Tất cả đều là giống bưởi Phúc Trạch, hình thái giống nhau nên người bán đánh đồng chất lượng bưởi trồng ở các vùng đất trên giống với bưởi trồng ở đất Hương Khê. Trong khi thực tế, chất lượng bưởi Phúc Trạch trồng ở Hương Khê ngon hơn hẳn các vùng đất khác”, vị cán bộ nói.

Tính đến nay diện tích bưởi Phúc Trạch toàn huyện Hương Khê đạt 2.700 ha; trong đó, diện tích cho thu hoạch trên 1.900 ha; sản lượng năm 2020 ước đạt 21.000 tấn.

Chung lo lắng, ông Nguyễn Hữu Hải, thôn Phú Lễ, xã Hương Trạch nhấn mạnh: “Bưởi Phúc Trạch đang đứng trước nguy cơ mất thương hiệu do có sự trà trộn của bưởi ở các vùng đất khác”.

Theo ông Hải, hiện nay, một số thương lái ở Hương Khê sang tỉnh Quảng Bình hoặc xuống huyện Can Lộc, Thạch Hà… (Hà Tĩnh) mua 1 – 2 vườn bưởi đem về trộn với bưởi Phúc Trạch sau đó bán ra thị trường.

Ngoài ra, ở một số vùng người dân tổ chức thu hoạch khi bưởi chưa đạt độ chín khiến cho chất lượng bưởi kém, ảnh hưởng đến thương hiệu bưởi Phúc Trạch “gốc”.

Bưởi Phúc Trạch đã được cấp tem nhãn VietGAP hoặc chỉ dẫn địa lý. Khách hàng hãy là người tiêu dùng thông thái, lựa chọn những sản phẩm có truy xuất nguồn gốc để tiêu thụ. Ảnh: Thanh Nga.

Bưởi Phúc Trạch đã được cấp tem nhãn VietGAP hoặc chỉ dẫn địa lý. Khách hàng hãy là người tiêu dùng thông thái, lựa chọn những sản phẩm có truy xuất nguồn gốc để tiêu thụ. Ảnh: Thanh Nga.

Theo cán bộ Phòng nông nghiệp huyện Hương Khê, muốn khắc phục tình trạng này, trước tiên khách hàng phải là người tiêu dùng thông thái, có trách nhiệm với đồng tiền bỏ ra khi lựa chọn sản phẩm.

Tất cả diện tích bưởi Phúc Trạch nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý hiện nay đều được quản lý thông qua tem chỉ dẫn địa lý do UBND huyện Hương Khê cấp; ngoài ra, hơn 70 tổ VietGAP/500 ha đã được công nhận, được cấp tem nhãn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng cần thông qua các kênh này để kiểm soát sản phẩm mình mua có đúng chuẩn bưởi Phúc Trạch hay không.

Đối với người sản xuất, nhà nước đã dồn nguồn lực xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, bà con cần nâng cao trách nhiệm để bảo vệ thương hiệu đó.

“Riêng chính quyền địa phương, năm 2020 sẽ tiếp tục xây dựng thêm khoảng 100 tổ hợp tác sản xuất theo quy trình VietGAP, với diện tích khoảng 600 ha. Mục đích cuối cùng là hướng người sản xuất phát triển sản phẩm có truy xuất nguồn gốc đảm bảo tính bền vững”, lãnh đạo phòng nông nghiệp Hương Khê nói thêm.

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm