Viện nghiên cứu rau quả đóng vai trò rất lớn trong việc hồi sinh cây bưởi Phúc Trạch. |
Nay, nhờ khoa học kỹ thuật, loài quả này không chỉ trồng ở Phúc Trạch, Hương Khê mà còn phát triển ở những vùng đất mới các huyện trên địa bàn Hà Tĩnh.
Quả ngọt “thời xa vắng”
Xưa – người dân trồng bưởi Phúc Trạch để phục vụ nhu cầu trong gia đình và đưa ra chợ huyện, chợ xã bán lấy tiền mua gạo, mua thức ăn.
Diện tích bưởi cũng chỉ trồng tập trung ở xã Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Đô (huyện Hương Khê). Qua thời gian, loài quả đặc sản này thể hiện được nhiều đặc điểm vượt trội, phù hợp điều kiện đất đai, đặc biệt là cái nóng như “chảo lửa” của huyện vùng núi Hà Tĩnh nên diện tích tăng lên theo cấp số nhân, mở rộng sang cả các huyện Vũ Quang, Can Lộc, Đức Thọ, Hương Sơn...
Ông Lê Đình Doãn, Trưởng phòng Quản lý khoa học (Sở KH&CN Hà Tĩnh) còn nhớ như in thời điểm những năm 1998 – 2007, cây bưởi Phúc Trạch trở thành nỗi ám ảnh của người dân bản địa. Bưởi đồng loạt ra hoa nhưng không đậu quả.
“Thời kỳ chăm sóc, cây bưởi nào cũng xanh tốt mơn mởn nhưng đến chính vụ, giữa “vương quốc” bưởi người dân cũng không bói nổi một quả để mời khách. Chán nản, nhà nhà đổ xô phá bưởi trồng dó trầm. Diện tích bưởi Phúc Trạch đang từ hơn 1.000ha rớt xuống chỉ còn vài ba trăm ha. Thậm chí có những hộ phá hẳn vườn bưởi mấy trăm gốc nhường đất cho cây dó, chúng tôi nhìn mà xót xa”, ông Doãn nhớ lại.
Khoảng năm 2000, ngành chuyên môn của tỉnh Hà Tĩnh bắt đầu vào cuộc “bắt bệnh”, thực hiện các biện pháp ngăn chặn tình trạng bưởi mất mùa. Tuy nhiên, kể cả khi mời chuyên gia nước ngoài về hỗ trợ, mọi nỗ lực của địa phương cũng đều “xôi hỏng bỏng không”.
Đến năm 2009, Viện Nghiên cứu Rau quả, trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS, Bộ NN-PTNT), thực hiện đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu, xác định nguyên nhân và biện pháp khắc phục hiện tượng suy giảm năng suất, chất lượng cây bưởi Phúc Trạch” thì loài cây “vang bóng một thời” này mới được hồi sinh.
Phương pháp thụ phấn bổ sung bằng máy tăng tỷ lệ đậu quả cho cây bưởi. Ảnh: BHT. |
Tiến sĩ Vũ Việt Hưng, Trưởng bộ môn cây ăn quả, Viện Nghiên cứu Rau quả chia sẻ, sau khi nghiên cứu tổng hợp nhiều yếu tố, các nhà khoa học đã xác định được nguyên nhân chủ yếu làm suy giảm năng suất, chất lượng bưởi Phúc Trạch là do sự thay đổi bất thường của thời tiết khí hậu; canh tác không tuân thủ quy trình và sự thiếu hụt dinh dưỡng trong đất, nguồn phấn hoa.
“Giải pháp khắc phục đưa ra là tỉa cành tạo tán, tăng sức khỏe cho cây; chăm sóc bưởi theo đúng quy trình. Đặc biệt, hướng dẫn người dân tự thụ phấn, lấy nhụy hoa bưởi chua thụ phấn cho bưởi Phúc Trạch”, ông Hưng nói, đồng thời cho biết, 1 năm sau khi kết thúc dự án (2012), cây bưởi Phúc Trạch bắt đầu hồi sinh, tỷ lệ đậu quả tăng lên theo từng năm và được mùa thường xuyên cho đến bây giờ.
Lấy lại vị thế
Theo ông Lê Đình Doãn, để nâng cao giá trị cho quả bưởi, từ năm 2012 đến nay, Viện Nghiên cứu Rau quả phối hợp Sở KH&CN Hà Tĩnh thực hiện thêm 4 đề tài liên quan đến quy trình cắt tỉa, khoanh vỏ; quản lý dịch hại tổng hợp phòng trừ bệnh đốm đen; nghiên cứu chuyển giao quy trình thụ phấn bổ sung bằng cơ giới; tạo lập, xây dựng hệ thống quản lý chỉ dẫn địa lý cho cây bưởi Phúc Trạch.
“Đến thời điểm này có thể khẳng định cả 5 đề tài đã thực hiện trong 10 năm qua đạt kết quả rất tốt. Và chính các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu Rau quả là những người đã làm sống lại cây bưởi Phúc Trạch. Đây là Viện đầu ngành đã có những đóng góp to lớn trong công tác nghiên cứu, chuyển giao các giải pháp, tiến bộ kỹ thuật phát triển cây bưởi đặc sản của Hà Tĩnh”, ông Doãn nhấn mạnh.
Hiện Viện Nghiên cứu Rau quả tiếp tục chuyển giao kỹ thuật thụ phấn bổ sung bằng cơ giới cho người sản xuất. Tiến sỹ Vũ Việt Hưng cho hay, đề tài này triển khai từ đầu năm 2018. Hai nội dung quan trọng nhất Viện đang nghiên cứu là xác định loại bột, tỷ lệ phối trộn với phấn bưởi chua và số lần thụ phấn trên mỗi cây.
Cụ thể, để tiết kiệm phấn hoa, cần có vật liệu phối trộn, thông thường sẽ có các loại bột sữa, bột đá, bột gạo… Qua thử nghiệm trên cây bưởi Phúc Trạch, bột đá phát huy hiệu quả cao hơn cả, ít bị tác động bởi thời tiết ẩm đặc trưng ở Hương Khê mùa cây bưởi ra hoa; và tỉ lệ 1:4 (4 thìa bột đá, 1 thìa phấn hoa) được đánh giá phù hợp nhất.
Bột đá, phấn hoa được phối trộn với nhau theo tỷ lệ 4:1 (4 thìa bột đá, 1 thìa phấn hoa) trước khi phun lên cây bưởi Phúc Trạch. |
“Chi phí cho một chiếc máy thụ phấn khoảng 500 ngàn đồng. Chúng tôi đang tiếp tục cải tiến máy để nâng cao hiệu quả hơn. Tất nhiên, phấn càng nhiều và tần suất càng cao thì sẽ cho tỷ lệ đậu quả cao, song chúng tôi phải tìm ra công thức tốt nhất để đảm bảo tiết kiệm chi phí và công sức mà vẫn đảm bảo hiệu quả”, ông Hưng nói.
Khi được hỏi về tương lai của bưởi Phúc Trạch, ông Lê Đình Doãn cho rằng, muốn duy trì, phát triển bền vững loài cây đặc sản này, vai trò liên kết “4 nhà” (Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp) cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Bởi suy cho cùng, nếu liên kết chặt chẽ, tất cả các bên đều có lợi. Hiện tại, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp đã vào cuộc, nhà nước đã đầu tư, tư duy sản xuất của nông dân cũng có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, tất cả đều đang ở mức độ cầm chừng, chưa có tính đột phá lớn.
“Trước mắt, nhà nước cần đầu tư nguồn lực cho nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu giảm số lượng hạt, tăng độ đồng đều cho quả bưởi Phúc Trạch. Đồng thời, nghiên cứu cách bảo quản quả bưởi. Và quan trọng nhất, chính quyền địa phương, ngành chuyên môn tích cực tìm kiếm doanh nghiệp bao tiêu đầu ra ổn định cho người sản xuất”, vị Trưởng phòng nói thêm.
Như vậy, với sự vào cuộc mạnh mẽ của nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp thời gian qua, người sản xuất ở Hà Tĩnh có quyền tin vào một tương lai ổn định của cây bưởi Phúc Trạch nói riêng, cây ăn quả có múi nói chung.
Thụ phấn bổ sung cho bưởi Gia đình chúng tôi đã có hơn 20 năm trồng bưởi, trải qua cả những giai đoạn bưởi mất mùa liên tục nhiều năm liền. Tuy nhiên, sau khi Viện Nghiên cứu Rau quả chuyển giao kỹ thuật thụ phấn bổ sung bằng tay rồi bằng máy thì cây bưởi Phúc Trạch đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp hàng chục lần so với trước đây. Hiện vườn của gia đình tôi có gần 200 gốc bưởi cho quả, sản lượng năm nay đạt hơn 7.000 quả, tổng thu nhập đạt gần 300 triệu đồng, hơn hẳn trồng dò trầm. Những năm gần đây, nếu để thụ phấn tự nhiên cây bưởi vẫn đậu quả nhưng trọng lượng, chất lượng, mẫu mã không đảm bảo. Vì vậy, tôi mong các ban ngành hỗ trợ người dân đưa kỹ thuật thụ phấn bổ sung bằng máy vào sản xuất để giảm tỷ lệ quả dị tật, giảm công lao động, tăng tỷ lệ đậu quả, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho quả bưởi. (Anh Nguyễn Văn Tài, xóm 7, xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) |