Cây bần mọc ven sông nước lợ, hoặc nước mặn. Thân bần thuộc loại gỗ đại mộc, có nhiều cành. Lá bần hình trứng, dày, màu xanh thẫm, năm bốn mùa không rụng. Quanh bần là dứa dại ngâm nửa mình dưới nước là tiếng sóng lao xao, tiếng cá quẫy đứt quãng, tiếng bong bóng vỡ và tiếng côn trùng...
Bần mọc cách quãng dăm mét, chừng trăm lườn sóng, kết thành rặng ven bờ sông, nhìn lên cánh đồng lúa, nghiêng cành xuống bến nước, nơi cữ hoàng hôn có cô gái lái con thuyền chở nước mắm ngược nguồn, cánh buồm nâu thấp thoáng sau những tán lá bần xanh. Bao nhiêu trai làng ra đi rồi trở về, bao người đi đi mãi, mang theo cánh buồm nâu thấp thoáng ấy để rồi khi về già, những đêm khuya khoắt, ngoài sông khắc khoải tiếng quả bần rơi, trái tim bỗng nhói lên nỗi nhớ mơ hồ và một tiếc nuối cũng mơ hồ...
Hoa bần chẳng giống ai, hai hoặc ba hoa chụm vào nhau, mỗi đài hoa có sáu thùy, thùy dày, mặt ngoài màu lục, mặt trong màu trắng, hoặc màu hồng. Thùy hoa khép vào nhau, bọc lấy hàng trăm, cũng có thể hơn, những cái nhụy như những cái kim khâu nửa trắng muốt, nửa đỏ thắm ôm ấp một cái hạt nhân nhỏ xíu tròn mẩy. Đầu mỗi nhụy hoa vương mấy hạt phấn vàng thơm mùi bùn ngẫu.
Tháng tư, gió nồm ngoài biển thổi về, nước sông nhiễm mặn từ cơn triều cường xanh ngăn ngắt, hoa bần như những cái chuông con rung mình sau kẽ lá. Những thùy hoa sẽ sàng mở ra và giữa dải xanh cành lá bần lấp ló những đốm đỏ. Vô vàn nhụy hoa đỏ rưng rưng nhìn trời xanh, uống nắng, gió. Bấy giờ trong khoảng không thanh sạch vương vất những giọt phấn vàng tí xíu... Vài ngày sau, thùy hoa từ màu xanh chuyển sang màu xám lặng thầm xuội xuống cuống. Rồi hoa bần thả nhụy bay lăm nhăm trong khoảng không, trên mặt sông khi êm đềm, khi cồn sóng. Đài hoa vẫn níu lấy cuống hoa, che chở cái “phôi” tròn, dẹt như khuy áo đang dần thành hình hài quả bần.
Quả bần lớn dần, càng lớn da càng xanh. Rồi đến một lúc, màu da xanh ánh lên sắc vàng tơ. Ấy là kỳ bần chín. Quả bần mọng, mẩy ẩn, hiện sau cành lá, thoang thoảng mùi hương khay ngọt vấn vít một cách dè sẻn. Dòng sông như đổi khác, ăm ắp hơn, dào dạt hơn và tiếng cá quẫy, tiếng bong bóng vỡ, tiếng bần chín rơi “bũm! bũm!” chen lẫn tiếng cá búng “chíp! chíp!” nghe như một khúc nhạc dân gian…
Bọn trẻ cho trâu dầm mình dưới sông trong bóng râm của bần, đu người trên cành hái quả. Bần non da ngăm xanh có vị chát, bần chín da mơ vàng, thịt mềm, có vị chua lẫn vị ngọt. Cái vị chua lẫn ngọt ấy không so sánh được với kỳ thứ ăn, thứ uống nào, gặp một lần là nhớ mãi. Dân quê tôi thái mỏng quả bần non làm rau ghém, dằm quả bần chín trong nước mắm thêm chút đường, bột ngọt làm nước chấm, dằm trong nước sôi làm canh chua, ngâm ủ làm giấm... Quả bần gõ cửa những gia đình nông dân chân lấm, tay bùn rồi ở lại với họ giản dị, khiêm nhường.
...Dòng sông vẫn còn. Mùa mưa, nước thao thiết chảy ra biển, mùa hè lòng sông hẹp lại, khắc khoải tiếng sóng gầy. Bần không còn nữa. Người ta chặt cành bần mở rộng khoảng không trên sông cho du thuyền chở khách du lịch từ rừng xuống biển, người ta đào gốc bần để xây kè, mở đường, dựng quán karaoke, nhà hàng cà phê.
Trẻ nhỏ không còn tắm sông, trâu mộng không còn dầm mình trong nước. Tiếng bìm bịp, tiếng quốc và mùi bần chín khay ngọt chỉ còn trong ký ức những người già và trong văn chương những người thích hoài niệm.
Biết rằng, cái này mất cho cái khác hiện là quy luật của phát triển; vậy mà ta cứ không nguôi cầu mong ký ức con người đừng mệt mỏi đẫu bị lèn chặt hương vị, hình hài bao nhiêu thứ của quá khứ, của hiện tại, vẫn vẹn nguyên vẻ đẹp thanh bần dân dã của bần.