| Hotline: 0983.970.780

Thường Tín tập huấn cho hội viên nông dân về an toàn thực phẩm

Thứ Hai 13/11/2023 , 06:30 (GMT+7)

Hà Nội Mới đây, Hội Nông dân huyện Thường Tín đã phối hợp với Hội Nông dân TP Hà Nội tập huấn cho hơn 100 cán bộ, hội viên về an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội đã trực tiếp đứng lớp, giảng chuyên đề “Phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm” có 7 vấn đề chính gồm: nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng trong khi tiếp cận, mua bán thực phẩm; các nguyên nhân và cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm; các triệu chứng ngộ độc thực phẩm; các nguyên tắc trong chế biến thực phẩm an toàn; các cách thức lựa chọn thực phẩm đường phố…

Từ hiểu biết của các hội viên nông dân sẽ không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe của bản thân mà còn cho cả gia đình mình và cộng đồng mình đang sinh sống. Lan truyền những phương pháp lựa chọn thực phẩm an toàn, tạo thói quen khi mua phải biết rõ nguồn gốc, cách phân biệt “thực phẩm sạch” và “thực phẩm bẩn”, cách bảo quản, chế biến thực phẩm tốt cho sức khỏe, cách ngăn ngừa bệnh lây lan qua thực phẩm.

An toàn vệ sinh thực phẩm là mong ước của nhiều người. Ảnh: NNVN.

An toàn vệ sinh thực phẩm là mong ước của nhiều người. Ảnh: NNVN.

Xác định gốc của an toàn thực phẩm phải từ khâu sản xuất, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Thường Tín cũng thường xuyên phối hợp với hội phụ nữ các xã để mở lớp tập huấn kiến thức trồng rau củ quả. Ở đó, nông dân được học về kỹ thuật trồng rau củ quả an toàn theo chuẩn VietGAP, hữu cơ; cách ghi chép sổ nhật ký các công đoạn của sản xuất mà nhất là chăm bón bằng phân gì, thuốc BVTV gì, liều lượng ra sao, dùng vào ngày nào; lợi ích của việc sản xuất an toàn đối với bản thân nông dân, người tiêu dùng và xã hội; không dùng những thuốc BVTV cấm, độc hại mà phải thay thế bằng cách thuốc BVTV sinh học, an toàn, cách ly đầy đủ trước khi thu hoạch. Không chỉ tuyên truyền, tập huấn an toàn thực phẩm với các cá nhân mà Trạm còn thực hiện cả với các hợp tác xã, qua đó thúc đẩy việc sản xuất chung một loại cây trồng, áp dụng chung một quy trình chăm bón, tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn và an toàn.

Trong khâu lưu thông và tiêu thụ, huyện tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất cá thể từ cung cấp các mặt hàng nông sản tươi sống đến sơ chế, chế biến sâu được tham gia các kỳ hội chợ, triển lãm để nâng cao ý thức về an toàn thực phẩm. Không chỉ dừng lại ở tháng hành động vì an toàn thực phẩm mà phải quanh năm dưới nhiều hình thức. Song song với đó, tổ chức các đoàn liên ngành của huyện và của xã, thị trấn để kiểm tra đột xuất và định kỳ, giám sát chặt chẽ hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong mấy tháng đầu năm 2023 Thường Tín đã thực hiện kiểm tra 196 cơ sở  sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 17 cơ sở có vi phạm và tổ chức xử phạt hành chính.

Kiểm tra mã QRcode. Ảnh: Lê Tâm.

Kiểm tra mã QRcode. Ảnh: Lê Tâm.

Tuy nhiên, thế vẫn là chưa đủ sức răn đe bởi thực tế huyện có số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm rất lớn trong khi cán bộ phụ trách công tác an toàn, vệ sinh thực phẩm còn mỏng, trình độ còn hạn chế. Nhiều máy móc, nhà xưởng của các cơ sở sản xuất, kinh doan thực phẩm bị xuống cấp, không đảm bảo chất lượng nhưng chưa có vốn để đầu tư, thay thế. Nhà nước chưa có những chính sách hỗ trợ đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Thêm vào đó, công tác thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm còn gặp khó khăn do chưa có các test xét nghiệm nhanh để phát hiện hóa chất BVTV, độc tố do vi khuẩn, vi nấm cũng như kim loại. Việc kiểm soát an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống rất khó vì đa số nông dân không có thói quen ghi chép nhật ký chăm sóc nông sản mà cứ đến ngày, đến kỳ là thu hái rồi đem bán; đa số các hộ kinh doanh chuyên nghiệp không quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ của nông sản, quy trình sản xuất ra nó mà chỉ để ý mỗi đến mẫu mã có đẹp không, giá bán có rẻ không. Thói quen lưu giữ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, số lượng của hàng hóa cũng ít người thực hiện nên khi cơ quan, ban ngành của nhà nước kiểm tra thì rất phức tạp và khó truy xuất được đến tận cùng nguồn gốc.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

5 điểm bán sản phẩm OCOP phục vụ giỏ quà tết tại Kiên Giang

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đến nay đã thành lập được 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, với hàng trăm giỏ quà tết được tiêu thụ mỗi ngày.