| Hotline: 0983.970.780

Thủy điện chặn dòng, hơn trăm ha cây trồng chết héo

Thứ Hai 23/03/2020 , 18:30 (GMT+7)

Dòng sông Đăk Snghé chảy qua thôn 3 (xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, Kon Tum) bị 2 thủy điện chặn dòng ở đầu nguồn khiến trăm ha cây trồng đang chết héo.

Thủy điện chặn dòng khiến dòng sông sông Đăk Snghé cạn khô nước. Ảnh: Tuấn Anh.

Thủy điện chặn dòng khiến dòng sông sông Đăk Snghé cạn khô nước. Ảnh: Tuấn Anh.

Ngày 23/3, UBND tỉnh Kon Tum và các sở ban ngành đã đi kiểm tra đập thủy lợi Đăk Snghé trước thông tin thủy điện Thượng Kon Tum ngăn dòng tích nước và thủy điện Đăk Ne phía hạ du cũng xả nước cầm chừng đã làm cho sông Đăk Snghé cạn trơ đáy, trở thành dòng sông chết.

Nguy cơ hàng trăm ha cây trồng mất trắng

Theo tìm hiểu được biết, hơn 1 tháng qua thủy điện Thượng Kon Tum tích nước, còn thủy điện Đăk Ne không thực hiện cam kết xả dòng chảy môi trường tối thiểu là 1,29m3/s.

Việc thủy điện Đăk Ne xả nước theo lịch mỗi ngày 2 đợt, mỗi đợt chỉ kéo dài 1 tiếng không đủ để người dân bơm tưới cho câu trồng.

Không có nước, rất nhiều hộ dân đang có nguy cơ mất trắng khi hàng trăm ha cây trồng chết héo. Trong đó, cây cà phê đang chịu thiệt hại nặng nhất với 92ha, cùng hơn 9 ha cây ăn trái, 5ha cây hồ tiêu, 2ha lúa. Thậm chí, hiện có khoảng 6 ha cây cà phê của người dân bị chết.

Cay đắng nhìn 2,5 ha vườn cây cà phê đang chết héo, ông Trần Văn Trường (thôn 3, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy) cho biết, chúng tôi đang huy động người dân trong thôn đắp bao cát chặn dòng để tích nước nhưng vẫn như “muối bỏ biển”.

“Cây cà phê đang trong giai đoạn tạo quả mà cạn nước như vầy thì xem như mất trắng", ông Trường than phiền.

Ông Trường cho biết, với 2,5 ha cây cà phê, hàng năm gia đình ông thu hoạch khoảng 250 triệu đồng, còn năm nay thì mất trắng.

Hàng trăm ha cây trồng của các hộ dân đang chết héo. Ảnh: Tuấn Anh.

Hàng trăm ha cây trồng của các hộ dân đang chết héo. Ảnh: Tuấn Anh.

Còn bà Doãn Thị Nhâm (thôn 3, xã Tân Lập) cho biết, gia đình bà canh tác 1,3 ha lúa, đều dựa vào nguồn nước từ sông Đăk Snghé. Thế nhưng hơn 20 ngày qua, dòng nước đổ về kênh dẫn ra ruộng bỗng cạn cạn. Hơn 1 ha lúa của gia đình bà chết héo, còn lại 3 sào thì đang có dấu hiệu vàng úa.

“Chúng tôi cũng đã ý kiến lên các cấp chính quyền nhưng vẫn chưa được giải quyết, nguồn nước tưới vẫn chưa có”, bà Nhâm bức xúc.

Theo tìm hiểu, thủy điện Thượng Kon Tum nằm trên sông Đăk Snghé thuộc địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, nhưng lại thiết kế chuyển nước sau phát điện cho dòng Đăk Lô (tỉnh Quảng Ngãi).

Trước đó, thủy điện An Khê- Ka Nak trên dòng sông Ba (tỉnh Gia Lai) cũng có thiết kế tương tự khi chuyển dòng sông Ba về sông Côn (tỉnh Bình Định). Công trình thủy điện An Khê- Ka Nak được xem là thủy điện sai lầm thế kỉ khi làm ảnh hưởng tới đời sống của hơn 40 vạn người dân sinh sống dọc theo sông Ba.

"Đá bóng" trách nhiệm

Trước những bức xúc của người dân, ông Nguyễn Văn Quân, Thành viên hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư năng lượng Trường Thịnh (thủy điện Đăk Ne) cho biết, cây trồng của người dân không đủ nước tưới là do thủy điện Thượng Kon Tum chặn dòng, tích nước. Trước đây lưu lượng nước chảy về Thủy điện Đăk Ne từ 10-12 m3/s nhưng hiện lưu lượng nước đổ về chưa tới 0,75m3/s. Nguồn nước này chủ yếu từ các con suối, khe ở trên núi chảy về.

“Trước mắt chúng tôi sẽ tiến hành tích nước ban đêm và xả nước vào ban ngày để phục vụ bà con. Như vậy sẽ đủ nước tưới cho bà con từ 8 giờ sáng đến 17 giờ chiều”, ông Quân cho biết.

Theo ông Quân, cây trồng của người dân chết do thiếu nước thì thủy điện Thượng Kon Tum phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Sông Đăk Snghé đang trở thành dòng sông chết. Ảnh: Tuấn Anh.

Sông Đăk Snghé đang trở thành dòng sông chết. Ảnh: Tuấn Anh.

Trong khi đó, ông Lê Thanh, Phó ban quản lý dự án Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (Thủy điện Thượng Kon Tum) cho biết, đơn vị chặn nước vào mùa khô thay vì mùa mưa là để ổn định và an toàn cho hồ đập. Bởi nếu chặn dòng mùa mưa thì nước dâng lên quá nhanh, đập không ổn định sẽ nguy hiểm cho đập.

Về việc một số diện tích cây trồng của người dân bị chết do thiếu nước, ông Thanh cho hay, phía thủy điện Thượng Kon Tum cũng có một phần trách nhiệm. Sau khi đánh giá thiệt hại của bà con, đơn vị sẽ thống nhất với Thủy điện Đăk Ne để có hướng bồi thường cho người dân.

Tuy nhiên, trước mắt Thủy điện Đăk Ne phải đảm bảo nước cho người dân. Cụ thể thủy điện này không được xả nước ra môi trường 2 lần/ngày mà phải đảm bảo xả thường xuyên lưu lượng 1,29m3/s phục vụ nước tưới cho người dân.

Tại buổi kiểm tra, ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, để đảm bảo nguồn nước cho người dân, UBND huyện Kon Rẫy, Sở Công Thương cần thống nhất với Thủy điện Đăk Ne để buổi tối tích nước, buổi sáng phát điện xả nước phục vụ cho người dân.

“Trước tình hình hạn hán như hiện nay, nhà nước, địa phương và người dân cần tập trung khắc phục. Không để phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước này mà có thể nguồn nước khác”, ông Tháp cho biết.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.