| Hotline: 0983.970.780

Làm giàu bên kênh thủy lợi [Bài 4]: Phát huy nguồn lực tài nguyên nước

Thứ Hai 20/11/2023 , 18:32 (GMT+7)

Tây Ninh không giáp biển nhưng có diện tích mặt nước dồi dào bậc nhất Đông Nam bộ. Tuy nhiên, việc tận dụng lợi thế này vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng.

Tây Ninh có trên 27 ngàn ha mặt nước được tạo bởi sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông và hồ Dầu Tiếng, cùng với hệ thống kênh mương thủy lợi dài trên 2 ngàn km. Thế nhưng, hiện tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh chỉ đạt khoảng 500ha, đây là con số khá khiêm tốn so với tiềm năng.

Với hệ thống kênh mương thủy lợi tương đối hoàn chỉnh, Tây Ninh có nhiều lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Trần Trung.

Với hệ thống kênh mương thủy lợi tương đối hoàn chỉnh, Tây Ninh có nhiều lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Trần Trung.

Bài liên quan

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, để khơi dậy tiềm năng, nuôi trồng thuỷ sản tập trung được xác định là một trong những hướng tạo đột phá trong phát triển kinh tế, đem lại thu nhập cao cho người dân. Thời gian gần đây, các khu vực nuôi trồng thuỷ sản dọc các tuyến kênh thuỷ lợi đã từng bước hình thành và phát triển tốt. Một số diện tích nuôi trồng thuỷ sản nhỏ lẻ, hộ gia đình, hình thức nuôi quảng canh bước đầu đã được chuyển đổi sang nuôi chuyên canh, tập trung các đối tượng nuôi có giá trị cao như cá lăng nha, ba ba, cá lóc, cá chình, cá bống tượng…

Bên cạnh đó, ngành NN-PTNT Tây Ninh cũng đã mở nhiều lớp tập huấn, nhiều điểm trình diễn kỹ thuật, nhiều hội thảo chuyên đề, thực hiện nhiều mô hình như nuôi cá rô đồng, nuôi tôm càng xanh, nuôi cá rô phi đơn tính; khuyến khích người dân tận dụng những ao, hồ, các vùng đất trũng cải tạo lại để nuôi trồng thuỷ sản bằng nhiều hình thức thâm canh, bán thâm canh, nuôi kết hợp để tận dụng nguồn thức ăn sẵn có bước đầu mang lại nhiều tín hiệu khả quan.

Nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá chạch lấu được người dân Tây Ninh lựa chọn sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

Nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá chạch lấu được người dân Tây Ninh lựa chọn sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

Bài liên quan

Nhằm tận dụng hiệu quả mặt nước dồi dào, thúc đẩy ngành thủy sản phát triển bền vững, Tây Ninh đang tập trung phát triển hạ tầng tại các vùng nuôi chuyên canh, tập trung gắn với hệ thống kênh thuộc công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà.

Định hướng đến năm 2025, tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh đạt 870ha, trong đó tỷ lệ nuôi chuyên canh chiếm 33%, tổng sản lượng đạt 40.000 tấn. Đến năm 2030, tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh đạt 1.420ha, trong đó tỷ lệ nuôi chuyên canh chiếm 59%, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 95.000 tấn.  

Cùng với quy hoạch vùng sản xuất tập trung, đến năm 2025, nhu cầu giống thủy sản toàn tỉnh ước khoảng 86 triệu con/năm, trong đó nhu cầu giống thuỷ sản nuôi thâm canh (290ha) khoảng 58 triệu con; nuôi hộ gia đình theo mô hình quảng canh, bán thâm canh (580ha) khoảng 18 triệu con; giống thuỷ sản đặc sản khoảng 10 triệu con.

Để đáp ứng nhu cầu con giống, tỉnh Tây Ninh đã và đang khuyến khích việc xây dựng, phát triển các trang trại sản xuất giống thủy sản, phấn đấu đến năm 2025 đáp ứng được khoảng 70 - 80% nhu cầu giống thủy sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó cơ cấu giống thủy sản truyền thống là 37,5%, giống thủy sản có năng suất và giá trị kinh tế cao là 37,5%, thủy sản đặc sản 25%.

Tây Ninh phấn đấu đến năm 2030 tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản đạt 1.420ha. Ảnh: Trần Trung.

Tây Ninh phấn đấu đến năm 2030 tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản đạt 1.420ha. Ảnh: Trần Trung.

Bài liên quan

Ngoài ra, tỉnh Tây Ninh sẽ tăng cường thu hút, mời gọi các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm xây dựng nhà máy chế biến thức ăn thủy sản, thuốc thú y thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản, thức ăn bổ sung… nhằm chủ động được nguồn thức ăn, kéo giảm giá thành sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi về giao thông, bến bãi để doanh nghiệp vận chuyển nguyên liệu, thức ăn, sản phẩm với giá rẻ nhất theo tuyến đường thủy, đặc biệt là tuyến sông Vàm Cỏ Đông.

Theo đó, trong lĩnh vực chế biến và thương mại thủy sản, tỉnh Tây Ninh phấn đấu đến năm 2025 thu hút đầu tư được ít nhất một nhà máy thu gom, sơ chế thủy sản và đến năm 2030 ít nhất có 2 nhà máy. Tây Ninh cũng tập trung xây dựng chuỗi liên kết giá trị ngành hàng có lợi thế so sánh của địa phương, nâng cao giá trị sản phẩm. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu xây dựng được một chuỗi liên kết giá trị ngành hàng thủy sản trở lên. Đến năm 2030, tỉnh phấn đấu xây dựng tối thiểu 2 chuỗi liên kết.

Cùng với việc phát huy nguồn lực tài nguyên nước để mở rộng sản xuất, Tây Ninh đang thu hút đầu tư nhà máy thu gom, sơ chế thủy sản. Ảnh: Trần Trung.

Cùng với việc phát huy nguồn lực tài nguyên nước để mở rộng sản xuất, Tây Ninh đang thu hút đầu tư nhà máy thu gom, sơ chế thủy sản. Ảnh: Trần Trung.

Đặc biệt, quan điểm của Tây Ninh là sẽ quyết tâm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên của tỉnh đi đôi với bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản; thả giống bổ sung tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực nước tự nhiên, hồ chứa. Khai thác thủy sản theo hướng bền vững, không ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, bảo vệ tốt nguồn nước, tiến đến không sử dụng các loại ngư cụ cấm, ngư cụ có tính hủy diệt, tận thu để khai thác nguồn lợi thủy sản.

“Tây Ninh sẽ triển khai Quỹ Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản, huy động các nguồn lực tài chính cho bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản; khai thác thủy sản theo hướng bền vững, bảo đảm phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản; bảo vệ môi trường sống các loài thủy sinh; giảm thiểu, tiến tới chấm dứt các nghề khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, chuyển đổi các nghề xâm hại lớn đến nguồn lợi sang các nghề thân thiện với môi trường và nguồn lợi thủy sản”, ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh khẳng định.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Nâng cao năng lực sản xuất lúa giống cho nông dân ĐBSCL

ĐBSCL Dự án khuyến nông quốc gia về liên kết sản xuất lúa giống do Vinaseed chủ trì giúp nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân, đồng thời nâng cao chất lượng hạt giống.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.