| Hotline: 0983.970.780

Thủy nông mong ngày hết khó: [Bài 2] Khổ vì phải 'gọt chân cho vừa giày'

Thứ Ba 23/07/2024 , 06:25 (GMT+7)

Là Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi Phú Ninh nhưng hàng tháng anh Kiên chỉ được tạm ứng hơn 6,5 triệu đồng. Bí tiền, anh phải kiếm công việc khác làm thêm ngày cuối tuần.

Luôn sẵn sàng “trực chiến”

Sau chuyến công tác, chúng tôi hẹn gặp ông Nguyễn Đình Kiên, Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi Phú Ninh (trực thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Quảng Nam) tại trụ sở. Trong căn phòng làm việc đã xuống cấp sau nhiều năm sử dụng, hàng loạt bằng khen, giấy khen được vị giám đốc trẻ đặt trang trọng trong chiếc tủ kính nhỏ.

Hồ Phú Ninh - Hồ chứa thủy lợi lớn thứ 6 cả nước hiện thuộc sự quản lý của Chi nhánh Thủy lợi Phú Ninh. Ảnh: Lê Khánh.

Hồ Phú Ninh - Hồ chứa thủy lợi lớn thứ 6 cả nước hiện thuộc sự quản lý của Chi nhánh Thủy lợi Phú Ninh. Ảnh: Lê Khánh.

Tất cả danh hiệu đó là sự ghi nhận xứng đáng cho những cố gắng, nỗ lực của đơn vị trong suốt chặng đường dài vừa qua. Chi nhánh Thủy lợi Phú Ninh hiện nay đang quản lý 3 hồ chứa trải rộng trên địa bàn 8 huyện, trong đó có hồ Phú Ninh - hồ thủy lợi lớn thứ 6 của cả nước.

Với dung tích 334 triệu m3, hàng năm hồ Phú Ninh phục vụ tưới tiêu cho gần 50.000ha lúa và hoa màu thuộc các huyện Phú Ninh, Núi Thành, Thăng Bình, Quế Sơn, TP Tam Kỳ và một phần diện tích của huyện Duy Xuyên. Diện tích quản lý rộng cũng đồng nghĩa công việc của các cán bộ, nhân viên thủy lợi của chi nhánh này thêm phần khó khăn, vất vả.

Những năm qua, tình hình biến đối khí hậu phức tạp, vai trò của những người làm việc trong ngành thủy lợi càng trở nên quan trọng. Họ phải xây dựng phương án, tính toán kỹ lưỡng để điều tiết nguồn nước tưới, tiêu phù hợp nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro, thiệt hại cho người dân, trước tác động của các loại hình thiên tai như bão, lũ, hạn hán.

Anh Kiên vẫn còn nhớ, trong vụ đông xuân năm 2020-2021, tỉnh Quảng Nam cũng như các tỉnh miền Trung đều quay quắt trong khô hạn. Mực nước trong các hồ chứa xuống thấp, nguy cơ không cung cấp đủ cho sản xuất, đặc biệt là vụ hè thu tiếp đó. Trước tình hình này, Công ty đã chỉ đạo cho Chi nhánh Thủy lợi Phú Ninh cũng như các đơn vị trực thuộc khẩn cấp thực hiện các phương án chống hạn, mặn.

“Lúc đó, chúng tôi thực hiện đồng thời nhiều giải pháp như đắp đập ngăn mặn, phân phối lượng nước tưới phù hợp ngay từ giữa vụ đông xuân. Tưới luân phiên theo hình thức ướt khô xen kẽ… Và có lẽ gian nan nhất là dẫn nước đến những đám ruộng ở cuối kênh, khu vực này chịu ảnh hưởng khốc liệt nhất của hạn hán. Nến không kịp thời dẫn nước thì e rằng toàn bộ diện tích lúa của bà con sẽ bị mất trắng”, anh Kiên kể.

Nhân viên thủy lợi Quảng Nam luôn túc trực 24/24h tại các công trình thủy lợi để thực hiện nhiệm vụ điều tiết nước tưới tiêu cũng như phòng chống thiên tai. Ảnh: Lê Khánh.

Nhân viên thủy lợi Quảng Nam luôn túc trực 24/24h tại các công trình thủy lợi để thực hiện nhiệm vụ điều tiết nước tưới tiêu cũng như phòng chống thiên tai. Ảnh: Lê Khánh.

Thời điểm đó, người dân trồng lúa ai cũng tìm mọi cách để dẫn từng dòng nước ít ỏi vào đám ruộng nhà mình. Lượng nước tưới từ các hồ chứa đổ về hạn chế nên hầu như nước chảy đến đâu, các chủ ruộng tranh giành, chặn lấy nước đến đó. Không muốn đôi co, cự cãi với người dân, các nhân viên thủy lợi chỉ còn cách lặng lẽ trong đêm, đi từng đám ruộng để tháo nước dẫn về cuối kênh.

“Lúc đó phải lén lút thực hiện nhiệm vụ vì sợ người dân phát hiện sẽ ngăn cản. Ở cơ sở lại không có thủy nông viên nên hầu như chỉ có anh em trong chi nhánh thực hiện. Chúng tôi chia thành từng tổ, ăn cơm tối xong lại lên đường tháo, dẫn nước cho đến sáng suốt mấy tháng trời ròng rã. Kết thúc vụ sản xuất hè thu cũng là lúc hồ cạn kiệt nước. Nhiệm vụ hoàn thành, anh em mới thở phào nhẹ nhõm”, anh Kiên tâm sự.

Thời điểm hạn hán đã khó, lúc mưa bão thì công việc càng khó bội phần. Riêng đối với hồ chứa nước Phú Ninh, với vị trí nằm ở phía trên TP Tam Kỳ - Trung tâm tỉnh lỵ Quảng Nam, thì chỉ cần một sơ suất nhỏ trong việc xả lũ sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất và sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân bên dưới.

Vậy nên, vào mỗi mùa mưa bão, Chi nhánh Thủy lợi Phú Ninh đều phải tăng cường thêm nhân sự túc trực 24/24 để kiểm tra, đo đạc số liệu, mực nước, quan trắc thủy chí ở vùng hạ du. Cùng với đó là theo dõi tình hình thời tiết, dự báo khí tượng thủy văn, phối hợp với Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của tỉnh cũng như địa phương để xử lý các tình huống nhằm đảm bản an toàn, giảm thiểu thiệt hại cho người dân.

Rất cần chế độ đãi ngộ tương xứng

Đặc thù công việc khó khăn, vất vả là thế nhưng những gì mà họ nhận lại có lẽ chưa thể nào tương xứng. Đầu tiên là chế độ tiền lương. Như bản thân anh Kiên, tuy giữ chức vụ Giám đốc của một chi nhánh thủy lợi nhưng mức lương hàng tháng mà anh tạm ứng được cũng chỉ hơn 6,5 triệu đồng.

Cơ sở vật chất phục vụ hoạt động quản lý, điều hành công trình thủy lợi ở Quảng Nam xuống cấp nhưng nguồn kinh phí eo hẹp nên chưa thể sửa chữa. Ảnh: Lê Khánh.

Cơ sở vật chất phục vụ hoạt động quản lý, điều hành công trình thủy lợi ở Quảng Nam xuống cấp nhưng nguồn kinh phí eo hẹp nên chưa thể sửa chữa. Ảnh: Lê Khánh.

Để trang trải cuộc sống cả gia đình và 2 đứa con nhỏ còn tuổi ăn tuổi học, vào những ngày thứ bảy, chủ nhật, anh phải tìm kiếm công việc để làm thêm. Rồi chế độ tiền lương theo quy định của nhà nước tăng kéo theo tiền đóng bảo hiểm hàng tháng tăng lên, vật giá leo thang càng khiến cho cuộc sống thêm phần gánh nặng, phải dè dặt chi tiêu từng đồng.

Hiện nay, nhiều nhân viên của Chi nhánh Thủy lợi Phú Ninh cũng chỉ có mức thu nhập trên dưới 4 triệu đồng mỗi tháng. Như trường hợp của anh Đỗ Văn Lâm (quê ở huyện Núi Thành, Quảng Nam). Trước đây, anh Lâm làm việc ở cụm thủy nông số 2 kênh chính Bắc (huyện Thăng Bình, Quảng Nam), cách nhà gần 40km.

Chi phí phụ cấp xăng xe không có, với mức lương ít ỏi chưa đến 4 triệu đồng, cuộc sống rất chật vật. Mới đây, anh Lâm được tạo điều kiện về làm việc gần nhà tại cụm thủy nông đầu mối Phú Ninh. “Vợ làm công nhân, con còn nhỏ mà thu nhập ít nên cũng vất vả lắm. Nhiều tháng chỉ cần vài đám cưới là xem như hết cả tiền lương rồi”, anh Lâm tâm sự.

Các cán bộ, nhân viên thủy lợi ở Quảng Nam hiện đang hưởng các mức lương rất thấp. Ảnh: L.K.

Các cán bộ, nhân viên thủy lợi ở Quảng Nam hiện đang hưởng các mức lương rất thấp. Ảnh: L.K.

Theo anh Nguyễn Đình Kiên, Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi Phú Ninh, thu nhập của người lao động trong lĩnh vực thủy lợi ở Quảng Nam hiện nay rất thấp. Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Quảng Nam là doanh nghiệp hoạt động công ích, doanh thu từ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi do Nhà nước định giá từ năm 2012 đến nay không thay đổi. Vậy nên, doanh nghiệp đành phải “gọt chân cho vừa giày”.

“Nguồn thu ít, các công trình thủy lợi trên địa bàn đã bắt đầu xuống cấp nhưng chi phí duy tu, bảo dưỡng cũng phải “thắt lương, buộc bụng”. Mỗi năm, nguồn lực bố trí cho việc bảo trì, sửa chữa những công trình hư hỏng của Công ty khoảng 600 triệu đồng, chỉ đáp ứng được khoảng 30 - 40% nhu cầu”, anh Kiên nói.

Khi các công trình xuống cấp cũng đồng nghĩa rằng công việc của các nhân viên thủy lợi sẽ phải hoạt động nhiều hơn, vất vả hơn. Trong khi đó, nguồn thu nhập thì vẫn như bèo bọt năm này tháng khác.

“Nơi ăn, chốn ở của anh em các cụm, trạm, rồi nhà kho dù đã nứt nẻ, rệu rã nhưng với 30 triệu đồng được phân bổ hàng năm, chúng tôi chỉ dám sơn lại tường, hệ thống cửa lần lượt từng công trình chứ không thể xây mới. Ngay cả trụ sở chi nhánh chúng tôi xin sơn sửa 4 năm rồi mà vẫn chưa được duyệt”, anh Kiên bày tỏ.

Xem thêm
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm Phó Bí thư Tỉnh ủy
Cà Mau

Ông Nguyễn Đức Hiển được điều động, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, nhiệm kỳ 2020-2025.

Trà Vinh khắc phục 3 vị trí sụp lún kè biển

Sở NN-PTNT Trà Vinh phối hợp với địa phương tiến hành khắc phục tạm 3 vị trí sụp lún trên kè biển Hiệp Thạnh để tránh lan rộng.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Hậu phương vùng lũ quét Làng Nủ

Người phụ nữ nhanh nhẹn như con thoi chạy qua chạy lại giữa hai điểm trường Làng Nủ; chiếc điện thoại lúc nào cũng nóng ran bởi các cuộc điện thoại liên tục đổ về.