Bộ NN-PTNT hiện có danh mục với 23 loại hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong SX, kinh doanh thủy sản.
Thế nhưng theo chương trình giám sát dư lượng kháng sinh trên thủy sản nuôi, hàng năm vẫn phát hiện tồn dư của vô số những kháng sinh cấm, cùng hàng chục lô hàng bị các thị trường NK phát hiện, cảnh báo. Vậy kháng sinh cấm này từ đâu ra?
Chúng tôi đã đưa câu hỏi này tới Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản (Nafiqad). Theo ông Nguyễn Như Tiệp (ảnh), Cục trưởng Nafiqad, những năm qua, dù ngành thủy sản đã có không ít biện pháp để ngăn chặn việc sử dụng kháng sinh (KS) vô tội vạ trên thủy sản nuôi, tuy nhiên vấn nạn này dường như không mấy thuyên giảm.
Theo chương trình giám sát dư lượng KS trên thủy sản nuôi do Nafiqad tiến hành trong năm 2015, cho thấy, đã phát hiện gần 90 trường hợp vi phạm trong sử dụng KS, trong đó có tới 77 vụ sử dụng các loại KS đã bị cấm trong nuôi trồng thủy sản và hơn 10 trường hợp sử dụng KS hạn chế sử dụng quá mức cho phép.
Đáng ngại hơn, năm 2015, Nafiqad vẫn tiếp tục nhận được 45 trường hợp lô hàng thủy sản XK của Việt Nam bị các thị trường như EU, Mỹ, Nhật… cảnh báo, trong đó có trên 37 lô hàng dính chất cấm.
Một số loại KS cấm đã được Nafiqad và các thị trường phát hiện bao gồm: Nhóm Nitrofuran (gồm 4 chất, trong đó phổ biến nhất là Furazolidone); Enrofloxacine; Chloramphenicol; Fluoroquinolone và nhóm Tetracycline.
Kể từ khi thủy sản Việt Nam vươn ra trường quốc tế, cả 4 loại kháng sinh này hiện đã được Việt Nam cũng như hầu hết các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada… cấm sử dụng (chỉ trừ nhóm Tetracycline Việt Nam hạn chế sử dụng và Enrofloxacine được EU cho ngưỡng tồn dư tối đa là 100 ppb).
Một số loại KS cấm, KS ngoài danh mục cho phép khác cũng đã được phát hiện sử dụng khá phổ biến trên thủy sản nuôi của Việt Nam như: Praziquantel; Invermectin; Trichlorfon; MG/LMG; Nitroimidazole…
Vì đâu quốc tế cấm, Việt Nam cấm, nhưng KS cấm vẫn đều đặn bị phát hiện? Những KS cấm này từ đâu ra? Chúng tôi đã trao đổi thêm với ông Nguyễn Như Tiệp.
Vì sao chúng ta đã cấm dùng trên thủy sản, nhưng năm nào cũng phát hiện, thưa ông?
Kháng sinh chỉ có mấy loại: loại dùng cho y tế, loại cho chăn nuôi, loại cho thú y và loại dùng cho thủy sản. Loại KS đã cấm sử dụng trong SX, kinh doanh thủy sản rồi, mà vẫn phát hiện bị sử dụng lén lút, thì chỉ có do hai trường hợp: Một là từ nhập lậu, hai là bị tuồn từ lĩnh vực như chăn nuôi, thú y hoặc y tế sang mà thôi, chứ nó chẳng phải trên trời rơi xuống.
Trong các loại KS cấm trên thủy sản bị phát hiện, phổ biến và đáng ngại nhất là nhóm Nitrofuran; Enrofloxacine; Chloramphenicol và Fluoroquinolone. Tetracycline mặc dù Việt Nam hạn chế sử dụng, nhưng tình trạng lạm dụng, vượt mức cho phép cũng rất phổ biến.
Trong 4 loại KS thủy sản đã cấm, thì Enrofloxacine hiện vẫn được cho phép sử dụng trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi; Fluoroquinolone vẫn được sử dụng trong lĩnh vực thú y.
Bên cạnh đó, hầu hết các loại KS hiện cấm sử dụng trên thủy sản, nhưng lại là KS được phép NK và sử dụng trong lĩnh vực y tế. Chẳng hạn như Chloramphenicol chính là loại thuốc nhỏ mắt, dạng nước, dạng mỡ loài gì cũng có, muốn mua bao nhiêu mà chả được?
Nói vậy, chúng ta ban hành danh mục KS cấm trong thủy sản hóa ra chẳng có tác dụng gì? Bởi anh thích thì cứ việc đi mua loại KS cấm ấy bên thú y, bên chăn nuôi hay bên y tế về dùng vô tư?
Nói thế cũng không đúng. Bởi một loại KS có thể phải cấm trong lĩnh vực này, nhưng lại phải cho phép để sử dụng trong lĩnh vực kia. Để quản lí điều này, hiện mỗi lĩnh vực đều có cơ quan quản lí việc NK, sản xuất và sử dụng các loại KS với mục đích khác nhau.
Sử dụng kháng sinh vô tội vạ trong nuôi thủy sản đang tạo nên vòng dịch bệnh luẩn quẩn trên thủy sản
Theo đó khi NK, đơn vị NK sẽ phải đăng ký hồ sơ NK loại KS ấy về để làm gì. Chẳng hạn Fluoroquinolone bị cấm trong thủy sản, sẽ không được đăng ký để NK về dùng trong thủy sản, nhưng nếu anh muốn NK về để SX thuốc thú y thì nhập thoải mái.
Đương nhiên sau khi NK về, đơn vị cấp phép NK (như Cục Quản lí dược – Bộ Y tế hay Cục Thú y – Bộ NN-PTNT) sẽ phải giám sát tiếp các khâu từ SX, kinh doanh thành phẩm…, xem KS ấy NK về có được sử dụng đúng mục đích như đã đăng ký hay không. Cái này gọi là “tiền đăng, hậu kiểm”.
Nhưng ở Việt Nam ta, có một thực trạng trong quản lí KS nói riêng hay bất kỳ loại gì có tên là thuốc, từ thuốc BVTV, thuốc chữa bệnh cho người tới thuốc chữa cho vật nuôi đều rất lỏng lẻo. Chúng ta chỉ làm “tiền đăng” thôi, chứ “hậu kiểm” thế nào thì phải hỏi chính các đơn vị quản lí về thuốc, cả bên y tế và nông nghiệp.
Vậy một đơn vị ngành thú y, y tế hoặc chăn nuôi cố tình bán loại KS bị cấm sử dụng trong thủy sản cho người nuôi thủy sản dùng, chẳng nhẽ không bị xử lí gì?
Cái này thì phải hỏi bên cơ quan quản lí về thuốc về tính hợp pháp của hành vi này ra sao, xử lí thế nào. Theo tôi được biết, để SX ra một loại thuốc KS trong thú y chẳng hạn, đơn vị SX sẽ phải trải qua việc đăng ký sản phẩm rất nghiêm ngặt chứ chẳng phải đơn giản. Chẳng hạn một loại thuốc KS nào đó chỉ được dùng phòng hay trị bệnh cho một loại vật nuôi nhất định, với liều lượng ra sao, quy trình cách li thế nào…
Dĩ nhiên là loại KS ấy chỉ được dành cho đối tượng vật nuôi đó mà thôi, anh không thể bán loại KS dành cho vật nuôi ấy cho người dùng trên thủy sản. Nhưng chúng ta có quản lí được việc phân phối, buôn bán ấy hay không thì ai cũng biết nó đang thế nào.
Ở các nước, để mua được kháng sinh là điều không đơn giản. Cái gì liên quan đến thuốc, từ thuốc cho người, thuốc cho vật nuôi hay thuốc cho cây trồng, tất cả đều phải có bác sỹ khám, kê đơn thì mới mua được thuốc. Còn ở Việt Nam, nói không ngoa thì đi mua thuốc cũng dễ như mua rau vậy.
Tồn dư kháng sinh cấm đang có nguy cơ đánh mất thị trường XK thủy sản của Việt Nam
Nói ngay như KS dùng cho con người thôi, ai thích mua bao nhiêu, loại gì, cứ ra hiệu thuốc là mua, bao nhiêu cũng có. Thuốc y tế còn thế, nói gì tới thuốc thú y? Cũng phải nói thêm, người nuôi thủy sản chẳng phải tự dưng họ biết để đi mua loại KS cấm ấy về dùng, mà phải có ai đó xúi, khuyến khích thì họ mới dùng chứ!
Thưa ông, chúng ta đã có danh mục KS cấm sử dụng, thì người sử dụng loại KS cấm ấy, cụ thể là người nuôi thủy sản đáng ra cũng sẽ phải xử lí gì đó chứ?
Đúng là theo luật thì sẽ bị xử lý, nhất là Luật Hình sự sửa đổi mới đây sẽ bị quy vào tội sử dụng chất cấm trong SX, có thể bị khởi tố hình sự với khung hình phạt rất nặng. Trong chương trình giám sát dư lượng KS hàng năm, chúng tôi cũng đã chỉ tận nơi các cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản bị phát hiện có tồn dư KS cấm đề nghị các địa phương xử lý hành chính. Tuy nhiên có vẻ việc xử lý của các địa phương còn rất nhẹ tay, chưa đủ sức răn đe.
Xin cảm ơn ông!
LÊ BỀN