Theo ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, thực hiện chủ trương của thành phố, Sở đang xây dựng phương án rà soát lại tổng thể quy hoạch thủy lợi của thành phố, bao gồm quy hoạch thủy lợi chống ngập và quy hoạch thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Trong Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM mà Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 10/2008, đã chia thành 3 vùng kiểm soát nước, gồm vùng 1 là khu vực bờ hữu sông Sài Gòn, vùng 2 là bờ tả sông Sài Gòn và vùng 3 là khu vực huyện Cần Giờ.
Lâu nay, trong việc triển khai thực hiện Quy hoạch nói trên, thành phố mới chỉ tập trung vào vùng 1 và vùng 2, còn vùng 3 chưa được quan tâm lắm. Do đó, trong việc rà soát các quy hoạch thủy lợi của thành phố, sẽ quan tâm tới khu vực Cần Giờ.
Ngoài ra, qua những lần kiểm tra, cơ quan chức năng của TP.HCM nhận thấy một số cửa rạch tuy nhỏ nhưng cũng cần có có giải pháp về mặt công trình để tạo nên sự đồng bộ, khép kín cho toàn khu vực. Vì khi chưa khép kín thì hiệu quả chống ngập úng không đạt được như mong muốn.
Một nhiệm vụ rất quan trọng của ngành nông nghiệp thành phố khi rà soát lại quy hoạch thủy lợi chống ngập úng là nghiên cứu, phối hợp với Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM, vì Ban này đang được giao nhiệm vụ rà soát, điều chỉnh Quy hoạch tổng thể hệ thống hoát nước TP.HCM. Sự phối hợp giữa 2 bên nhằm mục tiêu kết hợp đồng bộ giữa quy hoạch thoát nước đô thị và quy hoạch thủy lợi, qua đó tạo sự kết nối giữa tiêu thoát nước và chống ngập úng.
Ông Hoàng cho biết, việc rà soát là cơ sở để tích hợp Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM vào trong quy hoạch chung về phát triển kinh tế xã hội của thành phố đến 2045.
Về việc rà soát nói trên, theo PGS.TS Nguyễn Phú Quỳnh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, gần đây Quốc hội đã ban hành Luật Quy hoạch. Theo Luật này, phải tập hợp tất cả quy hoạch vào một quy hoạch chung về phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, của vùng hoặc thậm chí liên vùng.
Trong việc chống ngập úng ở TP.HCM, một mình ngành thủy lợi hay một mình ngành xây dựng không thể chống ngập được cho thành phố, mà phải là sự kết hợp của rất nhiều ngành. Ví dụ như ngành kiến trúc, xây dựng tiến hành quy hoạch không gian đô thị một cách phù hợp nhất để đảm bảo được thoát nước đô thị theo phương châm: đầu tiên là chôn nước, sau đó đến giữ nước rồi mới đến thoát nước. Như vậy, không gian đô thị ấy phải giảm diện tích bê tông hóa để có chỗ thấm nước, giữ nước; phải có hồ trữ nước, hồ điều hòa, kênh, cống.
Ở khâu thoát nước đô thị ra kênh, ngành xây dựng, cơ quan quản hạ tầng đô thị, ngành giao thông phải quản lý, thực hiện thật tốt, đảm bảo cho nước thoát ra kênh một cách tốt hất. Ngành thủy lợi có giải pháp để nước từ kênh đi ra sông lớn đảm bảo mực nước không quá cao để nước có thể thoát ra được.
Hay liên quan đến các lưu vực tiêu nước. Trong một số đợt ngập úng mới đây ở TP.HCM, nước ngập ở đường Tô Ngọc Vân chảy rất mạnh, rất xiết. Nguyên nhân là độ dốc kéo dài từ vùng bắc của Thủ Đức về đến đường Tô Ngọc Vân, khiến cho nước đổ dồn rất mạnh về con đường này.
Vì vậy, PGS,TS Nguyễn Phú Quỳnh cho rằng, để giải quyết tình trạng nước ngập trên đường phố chảy rất mạnh rất xiết, rất nguy hiểm như vậy, phải tiến hành khoanh các cái lưu vực tiêu theo hướng đảm bảo tính độc lập tương đối của từng lưu vực. Tức là mỗi một kênh, một cụm kênh hoặc một cụm rạch được khoanh lại thành một lưu vực tiêu có tính độc lập sao cho nước ở vùng cao thì thoát ra lưu vực tiêu của vùng cao, nước ở vùng thấp thoát ra lưu vực tiêu ở vùng thấp. Như vậy, sẽ tránh được tình trạng nước ở vùng cao chảy xuống vùng thấp gây ra những dòng chảy rất mạnh, rất xiết trên đường phố như đã xảy ra ở đường Tô Ngọc Vân
Theo PGS.TS Nguyễn Phú Quỳnh, thủy lợi đóng vai trò không thể thiếu trong chống ngập úng khu vực TP.HCM, nhưng phải có sự kết hợp với các ngành khác trong công việc này. Chính vì vậy, việc tích hợp Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM vào quy hoạch chung về phát triển kinh tế, xã hội của thành phố là hoàn toàn đúng đắn.