Tôi may mắn có quãng thời gian tương đối dài công tác cùng ông, được chứng kiến, được nghe kể nhiều câu chuyện để có thể hiểu tương đối về những đóng góp của ông đối với lĩnh vực nông nghiệp.
1. Ông Nguyễn Ngọc Trìu là người dám nghĩ, dám làm, dám nhận trách nhiệm đối với những thử thách, những cái mới, kỳ tích cánh đồng 5 tấn ở Thái Bình là một ví dụ điển hình.
Từ năm 1963-1973, ông Nguyễn Ngọc Trìu là Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Thái Bình. Những năm chiến tranh chống Mỹ, nền nông nghiệp nước ta vô cùng lạc hậu. Chiến tranh cũng đòi hỏi lương thực, thực phẩm “ăn no đánh giặc”. Đó thực sự là một áp lực nan giải.
Trong công cuộc đi tìm giải pháp cấp bách, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Thái Bình, địa phương được cho là sản xuất nông nghiệp khá nhất nhì vùng ĐBSH làm thí điểm nâng năng suất đạt cột mốc 5 tấn/ha để làm tiền đề mở rộng sang các địa phương khác.
Nên nhớ rằng, thời điểm đó, năng suất ở Thái Bình mới chỉ đạt 2,7 tấn/ha, tức phải phấn đấu thêm 2,3 tấn nữa mới hoàn thành nhiệm vụ. Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Nguyễn Ngọc Trìu nhận nhiệm vụ và trực tiếp chỉ đạo thực hiện. Bằng cách nào? Nhiệm vụ nâng năng suất lên gần gấp đôi so với thực tế địa phương có quá nhiều khó khăn. Không thể chỉ phát động quần chúng, làm công tác tư tưởng, nâng cao ý chí mà xong được. Phải có giải pháp thực hiện rõ ràng, cụ thể. Dứt khoát, điều đầu tiên là phải dựa vào đội ngũ cán bộ KHKT để tìm ra các giải pháp.
Giáo sư Bùi Huy Đáp, cây đại thụ của nền khoa học nông nghiệp Việt Nam là ngọn cờ đầu, cùng với nhiều nhà khoa học khác chia thành từng tổ, từng nhóm hỗ trợ Thái Bình thực hiện nhiệm vụ.
Các nhà khoa học xác định, để hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ giao thì nhất định phải tìm ra giống, phân bón đảm bảo trước đã rồi mới phát động quần chúng thực hiện. Sau quãng thời gian rất ngắn nghiên cứu, giống lúa Mộc Tuyền được du nhập. Có giống rồi, lại lo phân bón.
Phân hóa học thời điểm ấy rất hiếm. Các nhà khoa học cũng đề xuất cho sản xuất phân bón vo viên bằng cách nhân rộng diện tích bèo hoa dâu, sau đó lấy loại bèo này trộn với đất ải, nước tiểu rồi vo viên, dúi vào gốc lúa. Thái Bình là tỉnh đầu tiên thực hiện cách làm hoàn toàn mới mẻ này. Giải pháp vô cùng hiệu quả. Người đứng đầu tỉnh Thái Bình phát động quần chúng nhân dân thực hiện và đạt được mục tiêu đề ra.
Tất nhiên, kỳ tích ấy không của riêng ông Trìu, nhưng có thể nói rằng, chính nhờ tấm lòng của ông đối với các nhà khoa học mà Thái Bình với hoàn thành nhiệm vụ được đánh giá hết sức khó khăn. Chuyện kể rằng, những tổ cán bộ khoa học, kỹ sư theo lời mời gọi của ông Nguyễn Ngọc Trìu và phân công của cấp trên về giúp đỡ Thái Bình được ưu tiên cấp phối xe đạp và bản thân ông Trìu thường xuyên quan tâm, săn sóc. Những hành động khiến không ít cán bộ tỉnh thắc mắc, tỏ ý tị nạnh, nhưng ông chỉ cười mà bảo, họ giúp đỡ mình gấp hàng vạn lần ấy chứ.
Có lẽ nhờ tấm lòng ấy mà sau khi đạt kỳ tích “cánh đồng 5 tấn”, Thái Bình tham gia tích cực phong trào mở rộng diện tích lúa xuân ngắn ngày thay thế giống dài ngày năng suất thấp, nâng năng suất lên 7-8 tấn/ha.
Tôi có may mắn được tháp tùng đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu sang thăm đất nước Cu Ba. Trong cuộc hội đàm cấp cao, Chủ tịch Fidel Castro kể một câu chuyện rằng ông từng tặng đồng chí Phạm Văn Đồng 80 kg giống lúa Thần Nông 8 và không biết giống lúa ấy bây giờ thế nào? Tôi biết, sau khi nhận được món quà, đồng chí Phạm Văn Đồng giao cho các Viện nghiên cứu và một số địa phương trồng thử nghiệm, nghiên cứu, tuy nhiên chỉ có tỉnh Thái Bình, nơi ông Nguyễn Ngọc Trìu trực tiếp chỉ đạo sản xuất là thành công, đưa năng suất lúa vượt lên 8 tấn/ha.
2. Có thể nói, ông Nguyễn Ngọc Trìu là người góp phần thổi ngọn lửa đổi mới vào trong nông nghiệp.
Năm 1977, thời điểm ông chuyển từ Thái Bình lên làm Thứ trưởng, rồi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, ngành Nông nghiệp đứng trước thách thức, phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước về nhiệm vụ tăng sản lượng nông nghiệp. “Bằng mọi giá phải thay đổi phương thức sản xuất, vận động, ủng hộ những cách làm ăn mới”, ông vẫn hay nói với chúng tôi như thế.
Đó là thời kỳ nhạy cảm, việc nói chuyện đổi mới không phải dễ, có thể bị kiểm điểm như chơi. Bài học của đồng chí Kim Ngọc khiến người ta sợ. Sợ sai, sợ chịu trách nhiệm. Ông Trìu có nhiều năm lãnh đạo tỉnh Thái Bình nên quá hiểu những hạn chế của sản xuất tập thể Hợp tác xã. Ông thường nói: Người nông dân ở HTX kiểu cũ như người đi làm thuê, không có động lực sản xuất. Phải cởi trói cho họ thôi.
Bấy giờ ở Hải Phòng khoán chui đã thành cả một phong trào. Thành ủy Hải Phòng thấy rất có lợi, nông dân phấn khởi và muốn Trung ương xây dựng thành chủ trương chính thức. Biết tin, ông Trìu, với tư cách Bộ trưởng đã lập tức về Hải Phòng nghiên cứu và triệu tập ngay một hội nghị toàn quốc.
Tại cuộc hội nghị này, ông nói: Tình hình thực tế như thế, các đồng chí có dám ủng hộ không? Nếu ủng hộ tôi sẽ báo cáo với Ban Nông nghiệp Trung ương ngay lập tức. Tất cả đều đồng ý. Ngay sau đó, ông cùng một số lãnh đạo báo cáo Ban Bí thư xin đề xuất chủ trương khoán sản phẩm cho người lao động và được chấp thuận bằng Chỉ thị 100.
Chỉ thị 100 ra đời đặt cơ sở cho vấn đề đổi mới ngành Nông nghiệp sau này. Tuy nhiên, Chỉ thị cũng có một số nhược điểm. Kiên trì cùng các nhà khoa học nghiên cứu, ông Trìu nhiều lần đề xuất thay đổi và cuối cùng những nhược điểm của Chỉ thị 100 được khắc phục khi Đảng ra Nghị quyết mà ông Trìu vẫn hay gọi là “Nghị quyết giao ruộng đất cho dân cày”.
3. Với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Ngọc Trìu còn là người anh cả của Hội Làm vườn Việt Nam và mô hình kinh tế VAC.
Năm 1984, với tư cách là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, nhiều lần ông kêu gọi các nhà khoa học đã nghỉ hưu đứng ra thành lập Hội Làm vườn Việt Nam bởi vì “nhất canh trì, nhì canh viên, tam canh điền”, việc thành lập hội sẽ thuận lợi hơn trong quá trình phát động phong trào kinh tế VAC xóa đói giảm nghèo.
Thêm một mục tiêu nữa, Hội Làm vườn Việt Nam mong muốn khôi phục lại nghề vườn truyền thống, có vị trí quan trọng với đời sống người nông dân.
Tuy nhiên, đó lại là một việc khó nữa. Một vị Phó Thủ tướng lúc bấy giờ đã e ngại việc thành lập một tổ chức phi chính phủ sẽ có những hoạt động đối lập với Chính phủ. Bằng sự kiên trì ông Nguyễn Ngọc Trìu cùng với ông Nghiêm Xuân Yêm, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội thuyết phục nên Hội Làm vườn Việt Nam ra đời năm 1986 và ông Yêm là Chủ tịch đầu tiên. Sau khi ra đời, Hội Làm vườn Việt Nam phát động phong trào VAC và nhân rộng mô hình khắp cả nước, đạt được nhiều thành tựu trong công tác xóa đói giảm nghèo. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: Hội Làm vườn Việt Nam đã đưa kinh tế VAC lên bước phát triển mới... Nhờ làm VAC mà nhiều gia đình từ đói nghèo trở nên khá, từ khá trở nên giàu.
Từ chỗ "đồng sáng lập", sau khi nghỉ công tác ở Bộ Nông nghiệp, ông Trìu chuyển sang làm Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam. GS Vũ Khiêu từng gọi ông là “Tân Công Trứ” vì những tư duy, những tìm tòi mới mẻ, nhưng với chúng tôi, ông hay đọc hai câu thơ mình tự sáng tác:
Chức tước công danh như mây khói
Làm vườn hoa trái để đời sau.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Trìu, sinh ngày 2/10/1926, quê quán xã Tây Giang, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, thường trú tại số nhà 11, ngõ 4C phố Đặng Văn Ngữ, phường Trung Tự, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI; nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ), Chủ tịch Ủy ban Hành chính, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp (nay là Bộ NN-PTNT), Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương (nay là Ban Kinh tế Trung ương); Đại biểu Quốc hội các khóa II, IV, V, VI, VII, VIII; Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác. Sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, các giáo sư, bác sỹ và gia đình tận tình chăm sóc, cứu chữa, song do tuổi cao, sức yếu, đồng chí đã từ trần hồi 18 giờ 1 phút, ngày 9/7/2016 (tức ngày 6/6 năm Bính Thân), hưởng thọ 91 tuổi. Lễ tang đồng chí Nguyễn Ngọc Trìu được tổ chức với nghi thức Lễ tang cấp Nhà nước. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định Ban Lễ tang Nhà nước gồm 17 đồng chí, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban. Lễ viếng được tổ chức từ 7 giờ đến 10 giờ, ngày 14/7/2016; Lễ truy điệu từ 10 giờ đến 10 giờ 30 phút cùng ngày. Di quan từ 10 giờ 45 phút và Lễ an táng hồi 13 giờ 30 phút cùng ngày, tại Khu B5, Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. |