| Hotline: 0983.970.780

Phát triển du lịch cộng đồng, nông nghiệp gắn với xây dựng NTM ở Quảng Ninh

Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Thứ Hai 19/04/2021 , 09:35 (GMT+7)

Quảng Ninh được ví như 'Việt Nam thu nhỏ' có vị trí chiến lược, điều kiện tự nhiên nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp.

Tuy nhiên, các hoạt động du lịch cộng đồng, nông nghiệp ở Quảng Ninh phần nhiều mang tính tự phát, chưa hấp dẫn du khách... Hiện nay, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp đang là vấn đề được địa phương này chú trọng, đưa ra nhiều giải pháp, nhất là đồng bộ, tạo sự liên kết với xây dựng nông thôn mới (NTM).

Tiềm năng đa dạng

Theo số liệu thống kê của Sở NN-PTNT Quảng Ninh, diện tích đất tự nhiên của toàn tỉnh đạt trên 610.000 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh là trên 461.280 ha, chiếm 75,5% đất tự nhiên.

Quảng Ninh còn có vị trí địa lý và địa hình đa dạng, phong phú của cả 3 vùng: đồng bằng, trung du – miền núi và vùng biển với nhiều hình thái khí hậu khác nhau, vừa mang nét chung của khu vực nhiệt đới gió mùa nóng ẩm của phía Bắc Việt Nam lại vừa có nét riêng của một tỉnh vùng núi ven biển.

Hơn nữa, địa phương còn nằm trong địa bàn động lực của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cùng với Hà Nội và Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh đóng vai trò là một trong những đầu tàu về phát triển kinh tế xã hội và tạo ra sức lan tỏa trong quá trình phát triển của cả Vùng. Quảng Ninh là cửa ngõ giao thông quan trọng của cả vùng đồng bằng sông Hồng - vùng trung du miền núi phía Bắc.

Có điều kiện giao thương thuận lợi với các nước Đông Bắc Á và các nước thuộc khu vực Tiểu vùng Mê Kông mở rộng, điểm kết nối quan trọng của Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc với nhiều cửa khẩu biên giới, hệ thống cảng biển thuận tiện, nhất là cửa khẩu quốc tế Móng Cái, cảng nước sâu Cái Lân, hệ thống hàng không đang hình thành với công nghệ hiện đại.

Du khách đến thăm khu du lịch cộng đồng Làng quê Yên Đức, TX Đông Triều (Quảng Ninh). Ảnh: Phan Hằng.

Du khách đến thăm khu du lịch cộng đồng Làng quê Yên Đức, TX Đông Triều (Quảng Ninh). Ảnh: Phan Hằng.

Đối với du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, do chưa có các thống kê của những năm trước nên kết quả kinh doanh du lịch cộng đồng của Quảng Ninh được ước lượng dựa trên kết quả khảo sát, điều tra doanh nghiệp, hộ kinh doanh và khách du lịch.

Theo kết quả khảo sát, trong những năm gần đây, du lịch cộng đồng ở Quảng Ninh cũng có những bước khởi sắc nhất định với nhiều điểm du lịch cộng đồng như: Làng quê Yên Đức (Đông Triều), Bình Liêu, đảo Quan Lạn, đảo Cô Tô…. Số lượng khách du lịch cộng đồng đến Quảng Ninh có xu hướng tăng lên, khoảng trên 10%/năm, trong đó những năm gần đây lượng khách du lịch cộng đồng nội địa có xu hướng tăng nhanh hơn so với thị trường quốc tế.

Trong năm 2019, lượng khách du lịch cộng đồng đến Quảng Ninh có quy mô khá lớn, khoảng 0,9 triệu lượt khách, chiếm khoảng 6,45% tổng lượng khách du lịch đến tỉnh. Du lịch nông thôn, cộng đồng đã giúp cải thiện được sinh kế cho bà con dân tộc và người dân vùng nông thôn thông qua việc bán các sản phẩm nông nghiệp và phi nông nghiệp tại chỗ, giúp tránh được tình trạng ly hương - ly nông, giúp người dân được giao lưu văn hoá với du khách trong nước và quốc tế. Từ đó quảng bá được hình ảnh, văn hoá, ẩm thực, trang phục của các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đến với bạn bè trong và ngoài nước.

Du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp còn góp phần tiêu thụ các sản phẩm nông sản sạch của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh). Ảnh: QMG.

Du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp còn góp phần tiêu thụ các sản phẩm nông sản sạch của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh). Ảnh: QMG.

Đồng thời, hình thành thêm nhiều mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp như: Làng chài Vung Viêng. Bản sông Moóc, xã Đồng Văn; Bản Cáu, xã Lục Hồn huyện Bình Liêu; có 6 HTX hoạt động sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch nông thôn, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế hợp tác (HTX Nông dược xanh Tinh Hoa, HTX hoa Bình Liêu, HTX Cam mùng 10/10, HTX Nông trang cam Vạn Yên, HTX Yên Tử, HTX Nông nghiệp Hoa Sen).

Đòn bẩy hỗ trợ xây dựng NTM ở nhiều địa phương

Hơn 10 năm triển khai thực hiện xây dựng NTM đã làm lên một diện mạo mới cho khu vực nông thôn Quảng Ninh. Sự đầu tư về hạ tầng cơ sở, đường, điện, giao thông nông thôn đã tạo nên một sự thông thương thuận lợi giữa các vùng, tạo nên sự kết nối các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

Bên cạnh đó, với sự hình thành và phát triển của các làng nghề, các sản phẩm nông nghiệp đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP vừa mang đậm tính truyền thống vừa đủ sức cạnh tranh trên thị trường đang thực hiện tốt vai trò là sản phẩm phục vụ cho du lịch.

Tuy nhiên phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gặp còn nhiều khó khăn, hầu hết các hoạt động du lịch nông nghiệp ở các trang trại, HTX nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, manh mún, trùng lặp; chưa có quy hoạch và chưa được kết hợp với các tuyến du lịch nên lượng khách còn ít. Các địa điểm lựa chọn ở vị trí có tiềm năng khai thác phục vụ phát triển du lịch nhưng đều nằm trong diện chờ quy hoạch khu kinh tế nên ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình khai thác lâu dài.

Du khách trải nghiệm đánh bắt cá theo mô hình thí điểm du lịch sinh thái cộng đồng tại đảo Quan Lạn (Vân Đồn). Ảnh: Việt Anh.

Du khách trải nghiệm đánh bắt cá theo mô hình thí điểm du lịch sinh thái cộng đồng tại đảo Quan Lạn (Vân Đồn). Ảnh: Việt Anh.

Điều kiện quan trọng nhất là cơ sở hạ tầng tổng thể phát triển nhưng chưa đồng đều, ở nhiều khu vực phù hợp với phát triển du lịch cộng đồng cơ sở hạ tầng vẫn còn hạn chế, khả năng tiếp cận và thông tin liên lạc chưa tốt dẫn đến nhận thực, kiến thức, kỹ năng xã hội, trình độ ngoại ngữ… ở một số khu vực chưa cao.

Đặc biệt, lao động làm việc trong các trang trại, HTX nông nghiệp phần lớn là nông dân nên chưa có kinh nghiệm triển khai, khi bắt đầu có kết quả thì nhiều hộ gia đình tham gia tự phát, không theo khuôn mẫu. Lao động chưa được đào tạo, thiếu kiến thức và kỹ năng về du lịch. Vì thế, các trang trại, HTX nông nghiệp chưa khai thác hết được tài nguyên du lịch bản địa.

Như đã nói, mặc dù Quảng Ninh là “Việt Nam thu nhỏ” có tài nguyên du lịch tuy đa dạng nhưng phân tán, tính liên kết chưa cao, chưa hình thành các vùng đặc trưng. Tài nguyên du lịch tự nhiên đôi chỗ bị khai thác quá mức, làm phá vỡ tính nguyên sơ. Tài nguyên du lịch văn hóa tuy hấp dẫn nhưng bị mai một nhiều, khó hình thành thành các sản phẩm du lịch đặc trưng.                                                     

Đồng bộ nhiều giải pháp

Hiện nay tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt "Đề án Phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn", theo đó định hướng tổ chức các không gian phát triển du lịch cộng đồng. Đặc biệt ở phía Đông tỉnh Quảng Ninh gồm các địa phương: Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái và du lịch sinh thái khu vực ven biển Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Hạ Long. Phát triển du lịch cộng đồng kết hợp du lịch nông nghiệp ở TP Hạ Long và Huyện Vân Đồn.

Với 8 nhóm giải pháp cụ thể, Quảng Ninh đặt mục tiêu đón 1,7 triệu lượt khách nội địa và 1,1 triệu lượt khác quốc tế sử dụng các dịch vụ từ du lịch cộng đồng, nông nghiệp. Tổng doanh thu du đạt 6.000 tỷ đồng. Tạo ra 4.200 việc làm; góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, vật chất của người dân đồng thời thay đổi nhận thức về sinh kế để giảm nghèo bền vững; nâng cao hiệu quả chương trình xây dựng NTM, chương trình OCOP.

(Chi cục PTNT Quảng Ninh)

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Phát huy lợi thế, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP từ tiềm năng và lợi thế của địa phương, cùng với đó nâng cấp các sản phẩm đã được chứng nhận.

Bình luận mới nhất