| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng nông thôn mới là hành trình không có điểm dừng

Thứ Sáu 20/12/2024 , 12:17 (GMT+7)

Xác định xây dựng nông thôn mới là hành trình không có điểm dừng, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đề ra mục tiêu cụ thể từng năm, từng bước nâng cao đời sống cho người dân.

Diện mạo NTM tại Quảng Ninh ngày càng khang trang. Ảnh: Nguyễn Thành.

Diện mạo NTM tại Quảng Ninh ngày càng khang trang. Ảnh: Nguyễn Thành.

Hiện Quảng Ninh là địa phương đã hoàn thành sớm hơn 2 năm chương trình xây dựng NTM ở cả 3 cấp từ tỉnh đến xã. Trong đó, Bình Liêu là huyện dân tộc, miền núi, biên giới đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM; Tiên Yên, Đầm Hà là 2 huyện đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM nâng cao theo tiêu chí của giai đoạn 2021-2025.

Chương trình xây dựng NTM đã và đang tạo cho các vùng quê của Quảng Ninh diện mạo đổi mới, khang trang, sạch đẹp hơn. Các công trình hạ tầng kinh tế đã và đang phục vụ ngày một tốt hơn cho việc sản xuất và sinh hoạt cho người dân ở nông thôn. Đặc biệt, thu nhập của người nông dân ngày một tăng cao, chất lượng sống ngày càng cải thiện rõ rệt.

Trên địa bàn tỉnh, thu nhập bình quân đầu người của vùng đồng bào DTTS, biên giới, hải đảo năm 2023 đạt trên 73 triệu đồng/người/năm (tăng 1,7 lần so với năm 2020, cao hơn khoảng 1,23 lần so với thu nhập bình quân đầu người cả nước; cao hơn khoảng 2,8 lần so với mục tiêu chung đến năm 2025).

Được biết, HĐND tỉnh Quảng Ninh thông qua nghị quyết về bố trí nguồn lực thực hiện các chương trình, trong đó phân bổ trên 980 tỷ đồng chi phát triển chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH, đảm bảo vững chắc QP-AN các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Trong đó, chi cụ thể cho chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi trên 429 tỷ đồng cho 62 dự án; chi cho chương trình xây dựng NTM trên 552 tỷ đồng, thực hiện 106 dự án. HĐND tỉnh cũng thông qua và ban hành 26 nghị quyết có liên quan về giao mục tiêu nhiệm vụ xây dựng NTM, phân bổ nguồn ngân sách cấp tỉnh thực hiện.

Cùng với đó, hạ tầng thông tin truyền thông cơ sở, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, môi trường nông thôn và hạ tầng giáo dục, văn hóa, y tế... tiếp tục được quan tâm triển khai. Chương trình OCOP của tỉnh thời gian qua được quan tâm phát triển nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng sản phẩm và tổ chức đánh giá phân hạng. Đến nay, toàn tỉnh có 405 sản phẩm OCOP đạt từ 3-5 sao.

Chương trình xây dựng NTM đã giúp đồng bào DTTS phát triển kinh tế. Ảnh: Nguyễn Thành.

Chương trình xây dựng NTM đã giúp đồng bào DTTS phát triển kinh tế. Ảnh: Nguyễn Thành.

Năm 2024, dự kiến có 4 sản phẩm tiềm năng dự thi 5 sao cấp quốc gia; 178 chủ thể sản xuất có sản phẩm đạt từ 3-5 sao; 100% sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3-5 sao đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử như Postmart.vn và Voso.vn...

Toàn tỉnh cũng đã cấp được 63 mã số vùng trồng với tổng diện tích trên 1.528ha và 9 mã số cơ sở đóng gói; có trên 1.100ha cây trồng duy trì sản xuất theo quy trình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, trong đó có 322ha đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP; 90ha lúa và 329ha quế được cấp giấy chứng nhận sản xuất hữu cơ. Việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ đã giúp nâng cao giá trị sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp, giảm các nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường.

Kết thúc năm 2024, Quảng Ninh đã hoàn thành vượt mức các mục tiêu xây dựng NTM đặt ra trong Nghị quyết số 20-NQ/TU của Tỉnh ủy với 91/91 xã đạt chuẩn NTM; 54/91 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có 25/91 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. 

Mục đích cuối cùng của xây dựng NTM là nâng cao đời sống của người dân, do nhà nước và người dân cùng chung sức, chung tay thực hiện. Chính vì thế, trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM, Quảng Ninh luôn xác định nội lực của người dân chính là yếu tố quyết định và tạo được sự đồng thuận, huy động nguồn lực xã hội hoá, thực hiện thành công mục tiêu xây dựng NTM.

Xác định xây dựng NTM là hành trình không có điểm dừng, vì vậy, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đề ra mục tiêu cụ thể từng năm, tiếp tục chỉ đạo các địa phương cụ thể hóa để gặt hái nhiều hơn nữa những thành quả quan trọng trong phát triển KT-XH.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

OCOP Nghệ An cần những mảng màu như Tứ Phương

Muốn phát triển thương hiệu OCOP vững bền đòi hỏi lượng và chất phải song đôi, xuyên suốt hành trình đã qua, Tứ Phương luôn xem đây là yêu cầu bắt buộc.