Thay đổi diện mạo nông thôn
Để thụ hưởng những thành quả của xã, huyện nông thôn mới mang lại, người dân huyện An Minh (Kiên Giang) đã có hành trình dài hơn 10 năm chung sức, đồng lòng cùng chính quyền thực hiện. Đi trên con đường bê tông rộng rãi, xe ô tô tới tận sân nhà, ông Út Thêm (Trần Văn Út Thêm) ở xã Đông Hưng B, không ngờ diện mạo vùng quê mình đã gắn bó mấy chục năm đổi thay nhanh vậy. Trước đây, đường liên ấp rất nhỏ hẹp, nhiều cống, xe máy đi lại khó khăn, phần lớn người dân chọn vỏ máy làm phương tiện lưu thông. Nhưng giờ nhiều nhà đã sắm xe tay ga đắt tiền và cả ô tô, vỏ máy chỉ còn là phương tiện đi thăm đồng.
Là 1 trong 4 huyện thuộc vùng U Minh Thượng, An Minh là huyện thuần nông, xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là hạ tầng giao thông còn yếu kém. Huyện tiếp giáp với biển Tây nên nhiễm mặn vào mùa khô rất cao. Từ làm lúa 1 vụ, 2 vụ/năm bấp bênh, cách đây hơn 20 năm, người dân trong huyện bắt đầu chuyển dịch sang mô hình tôm - lúa và từng bước đa dạng hóa được nhiều đối tượng nuôi thủy sản trên mô hình này.
Ông Nguyễn Thanh Điền, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng NN-PTNT huyện An Minh cho biết, cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, nhất là hạ tầng phục vụ sản xuất, đã giúp đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Hiện An Minh được xem là vùng sản xuất nông nghiệp và nuôi thủy sản lớn của tỉnh Kiên Giang, không chỉ góp phần đảm bảo an ninh lương thực mà còn phục vụ xuất khẩu, nhất là thủy sản.
Huyện An Minh hiện có 59 hợp tác xã đang hoạt động, trong đó có 58 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Các hợp tác xã nông nghiệp hỗ trợ phát triển kinh tế cho thành viên, đáp ứng nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ với chất lượng ngày càng tăng, giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và quy mô hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm. Lao động thường xuyên trong hợp tác xã là 1.960 người, số lao động này đồng thời cũng là thành viên của hợp tác xã và có thu nhập bình quân đạt trên 6 triệu đồng/tháng.
Thực hiện chủ trương liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, huyện An Minh đã xây dựng và phát triển được một số chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả. Diện tích sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn trung bình 1.500 ha/năm, liên kết tiêu thụ ổn định với các đơn vị gồm: Công ty Đại Dương Xanh, Điền Tín, Tân Long, Lộc Trời. Hiệu quả do mô hình cánh đồng lớn mang lại đã giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, lợi nhuận của nhà nông tăng thêm từ 2,5 - 3,5 triệu đồng/ha.
Hiện 10/10 xã trên địa bàn huyện có mô hình sản xuất chủ lực là thủy sản và sản xuất lúa trên nền đất nuôi tôm. Các xã Đông Hòa, Đông Thạnh, Đông Hưng, Đông Hưng B có sản phẩm chủ lực là tôm và lúa, với diện tích canh tác trên 23.500 ha. Các xã Thuận Hòa, Tân Thạnh, Đông Hưng A, Vân Khánh Đông, Vân Khánh và Vân Khánh Tây có sản phẩm chủ lực là tôm, cua và sò huyết, với diện tích sản xuất trên 22.000 ha.
Trên địa bàn 5/10 xã có mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP với quy mô phù hợp theo quy định. Trong đó, 3 xã Đông Thạnh, Đông Hoà, Đông Hưng B có 98ha lúa sản xuất tôm - lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP, xã Đông Hưng A với 39 ha nuôi cua biển theo tiêu chuẩn VietGAP, xã Thuận Hoà với diện tích hơn 29ha nuôi sò huyết theo tiêu chuẩn VietGAP.
Nhằm phát huy nội lực trong xây dững nông thôn mới, huyện An Minh tập trung phát triển các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của huyện tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phấn đấu đến cuối năm 2025 huyện có ít nhất 25 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, phấn đấu có từ 3 sản phẩm trở lên đạt OCOP 4 sao.
Người dân đồng thuận cao
Trong xây dựng nông thôn mới, công tác tuyên truyền được huyện An Minh tăng cường nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo được sự đồng thuận. Từ đó, huy động cao các nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới, những cách làm hay, sáng tạo, công sức và tài chính. Ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiêu biểu, tự nguyện đóng góp công sức, tiền của để nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn, các công trình công cộng, tích cực phát triển sản xuất, tăng thu nhập… Từ đó, diện mạo nông thôn của huyện thực sự khởi sắc, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được nâng lên, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện rõ nét.
Trong giai đoạn 2011- 2025, tổng nguồn vốn được huy động để đầu tư phát triển huyện An Minh là trên 1.970 tỷ đồng, gồm vốn Chương trình MTQG, vốn lồng ghép, vốn huy động... Bên cạnh nguồn vốn do nhà nước đầu tư thì việc huy động sức dân để lo cho dân, với tổng kinh phí đóng góp khá lớn hơn 230,5 tỷ đồng. Ngoài ra, qua công tác tuyên truyền, vận động, người dân trong huyện đã tự nguyện hiến 396.260 m2 đất, đóng góp hơn 20.560 ngày công lao động và hơn 18 tỷ đồng để thi công 186 cây cầu giao thông nông thôn.
Việc huy động nguồn vốn của nhân dân đóng góp, nguồn vốn hỗ trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân và nguồn vốn khác được thực hiện đúng quy định, đảm bảo công khai, dân chủ theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát, thụ hưởng. Nguồn vốn sử dụng có hiệu quả, qua đó đảm bảo sự đồng thuận trong nhân dân, đáp ứng được yêu cầu về tiến độ, chất lượng xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn.
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện An Minh đã đạt nhiều kết quả khả quan. Bộ mặt nông thôn từng bước đổi mới, cảnh quan môi trường ngày càng theo hướng sáng, xanh, sạch, đẹp. Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội ngày càng phát triển, đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn đã đảm bảo ô tô đi đến trung tâm tất cả các xã và thị trấn. Hệ thống thủy lợi được đầu tư ngày càng hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, vận chuyển hàng hóa, nhiều mô hình sản xuất đem lại lợi nhuận cao cho nông dân, nâng cao thu nhập. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 65,84 triệu đồng/người/năm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên.
An Minh phấn đấu đến năm 2025, huyện có thêm 2 xã nông thôn mới nâng cao và 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đến năm 2030 toàn huyện có 10/10 xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu và phấn đấu xây dựng huyện An Minh đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao. Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, phấn đấu thu nhập bình quân đạt 75-80 triệu đồng/người/năm.