| Hotline: 0983.970.780

Hòa Bình khẳng định vị thế cho nông sản

Thứ Năm 19/12/2024 , 06:00 (GMT+7)

Bằng nhiều chính sách phát triển sản phẩm OCOP, Hòa Bình đã tiếp sức cho những nông sản trở thành hàng hóa giá trị, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống người dân.

Tiếp sức cho nông sản đi xa

Hòa Bình là địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển đa dạng các loại nông, đặc sản. Những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ các đơn vị, hợp tác xã (HTX) phát triển đa dạng sản phẩm OCOP nhằm tạo việc làm tại chỗ, gia tăng giá trị sản xuất, thu nhập cho người dân.

Tỉnh Hòa Bình hiện có 158 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; tập trung chủ yếu vào nhóm sản phẩm đặc thù, thế mạnh của địa phương. Ảnh: Trung Quân.

Tỉnh Hòa Bình hiện có 158 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; tập trung chủ yếu vào nhóm sản phẩm đặc thù, thế mạnh của địa phương. Ảnh: Trung Quân.

Ông Nguyễn Hồng Tuấn, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình cho biết, trong bối cảnh thị trường yêu cầu ngày càng khắt khe về chất lượng sản phẩm và cạnh tranh khốc liệt, việc phát triển chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, tích hợp các giá trị văn hóa, lịch sử vào sản phẩm được xem là giải pháp căn cơ cho sự phát triển bền vững của nông sản Hòa Bình.

Chương trình OCOP được triển khai trên địa bàn tỉnh không chỉ khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của địa phương mà còn góp phần tích cực vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển du lịch nông thôn.

Thông qua hoạt động đánh giá, chứng nhận và duy trì tiêu chuẩn OCOP, đã góp phần giúp người sản xuất nâng cao nhận thức, chuyên tâm tạo ra những sản phẩm đồng đều, chất lượng; không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn cung cấp nguyên liệu cho xuất khẩu. Bên cạnh đó, các nghề phụ trợ khác như in ấn bao bì, nhãn mác, khai thác thương hiệu… cũng có điều kiện phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Theo ông Tuấn, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, đến nay toàn tỉnh đã có 158 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; tập trung chủ yếu vào nhóm sản phẩm đặc thù, thế mạnh của địa phương như: cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, cá sông Đà, nhóm dược liệu, rượu men lá đặc sản...

Công tác quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP được quan tâm, ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh các hội chợ, triển lãm, tỉnh phối hợp với nhiều đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử như Sendo, Lazada, Shopee, chợ phiên OCOP trên nền tảng TikTok... để tăng khả năng mở rộng thị trường, tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Tạo khác biệt cho sản phẩm OCOP

HTX Nông nghiệp Bản Dao-Thống Nhất (thành phố Hòa Bình) được biết đến là HTX tiên phong tìm hướng đi mới cho cây sả và giúp nhiều hộ dân trên địa bàn thoát nghèo bền vững. Bà Nguyễn Thị Bình, Giám đốc HTX chia sẻ, HTX thành lập năm 2015 với 20 thành viên. Đây cũng là thời điểm người dân trên địa bàn ồ ạt trồng sả khiến lượng cung vượt cầu, dẫn đến khó tiêu thụ. Nhiều hộ phải ngậm ngùi thu hoạch rồi đốt bỏ.

Thấu hiểu khó khăn đó, bằng tư duy nhạy bén và tinh thần ham học hỏi, bà đã cùng các thành viên HTX tìm tòi, nghiên cứu cách chiết xuất tinh dầu từ cây sả với kỳ vọng tạo ra sản phẩm chế biến sâu, hạn chế phụ thuộc vào hình thức bán tươi, bảo vệ lợi ích cho người trồng.

Việc được gắn sao OCOP đã giúp sản phẩm tinh dầu sả của HTX nông nghiệp Bản Dao-Thống Nhất thuận lợi đi xa. Ảnh: NVCC.

Việc được gắn sao OCOP đã giúp sản phẩm tinh dầu sả của HTX nông nghiệp Bản Dao-Thống Nhất thuận lợi đi xa. Ảnh: NVCC.

Năm 2019, ý tưởng trồng và chế biến tinh dầu sả theo chuỗi giá trị nhằm cung cấp các sản phẩm an toàn cho người sử dụng, thân thiện với môi trường của HTX đạt giải tại cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh. Ý tưởng này đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hòa Bình hỗ trợ hơn 150 triệu đồng để phát triển.

Từ số tiền được hỗ trợ, cộng với vốn góp của các thành viên và vay mượn, HTX đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu theo hình thức cho các hộ liên kết ứng trước vật tư, khấu trừ khi thu hoạch, bao tiêu toàn bộ sản lượng. Đồng thời, xây dựng nhà xưởng, lắp đặt hệ thống dây chuyền hiện đại chưng cất tinh dầu sả; thiết kế bao bì, nhãn mác để sản phẩm tạo ra thuận lợi tiếp cận với thị trường. Năm 2021, sản phẩm tinh dầu sả chanh của HTX được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3.

Khi thương hiệu đã được khẳng định, hàng ngàn chai tinh dầu sả do HTX sản xuất ra mỗi năm nối đuôi nhau tỏa đi khắp các tỉnh thành trên cả nước. Doanh thu của HTX cũng theo đó không ngừng tăng lên. 86 thành viên và các hộ liên kết không còn cảnh “khóc ròng” vì sả trồng được không có nơi tiêu thụ hoặc bị thương lái ép giá. Nhiều gia đình người Mường, người Dao đã có thu nhập ổn định, thoát nghèo từ việc trồng sả.

“Việc sản phẩm của HTX được gắn sao OCOP không chỉ khẳng định thương hiệu, tôn vinh những giá trị kết tinh trong đó, mà còn tạo thuận lợi để sản phẩm tăng sức hút và khả năng cạnh tranh trên thị trường”, bà Bình đánh giá.

Cũng phát triển chế biến sâu các loại nông sản đặc trưng của địa phương nhằm gia tăng giá trị sản xuất, HTX Thạch Yên (huyện Cao Phong) đã dày công sưu tầm cách phối trộn lá cây tự nhiên tạo ra loại men lá đặc trưng của người Mường-Hòa Bình. Dùng loại men đó kết hợp với những giống lúa đặc sản địa phương như nếp râu Yên Thượng, nếp cái hoa vàng… tạo ra nhiều dòng sản phẩm rượu men lá có hương vị khác biệt.

Anh Đỗ Hùng, chuyên gia chế tác men lá và phụ trách kỹ thuật của HTX chia sẻ, bản thân anh cũng như Giám đốc HTX Vương Thị Hằng là những người có đam mê tìm hiểu lịch sử, văn hóa của người Mường. Khi tiếp cận với sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” (bản sử thi nổi tiếng của dân tộc Mường) anh không khỏi ấn tượng với cách người xưa lên rừng lấy những loại lá cây khác nhau mang về phối trộn, chế biến thành một loại men; khi đem trộn với gạo, ủ hiếu khí đã tạo nên một thức uống mê đắm lòng người.  

Từ niềm say mê đó, hai người đi khắp các thôn, bản, tìm đến các Bố, Mế cao tuổi để tìm hiểu cặn kẽ về cách người xưa đã làm. Đồng thời, mày mò tìm kiếm các tài liệu liên quan, trưng cầu ý kiến của các chuyên gia đông y về tác dụng của các loại lá cây được sử dụng làm men. Qua nhiều năm sàng lọc các dị bản và miệt mài nghiên cứu, HTX đã làm chủ được công thức tạo ra loại men lá đặc biệt này.

HTX Thạch Yên đang nỗ lực phát triển chuỗi liên kết sản xuất lúa đặc sản, đầu tư thiết bị để tạo ra các loại rượu men lá mang đặc trưng của Hòa Bình. Ảnh: Trung Quân.

HTX Thạch Yên đang nỗ lực phát triển chuỗi liên kết sản xuất lúa đặc sản, đầu tư thiết bị để tạo ra các loại rượu men lá mang đặc trưng của Hòa Bình. Ảnh: Trung Quân.

Không dừng lại ở đó, HTX phát triển liên kết với các hộ trồng lúa trên địa bàn tỉnh để hình thành vùng nguyên liệu; hỗ trợ máy tuốt lúa, máy xay xát, thu mua toàn bộ sản lượng; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, máy móc hiện đại nhằm cung ứng ra thị trường sản phẩm rượu men lá có chất lượng tốt nhất.

Hiện tại, HTX có 4 dòng sản phẩm rượu men lá, 1 dòng sản phẩm rượu rum mật ong, 1 dòng rượu rum mía. Trong đó, 2 sản phẩm được chứng nhận đạt OCOP 4 sao năm 2023 (rượu nếp râu Yên Thượng và rượu mía Thạch Yên).

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

OCOP Nghệ An cần những mảng màu như Tứ Phương

Muốn phát triển thương hiệu OCOP vững bền đòi hỏi lượng và chất phải song đôi, xuyên suốt hành trình đã qua, Tứ Phương luôn xem đây là yêu cầu bắt buộc.