Tiến sĩ Lê Kiên Thành là con trai của chính khách Lê Duẩn (1907-1986). Vì vậy, thân phận của tiến sĩ Lê Kiên Thành đã ẩn chứa sự hấp dẫn để công chúng tò mò lắng nghe những câu chuyện mà ông kể. Tuy nhiên, trong cuốn sách “Những khoảnh khắc sống”, tiến sĩ Lê Kiên Thành nhắc rất ít đến người cha từng giữ cương vị Tổng Bí thư hơn một phần tư thế kỷ, từ năm 1960 đến khi qua đời.
“Những khoảnh khắc sống” tròm trèm 200 trang, chủ yếu tập hợp những bài viết được tiến sĩ Lê Kiên Thành công bố trên Facebook vài năm gần đây. Thế nhưng, “Những khoảnh khắc sống” được họa sĩ Thành Chương vẽ 15 bức tranh để minh họa và in ấn rất đẹp. Về hình thức thẩm mỹ, các nhà văn quốc tế nhìn thấy “Những khoảnh khắc sống” cũng phải ít nhiều ganh tỵ.
Bởi vậy, phải khẳng định “Những khoảnh khắc sống” quy tụ hai gương mặt nổi tiếng. Họa sĩ Thành Chương có biệt phủ, dễ gì đóng vai phụ cho kẻ khác. Họa sĩ Thành Chương cũng là đồng tác giả "Những khoảnh khắc sống" chia sẻ lý do dự phần vào cuốn sách: “Trong tất cả truyện của anh Lê Kiên Thành, những cái khoảnh khắc sống không có cái nào lặp đi lặp lại cả, rất phong phú. Cái quan trọng nhất là rất thật, cái thật ấy không giả vờ được. Trong nghệ thuật, rất nhiều người giả vờ chân thật, tưởng là lừa được thiên hạ nhưng cũng nói luôn là không lừa được ai hết, đừng nhầm lẫn, người ta nói hay không nói thôi. Những con chữ của anh Lê Kiên Thành trong “Những khoảnh khắc sống” là lời thật, chân thật từ tận đáy lòng. Chính những điều ấy thuyết phục tôi”.
“Những khoảnh khắc sống” in đợt đầu 3000 bản thường và 300 bản đặc biệt, lập tức bán hết trong vòng một tuần lễ. “Những khoảnh khắc sống” tái bản 2000 bản thường và 200 bản đặc biệt, cũng bán vèo luôn. Giá mỗi cuốn sách bản thường là 399 nghìn đồng, giá mỗi cuốn sách bản đặc biệt 999 nghìn đồng. Tổng cộng 5500 bản in của “Những khoảnh khắc sống” đã có doanh thu gần 2,5 tỷ đồng. Một cơn sốt bất ngờ và một hiện tượng đáng mừng.
Tiến sĩ Lê Kiên Thành không nhận mình là nhà văn. Ông khẳng định việc có được cuốn sách nằm ngoài tiên liệu của ông: “Cho đến giờ phút này, tôi 70 tuổi và tôi nghề gì tôi cũng không biết tôi nghề gì? Chính vì thế, cuộc đời mình trải qua rất nhiều cái khác nhau mà những cái khác nhau đó là khoảnh khắc tôi muốn chia sẻ với bạn đọc, không phải một đời mà là những khoảnh khắc của cuộc đời. Đó là tên của cuốn sách “Những khoảnh khắc sống”.
Lúc đầu tôi học nghề phi công, sau chuyển sang học kỹ thuật hàng không, rồi về tham gia thiết kế chiếc máy bay đầu tiên của Việt Nam. Trong đói khổ ăn bo bo mà làm ra một cái máy bay đầu tiên của người Việt Nam và bay trên bầu trời Việt Nam vào năm 1980 là điều rất tự hào. Sau đó, tôi làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô, nhưng về nước thì không có việc gì làm cả, phải loay hoay trăm bề để tự nuôi mình”.
Cuốn sách “Những khoảnh khắc sống” chia làm hai phần, "Truyện" và "Tự sự". Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã viết lời giới thiệu cho “Những khoảnh khắc sống” khá nồng nhiệt: “Giá trị Người là thông điệp lớn nhất mà tác giả gửi tới người đọc. Hay nói đúng hơn là những điều tối thượng mà một nhà văn phải tìm đến trong toàn bộ những trang viết của mình. Mọi thông điệp lớn lao trong Những khoảnh khắc sống lại được chứa đựng trong những câu chuyện vô cùng bình dị và xúc động trong đời sống”.
Nếu đọc một cách kỹ lưỡng, thì “Truyện” và “Tự sự” của tiến sĩ Lê Kiên Thành không có khoảng cách quá rạch ròi. Gọi là “Truyện” để tác giả khéo léo ẩn mình đi mà thôi, còn câu chuyện được kể đều hiển lộ những điều tác giả đã thấy, đã nghe trên đường đời. Những truyện “Hai tiếng sét”, “Hương ngọc lan” hoặc “Bàn học bên hồ Tây” đều thấy bóng dáng của tác giả.
Phần “Tự sự” có vài đoản văn xúc động, khi tiến sĩ Lê Kiên Thành viết về bà nội, hai người mẹ và người chị Lê Vũ Anh. Xin được nói thêm, mẹ đẻ của tiến sĩ Lê Kiên Thành là nhà báo Nguyễn Thụy Nga (1925-2018), vợ hai của chính khách Lê Duẩn. Năm 1960, bà Nguyễn Thụy Nga từng dắt theo hai con trai Lê Kiên Thành và Lê Kiên Trung sang Trung Quốc, để được đào tạo chuyên ngành báo chí tại Bắc Kinh. Cho nên, khả năng viết lách của tiến sĩ Lê Kiên Thành có sự ảnh hưởng nhất định của mẹ đẻ.
Tiến sĩ Lê Kiên Thành là một trong những người Việt Nam “phá rào” làm kinh tế tư nhân giai đoạn đổi mới. Bây giờ, tiến sĩ Lê Kiên Thành lại “phá rào” cho hành trình “con ông cháu cha” cầm bút hé lộ dăm bí mật ít được đề cập trong năm tháng đã qua. Xin lưu ý, nhân vật cùng thời với chính khách Lê Duẩn là ông Lê Đức Thọ (1911-1990) cũng có người con gái Lê Trung Nguyệt sở trường viết lách nhưng chỉ sáng tác truyện ngắn.
Thất thập cổ lai hy mới in cuốn sách đầu tiên, tiến sĩ Lê Kiên Thành gửi gắm: “Tôi muốn nói với các bạn trẻ là hãy quan sát và hãy viết đi. Tôi còn viết được thì các bạn còn viết hay hơn rất nhiều. Các bạn hãy viết để mỗi tác phẩm là một tiếng nói, khi có nhiều tiếng nói như thế thì có thể cuộc sống xã hội sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực”.