| Hotline: 0983.970.780

Tiền tỷ 'bay vèo' trong đêm, nông dân chỉ biết bật khóc

Chủ Nhật 08/09/2024 , 15:17 (GMT+7)

HẢI DƯƠNG Nông dân trồng dưa lưới tại xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc (Hải Dương) mất hàng tỷ đồng vì sập nhà màng và chật vật bán rẻ nông sản sau bão số 3.

Chị Cuối cùng bà con hàng xóm nhặt dưa lưới tại nhà màng. Ảnh: Bảo Thắng.

Chị Cuối cùng bà con hàng xóm nhặt dưa lưới tại nhà màng. Ảnh: Bảo Thắng.

Nước mắt lưng tròng

Ngồi bệt xuống đất, nước mắt lưng tròng, chị Phạm Thị Cuối nhìn vô định vào hơn 4.000m2 nhà màng tan hoang sau bão số 3.

Thôn Lúa quê chị có tiếng là đất trồng dưa lưới. Nhiều hộ dân đổi đời nhờ cây màu này. Như nhà chị, nếu mưa thuận gió hòa, mỗi năm ít nhất cũng lời được 400 triệu đồng từ dưa lưới sau khi trừ đi các chi phí vật tư, phân bón.

“Giờ mất hết rồi”, chị Cuối buông thõng sau khi vất vả đi nhờ 2 chuyến xe sớm từ Quảng Ninh về xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc để xem ruộng dưa thế nào.

Nếu không bị cơn bão số 3 quần thảo đêm 7/9, ruộng dưa nhà chị sẽ thu hoạch từ 12 - 15/9. Một tuần nữa thôi là những trái dưa thơm ngọt sẽ được bán với giá 20.000 - 25.000 đồng/kg, thương lái đến tận ruộng thu mua nhờ con đường rải nhựa mới được bà con trong thôn chung vốn, cùng nhau tôn tạo.

Nhưng tất cả giờ chỉ còn là những khung sắt trơ xương, chĩa thẳng lên không trung. Những mảng nilon toang hoác, những vũng nước lớn ngập ngụa dưới đất chưa kịp tiêu thoát...

Dưa đổ nằm la liệt dưới ruộng. Ảnh: Bảo Thắng.

Dưa đổ nằm la liệt dưới ruộng. Ảnh: Bảo Thắng.

Gần 10 tấn dưa sắp đạt độ ngọt, độ giòn tiêu chuẩn giờ la liệt dưới đất. Quả bị vỡ toác, quả bị xỉn màu có lẽ vì ngâm trong nước từ đêm hôm trước. Bên cạnh, người đàn bà vừa tất bật ngược xuôi không còn sức đứng dậy. Chị bảo, “chán đến độ không buồn nhặt dưa”, nhưng hàng xóm động viên mãi nên giờ gia đình chị cố được từng nào hay từng ấy.

Từ chỗ bán 20.000 – 25.000 đồng/kg (khoảng 50.000 đồng/quả), dưa lưới nhà chị giờ “đại hạ giá”. Ai mua tại ruộng thì 100.000 đồng 4 quả, thậm chí rẻ hơn cũng bán. Nhưng kể cả như vậy thì bà con thôn Lúa cũng không thể giúp được người đàn bà đi làm ăn xa này. Mỗi người chỉ độ 2 - 3 quả là chán vì thôn Lúa còn nhiều nhà nữa cũng đồng cảnh ngộ như chị Cuối.

Anh Phạm Xuân Phồn - anh trai chị Cuối được giao nhiệm vụ ở nhà chăm sóc ruộng dưa. Có kinh nghiệm lâu năm trồng loại trái cây này nên mấy vụ vừa qua anh chị làm ăn được. Bọn trẻ nhà anh được đầu tư học hành trên huyện, gia đình cũng có của ăn của để.

Toàn bộ nhà màng của gia đình chị Cuối bị đổ sụp, thiệt hại hàng tỷ đồng. Ảnh: Bảo Thắng.

Toàn bộ nhà màng của gia đình chị Cuối bị đổ sụp, thiệt hại hàng tỷ đồng. Ảnh: Bảo Thắng.

Thế nhưng khi cơn bão số 3 đi qua, một tương lai khác sẽ chờ đón anh Phồn. Nhãn tiền là khoản nợ 1 tỷ đồng, anh cùng em gái (chị Cuối) vừa vay mượn để xây mới cơ sở 2.000m2 nhà màng.

“Tôi chẳng biết làm thế nào nữa”, anh Phồn nói, tay vẫn không ngừng xếp dưa lên chiếc xe ba gác để chở ra đường lớn, hi vọng khách du lịch tiện đường đi qua sẽ giúp anh “giải cứu” một phần đống tài sản hàng trăm triệu đồng.

Gần ruộng nhà anh Phồn, chị Cuối, nhà màng của anh Lê Thạc Oai (cũng trú tại thôn Lúa) cũng chẳng còn gì khi bão Yagi đi qua. Vụ dưa nhà anh vừa thu hoạch khoảng nửa tháng trước, đang trong quá trình làm giống. “Nhưng giờ thì chẳng còn gì làm nữa rồi”, anh Oai như nhắc lại lời anh Phồn một cách ngán ngẩm sau khi thăm đồng.

Hàng xóm hỗ trợ chị Cuối thu hoạch dưa. Ảnh: Bảo Thắng.

Hàng xóm hỗ trợ chị Cuối thu hoạch dưa. Ảnh: Bảo Thắng.

Tập trung hỗ trợ, khắc phục sản xuất nông nghiệp

Canh tác trong nhà màng có lẽ là loại hình cần đầu tư nhiều nhất. Chỉ riêng nhà màng cũng tốn đến tiền trăm triệu, tiền tỷ. Chính bởi thế, tổn thất về cơ sở vật chất của người dân là không thể đo đếm.

Theo báo cáo nhanh của Sở NN-PTNT Hải Dương, bão số 3 đã làm hơn 10.000ha lúa bị ngã đổ, khoảng 1.200ha rau màu bị dập nát, hơn 600ha cây ăn quả bị gãy đổ.

Hiện Hải Dương chưa ghi nhận sự cố đối với các công trình đê điều, thủy lợi. Nhưng do ảnh hưởng của mưa bão và hồ thủy điện Hòa Bình đang xả lũ nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, sự cố.

Trong cuộc họp sáng 8/9, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã rà soát, thống kê thiệt hại để có số liệu chính xác nhất, đặc biệt là về lĩnh vực nông nghiệp.

“Các đơn vị tập trung đánh giá hậu quả, thiệt hại, căn cứ hướng dẫn của ngành nông nghiệp, tài chính để thống kê, đề nghị hỗ trợ theo đúng quy định”, Chủ tịch Lê Ngọc Châu nhấn mạnh.

Dưa được xếp lên xe ba gác và bán rải rác tại đường lớn. Ảnh: Bảo Thắng.

Dưa được xếp lên xe ba gác và bán rải rác tại đường lớn. Ảnh: Bảo Thắng.

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh khắc phục sự cố sau cơn bão số 3 sớm nhất, nhất là dự báo và xây dựng kế hoạch ứng phó với những nguy cơ tiềm ẩn sau cơn bão.

Cùng với đó, rà soát, phòng ngừa dịch bệnh trên người, gia súc, gia cầm, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hải Phòng khai trương dự án Chính quyền số

HẢI PHÒNG Chiều 21/11, UBND thành phố Hải Phòng tổ chức lễ khai trương Dự án ‘Chính quyền số’ để chào mừng ngày chuyển đổi số quốc gia 2024.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 3]: Cân bằng là thách thức!

Mặc dù có thể giảm thiểu nhưng việc loại bỏ hoàn toàn ô nhiễm song song với phát triển kinh tế tại các làng nghề hiện vẫn là thách thức lớn.