| Hotline: 0983.970.780

Tiếp tục chương trình Canh tác lúa thông minh

Thứ Sáu 20/11/2020 , 08:15 (GMT+7)

Công ty CP Phân bón Bình Điền và Trung tâm KNQG vừa ký hợp tác chương trình “Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, vùng ĐBSCL” giai đoạn 2021- 2022.

Đây là bước tiếp nối chương trình đã triển khai trong các năm 2016-2017, 2019- 2020.

Đánh giá thành công của chương trình, PGS.TS Mai Thành Phụng, thành viên ban cố vấn chương trình, nói: “Bắt đầu là giảm lượng giống, từ 150 kg, thậm chí tới trên 200kg/ha xuống 80kg, khuyến khích sạ dưới 80 kg/ha; kế đó là giảm lượng nước tưới; Giúp nông dân trở thành chuyên gia trong công việc đồng ruộng của mình”

Ông Ngô Văn Đông, TGĐ Cty CP Phân bón Bình Điền (bìa trái) tặng 02 trạm quan trắc nước mặn cho địa phương. Ảnh: Đình Thế.

Ông Ngô Văn Đông, TGĐ Cty CP Phân bón Bình Điền (bìa trái) tặng 02 trạm quan trắc nước mặn cho địa phương. Ảnh: Đình Thế.

Giảm giống sạ, tức giảm mật độ cây lúa, sẽ giảm phân bón. Cây lúa cứng, không bị đổ ngã thì giảm được công cắt. Cây lúa cứng khỏe thì giảm sâu bênh phá hoại, tức là giảm thuốc xịt, giảm công xịt thuốc. Toàn vùng sẽ giảm được 100 ngàn tấn thóc giống, 115.500 tấn Ure, rồi thuốc bảo vệ thực vật…/vụ- những con số thành tiền không nhỏ, lại có ý nghĩa bảo vệ sức khỏe người dân và môi trường sinh thái; trong khi mỗi ha vẫn cho lợi nhuận cao hơn 3 triệu đồng.

Tiếp tục thực hiện mô hình canh tác lúa thông minh tại 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, tăng thu nhập cho nông dân và giảm phát thải khí nhà kính. Xây dựng quy trình sản xuất áp dụng cho từng vùng, từng tỉnh cụ thể để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, như thời vụ, giống, kỹ thuật gieo cấy, liều lượng, tỷ lệ phân bón và kỹ thuật canh tác. Mở rộng mô hình sản xuất từ 0,5 ha, lên 2 ha và trên 2 ha. Cung cấp phân bón miễn phí cho mô hình 2 ha và 50% cho mô hình trên 2 ha. Cung cấp máy phun phân bón cho mỗi mô hình. Cử chuyên gia tổ chức các lớp đào tạo nông dân.

Cung cấp cho Trung tâm Khuyến nông tỉnh thiết bị quan trắc độ mặn qua ứng dụng điện thoại thông minh, lắp đặt tại mô hình các tỉnh ven biển.

Toàn cảnh lễ ký kết. Ảnh: Đình Thế

Toàn cảnh lễ ký kết. Ảnh: Đình Thế

Năm 2019 Bình Điền đã giúp tỉnh Kiên Giang lắp đặt 8 trạm quan trắc độ mặn của nước tại hai huyện Gò Quao và Hòn Đất để thường xuyên nắm được các chỉ tiêu về chất lượng nước, như độ mặn, độ pH, thủy triều thông qua phần mềm Mekong, qua mạng intenet. Nông dân có thể cập nhật hàng giờ trên điện thoại để quyết định việc lấy nước vào ruộng lúa. Tại ruộng bố trí các ống cảm biến ướt khô xen kẽ (AWD TUBE) để đo mực nước đang có trên ruộng; kế đó là trạm bơm nước thông minh, điều khiển được việc tưới, tiêu nước từ xa bằng điện thoại thông minh.

Ông Trần Văn Tình ở ấp Cây Chôm, xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất hồ hởi nói: “Làm lúa thông minh theo hợp tác xã thật khỏe. Đầu vào, đầu ra có ban quản lý lo, không phải chăm chăm tối ngày thăm ruộng như trước, cứ ngồi nhà, hay đi du lịch ở xa vẫn biết ruộng của mình ra sao, có cần tưới hay tiêu bớt nước, tưới bao nhiêu nước là vừa tùy vào thời kỳ sinh trưởng của cây lúa”.

Đợt này, chương trình tiếp tục cung cấp 9 trạm nữa, đặt tại các tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Trà Vinh. Tổng kinh phí cho 2 năm (2021- 2022) là 3 tỷ đồng.

PGS.TS Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, phấn khởi chia sẻ: Việc ký kết thỏa thuận là vinh dự cho Khuyến nông Quốc gia, bởi Bình Điền-  một doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn luôn lấy khoa học- công nghệ làm điểm tựa phát triển, để trở thành một thương hiệu phân bón quốc gia. Việc tìm ra các giải pháp hiệu quả ứng phó với biến đổi khí hậu là rất quan trọng, rất trúng với chủ trương của công tác khuyến nông nói riêng, của ngành nông nghiệp nói chung. Khuyến nông Quốc gia đã tìm được tiếng nói chung với Bình Điền. Rất đúng với yêu cầu xã hội hóa công tác khuyến nông; cộng hưởng tất cả các nguồn lực, kích hoạt hệ thống giải pháp, lấy không gian bù cho thời gian, đi tắt đón đầu để sản xuất nông nghiệp ngày càng đạt được hiệu quả, lan tỏa ra cả nước.

Ở góc độ quản lý nhà nước về nông nghiệp, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt chia sẻ: “Xu hướng phối hợp giữa doanh nghiệp và một cơ quan nhà nước là rất tốt, người dân sẽ có niềm tin vì hiệu ứng cộng, vừa biết được khuyến cáo có tính pháp lý của cơ quan nhà nước, lại được hỗ trợ bằng vật tư và việc làm cụ thể, thiết thực của doanh nghiệp”.

Ông Ngô Văn Đông, TGĐ Cty CP Phân bón Bình Điền tâm sự: Chúng tôi cung cấp cho nông dân những sản phẩm phân bón chất lượng cao, thêm nguyên tố vi lượng thông minh, giúp nông dân giảm lượng phân bón, tức giảm công lao động, giảm giá thành, vận chuyển, lưu kho…mà vẫn đạt được năng suất cao nhất, lại góp phần bảo vệ môi trường. Gói kỹ thuật Canh tác lúa thông minh, trong đó có việc điều khiển tưới nước tự động, khắc phục hiệu quả hạn, mặn đang ngày càng gay gắt cho sản xuất lúa sẽ tiếp tục triển khai tới đây chỉ là một trong nhiều chương trình mà Bình Điền đang làm và mở rộng ra các loại cây trồng khác…

Xem thêm
Bệnh virus hại tiêu và cách phòng trị

Bệnh virus hại tiêu (bệnh tiêu điên) là loại bệnh khá phổ biến đối với cây tiêu làm giảm năng suất, chất lượng thậm chí khiến tiêu bị chết hàng loạt rất nguy hiểm...

Áp dụng khẩu phần đạm thô thấp mang hiệu quả kép cho chăn nuôi lợn

Giảm tỷ lệ protein thô trong khẩu phần thức ăn chăn nuôi lợn đem lại tác động đa lợi ích, vùa hướng tới giảm phát thải khí nhà kính vựa hạ giá thành chăn nuôi.

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?