| Hotline: 0983.970.780

Tiếp tục lan tỏa thành công từ Dự án VnSAT

Thứ Tư 12/10/2022 , 14:16 (GMT+7)

Dự án VnSAT đã góp phần quan trọng trong Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị cho 2 ngành hàng quan trọng của nước ta là lúa gạo và cà phê.

Những vườn cà phê tái canh nhờ dự án VnSAT hỗ trợ phát triển tốt, cho năng suất cao. Ảnh: M.H.

Những vườn cà phê tái canh nhờ dự án VnSAT hỗ trợ phát triển tốt, cho năng suất cao. Ảnh: M.H.

Ngày 12/10, tại TP Đà Nẵng, Bộ NN-PTNT phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc cùng Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án hoàn thành “Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam” (VnSAT).

Dự án VnSAT do Ngân hàng Thế giới tài trợ, và được thực hiện tại 13 tỉnh của Việt Nam từ năm 2015 đến 2022. Kết quả đạt được thời gian qua cho thấy dự án đã đóng góp quan trọng vào việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp thông qua việc nâng cao năng lực thể chế của ngành nông nghiệp, đổi mới phương thức canh tác theo hướng bền vững, nâng cao chuỗi giá trị cho các ngành hàng lúa gạo và cà phê.

Dự án không chỉ có tác động tích cực đến hiệu quả kinh tế, cụ thể thông qua việc nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo và cà phê, mà còn mang lại những tác động tích cực đến môi trường và xã hội. Các địa phương được sự tài trợ của dự án đều thừa nhận rằng, những mô hình mà VnSAT đã triển khai trên địa bàn đều mang lại những thành công như mong đợi.

Tư duy của người dân dần thay đổi bằng việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ảnh: M.H.

Tư duy của người dân dần thay đổi bằng việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ảnh: M.H.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng, VnSAT là dự án lớn nhất trong ngành nông nghiệp của tỉnh này từ khi thành lập tỉnh (2004). Dự án có vai trò hết sức quan trọng đến sự phát triển của ngành nông nghiệp theo tinh thần tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Bộ NN-PTNT cũng như Thủ tướng Chính phủ.

Từ sự hỗ trợ kỹ thuật của dự án, nhận thức của người dân không ngừng được nâng lên. Chẳng hạn như việc giảm lượng giống gieo sạ từ 180 – 200kg/ha đến nay chỉ còn 80 – 100kg/ha, giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí đầu vào để tăng lợi nhuận cũng như bảo vệ môi trường.

Năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022, lĩnh vực nông nghiệp của Hậu Giang phát triển vượt bậc, năm 2021 mức tăng trưởng đến 4,04%. 9 tháng đầu năm 2022 ghi nhận sự tăng trưởng là 3,68%. Đây là kết quả của từ Dự án VnSAT kéo theo sự phát triển sản xuất của tỉnh Hậu Giang”, ông Tuyên nói.

Từ thành công này, tỉnh Hậu giang đã tích hợp những nội dung của VnSAT trình HĐND tỉnh ban hành đề án phát triển nông nghiệp bền vững thích ưng với biến đổi khí hậu với kinh phí hơn 600 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh. Kinh phí này không chỉ hỗ trợ cho các HTX lúa gạo mà còn thí điểm ở 1 số HTX về cây ăn trái và thủy sản.

Đối với tỉnh Đắk Nông, đây là 1 trong những tỉnh được Dự án VnSAT hỗ trợ phát triển ngành hàng cà phê. Diện tích cây cà phê của tỉnh khoảng 130.000ha, đứng thứ 3 cả nước và được xem là ngành hàng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Thời điểm mới bắt đầu triển khai dự án, nhiều diện tích cà phê ở Đăk Nông đã già cỗi, kỹ thuật canh tác của các hộ sản xuất tương đối lạc hậu; chất lượng sản phẩm còn thấp, chủ yếu chế biến ở dạng thô, giá trị không cao.

Ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, Dự án VnSAT đã hỗ trợ cho nhiều địa phương trong tỉnh thực hiện tái canh các vườn cây cà phê năng suất thấp. Đến nay, đã có 22.000ha cà phê của tỉnh tái canh thành công, cho năng suất vượt trội. Nếu như năng suất trung bình của cây cà phê ở Đắk Nông vào năm 2015 chỉ khoảng 2,2 tấn/ha thì hiện đã lên đến hơn 3 tấn/ha. Cùng với đó, tỉnh này cũng đã xây dựng được các vườn  cà phê cảnh quan, hướng tới hình thành những vườn cà phê đặc sản cho giá trị cao.

“Dự án VnSAT cũng đã hỗ trợ cho tỉnh xây dựng các cơ sở hạ tầng để kết nối các vùng nông nghiệp, kênh mương, giao thông nông thôn rất thiết thực nhằm thay đổi bộ mặt nông nghiệp của tỉnh. Bên cạnh đó, tư duy sản xuất của người dân cũng được nâng lên nhờ việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng hiệu quả.

Năng suất của cây cà phê được tăng lên nhờ việc tái canh và áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ảnh: M.H.

Năng suất của cây cà phê được tăng lên nhờ việc tái canh và áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ảnh: M.H.

Chúng tôi đánh giá cao vai trò của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng như sự điều hành của Ban quản lý Dự án nông nghiệp Trung ương và các đơn vị liên quan. Đê nghị Bộ NN-PTNT, cùng với các bộ ngành trung ương, các nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ không chỉ trong ngành hàng cà phê mà còn các sản phẩm chủ lực ở Tây Nguyên như cây hồ tiêu”, ông Yên chia sẻ.

“Đề nghị các địa phương tiếp tục nhân rộng, dự án rất thành công, từ đây sẽ mở ra rất nhiều cơ hội mới trong bối cảnh mà Bộ NN-PTNT có chiến lược mới nhấn mạnh về nông nghiệp xanh, nông nghiệp hiệu quả ứng phó biến đổi khí hậu. Đề nghị Ngân hàng Thế giới và Tổ chức FAO tiếp tục phối hợp với Bộ NN-PTNT và các địa phương hình thành thêm các dự án tiếp theo với mục tiêu năng suất sản xuất tăng, giá thành, chi phí phải hạ và giảm rác thải”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, cà phê và lúa gạo là 2 ngành hàng rất quan trọng của nước ta nhưng lại thường xuyên chịu tác động lớn của điều kiện sản xuất kinh doanh. Giá cả thị trường của 2 mặt hàng này cũng thường xuyên biến động, đặc biệt là cà phê. Đến nay, sau khi Dự án VnSAT triển khai đã có những thay đổi rất sâu rộng.

Với mặt hàng lúa gạo, Việt Nam đã có rất nhiều giống lúa chất lượng phục vụ xuất khẩu với giá cả cạnh tranh song phằng với các quốc gia trên thế giới. Đối với cây cà phê, từ những vườn già cỗi, chi phí sản xuất cao, các tỉnh đã tái canh được nhiều diện tích cho năng suất vượt trội. Điển hình như tỉnh Lâm Đồng, năng suất 1ha cà phê hiện nay đạt đến 3,5 tấn, cao gấp nhiều lần các vườn cà phê ở các nước khác trên thế giới.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, Dự án VnSAT đã góp phần quan trọng trong việc tái cơ cấu ngành lúa gạo và cà phê bằng việc lựa chọn triển khai kịp thời, đúng thời điểm cũng như tập trung vào 2 ngành hàng quan trọng. Bên cạnh đó, dự án được thiết kế ngay từ đầu rất bài bản, khoa học, logic; các đơn vị tham gia dự án có năng lực, hoạt động hiệu quả.

“Chúng ta đã chọn những kỹ thuật tác động trực tiếp vào hiệu quả của 2 ngành hàng này. Đây không phải là những kỹ thuật gì quá cao siêu mà rất gần gũi với người nông dân như "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm" nhưng thực hiện rất căn cơ, bài bản. Thêm nữa là việc tăng cường chức sản xuất, hỗ trợ một cách đồng bộ. Do đó, giá trị của dự án vẫn không phải dừng khi dự án kết thúc mà sẽ còn tiếp tục duy trì”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị các địa phương tiếp tục lan tỏa những thành công từ dự án VnSAT. Ảnh: L.K.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị các địa phương tiếp tục lan tỏa những thành công từ dự án VnSAT. Ảnh: L.K.

Thứ trưởng cũng đánh giá cao công tác truyền thông của dự án đã phản ánh đúng, kịp thời vừa dộng viên và cũng để lan tỏa. Đặc biệt là Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đồng hành cùng dự án ngay từ đầu; thực hiện những bài viết tuyên tuyền rất đều đặn, khai thác chi tiết bản chất của dự án cũng như hoạt động của các đơn vị, chỉ đạo của các cấp ngành và đưa ra những phân tích để Dự án VnSAT đạt được thành công bây giờ.

Bà Dina Umali-Deininger, Giám đốc phụ trách Nông nghiệp khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới cho biết “Dự án VnSAT không chỉ giúp nâng cao hiệu quả canh tác, tăng thu nhập cho nông dân, giảm ô nhiễm môi trường mà còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, lên tới hơn 1,5 triệu tấn CO2 tương đương từ trồng lúa hàng năm. Mô hình thành công này có thể là bàn đạp để nhân rộng ra các vùng khác trên cả nước, khi Bộ NN-PTNT đang thực hiện chuyển đổi nông nghiệp xanh ở Việt Nam”.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sạt lở tại công trình đường điện 500kV, 3 người tử vong

HÀ TĨNH Vụ sạt lở tại công trình đường điện 500 kV mạch 3 ở thị xã Kỳ Anh khiến 3 người chết, 4 người bị thương, 11 người khác bị xây xước nhẹ.

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.