| Hotline: 0983.970.780

VnSAT – Hình mẫu hợp tác quốc tế, nâng vị thế nông nghiệp Việt Nam

Thứ Ba 11/10/2022 , 07:05 (GMT+7)

Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) được đánh giá là dự án hình mẫu, thành công nhất từ trước tới nay trong hợp tác quốc tế về nông nghiệp.

Sau 7 năm triển khai (2015 - 2022), Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) được đánh giá là dự án hình mẫu, thành công nhất từ trước tới nay trong hợp tác quốc tế về nông nghiệp.

Những kết quả đạt được của dự án vượt xa các mục tiêu ban đầu đề ra, mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững, có sức lan tỏa mạnh mẽ, không chỉ nâng tầm nông nghiệp Việt Nam, mang tầm của quốc gia mà còn mang tầm quốc tế.

Những con số nói lên tất cả

Theo đánh giá, Dự án VnSAT đã rà soát các đề án tái cơ cấu ngành và các tiểu đề án ngành, kế hoạch chuyên đề, chính sách phục vụ tái cơ cấu, góp phần tăng cường năng lực thể chế hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu cho các cơ quan đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT, các tỉnh tham gia dự án, các đối tác và mạng lưới trong chuỗi giá trị. Cụ thể, người hưởng lợi từ quá trình tái cơ cấu và các chính sách này là 19.200 HTX và liên hiệp HTX, 14.000 doanh nghiệp nông nghiệp và 16,88 triệu hộ nông dân, chiếm 62,9% dân số cả nước.

Nông dân ĐBSCL đã có sự chuyển biến rõ rệt trong canh tác lúa nhờ tác động của Dự án VnSAT. Ảnh: Trung Chánh.

Nông dân ĐBSCL đã có sự chuyển biến rõ rệt trong canh tác lúa nhờ tác động của Dự án VnSAT. Ảnh: Trung Chánh.

Dự án VnSAT đã hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các huyện, xã, hộ nông dân, tham gia tập huấn quy trình kỹ thuật "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm" với tổng số 262.295 lượt người tham dự; tập huấn sản xuất cà phê bền vững và tái canh cà phê với cho tổng số 84.411 lượt người tham dự, đào tạo chuyên đề cho 39.298 lượt người tham gia tại 8 tỉnh ĐBSCL và 5 tỉnh Tây Nguyên. Trung bình 81,85% nông dân đã áp dụng thành công kiến thức đã được đào tạo vào thực tế sản xuất.

876km đường giao thông nội đồng được xây dựng, nâng cấp và đưa vào sử dụng, 26km kênh mương, 47km đường dây điện các loại đã được cung cấp cho các địa phương; đầu tư cho các tổ chức nông dân xây dựng 75 nhà kho với 51.248m2, 20.828m2 nhà bao che máy sấy, 34.050m2 sân phơi cà phê, 27 máy sấy thóc, 58 máy sấy cà phê, 19 máy cuộn rơm, 12 máy cấy lúa, các cơ sở và thiết bị đã đưa vào hoạt động có hiệu quả.

Dự án cũng đã hỗ trợ xây dựng 51 vườn ươm và 360 mô hình tưới tiết kiệm; hoàn thành giải ngân 100% vốn tín dụng được phân bổ 105 triệu USD, cho vay được 10 tiểu dự án lúa gạo và cho 5.642 khoản vay của nông dân trồng và chăm sóc cà phê tái canh tại 5 tỉnh Tây Nguyên với tổng diện tích 11.932ha.

Để đáp ứng nguyện vọng của nông dân, các cấp chính quyền các địa phương tham gia Dự án VnSAT đã góp phần nâng cao được trình độ, kiến thức và kỹ năng cho các cán bộ của huyện, xã và các hộ dân tham gia, mang lại hiệu quả kinh tế cao và có ảnh hưởng tốt đến các vấn đề xã hội và môi trường.

Empty

Các mô hình tưới tiết kiệm của Dự án VnSAT đã giúp nông dân Tây Nguyên giảm nhiều chi phí sản xuất. Ảnh: Minh Quý.

Ông Lê Văn Hiến, Trưởng BQL Các dự án Nông nghiệp, Giám đốc BQL Dự án VnSAT Trung ương khẳng định: Dự án VnSAT được đánh giá là thành công và có hiệu quả kinh tế cao thể hiện ở việc dự án hoàn thành được các mục tiêu phát triển, người dân tham gia các hoạt động dự án bày tỏ sự tin tưởng và ủng hộ đối với các hoạt động của dự án.

Các hộ nông dân tham gia vào các hoạt động của dự án đã có thêm nhiều kinh nghiệm sản xuất, thu nhập và dần có ý thức trong việc sản xuất sản phẩm nông nghiệp có tính cạnh tranh hơn. Phân tích kinh tế dự án cũng chỉ ra rằng, dự án có hiệu quả kinh tế với hệ số EIRR chung cho toàn dự án đạt 25,06%.

Vì sao VnSAT được đánh giá hoàn thành xuất sắc?

VnSAT được đánh giá hoàn thành xuất sắc, bởi các lý do sau: Về mục tiêu của dự án, 5 mục tiêu phát triển đều đạt - vượt mức so với mục tiêu ban đầu, có chỉ tiêu vượt 150%. 11 mục tiêu trung gian đạt và vượt mục tiêu ban đầu.

Về hợp phần A, 14 đề án của ngành, 6 tiểu ngành và 7 tỉnh thí điểm được rà soát cùng với hàng loạt cơ chế chính sách được sửa đổi, bổ sung đã giúp cho quá trình triển khai tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; các chỉ tiêu chính của ngành đều đã đạt và vượt mục tiêu đề ra, mặc dù còn nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. Kết quả mang tầm quốc gia, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp của cả nước và các tỉnh tham gia dự án.

Empty

Dự án VnSAT đã nâng cao năng lực cả về hạ tầng và quản trị cho các HTX sản xuất lúa tại ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đối với hợp phần B, số lượng đào tạo vượt chỉ tiêu ban đầu, mức độ áp dụng sau đào tạo là 86,8% diện tích với "3 giảm 3 tăng" và 83,5% diện với "1 phải 5 giảm", góp phần giảm giống, phân bón, nước tưới và tăng năng suất cây trồng. Đặc biệt, giúp nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi cho nông dân trong sản xuất cũng như áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đối với sản xuất lúa, hình thành nông dân mới, thông minh. VnSAT cũng đã hỗ trợ thành lập, củng cố 308 tổ chức nông dân, bao gồm 265 HTX và 43 tổ hợp tác, vượt xa so với mục tiêu là 148 tổ chức nông dân. Hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị đã góp phần tạo tiền đề cho các tổ chức nông dân phát triển sản xuất.

Còn với hợp phần C, kết quả việc đào tạo canh tác cà phê bền vững và tái canh cà phê bền vững vượt chỉ tiêu ban đầu đề ra. Có 82,5% diện tích áp dụng đủ các tiêu chí của quy trình sản xuất cà phê bền vững và 81,2% số diện tích áp dụng đúng và đủ các tiêu chí của quy trình tái canh bền vững. Lợi nhuận gia tăng trên mỗi ha là 21,7% so với không có dự án. Giảm phân bón 1,56 triệu đồng/ha; thuốc BVTV 1,6 triệu đồng/ha; nước tưới 1,07 triệu đồng, công lao động 1,65 triệu đồng/ha; tăng năng suất và chất lượng tương đương 4,6 triệu đồng/ha. Điều quan trọng nữa là nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi cho nông dân trong sản xuất.

Bên cạnh đó, dự án đã hoàn thành việc thí điểm tại 5 khu vực, được Bộ NN-PTNT nghiệm thu các kết quả nghiên cứu. Có 93% diện tích vùng dự án áp dụng đúng biện pháp kỹ thuật về tưới tiết kiệm, tương đương 54.000ha, đạt 245% so với mục tiêu dự án đặt ra là 22.000ha. Hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị đã góp phần tạo tiền đề cho các tổ chức nông dân phát triển sản xuất.

Ít có dự án nào được nông dân đón nhận và thực hiện hiệu quả như Dự án VnSAT. Ảnh: LHV.

Ít có dự án nào được nông dân đón nhận và thực hiện hiệu quả như Dự án VnSAT. Ảnh: LHV.

Hợp phần tín dụng, 100% vốn tín dụng (105 triệu USD, tương đương với 2.413,6 tỷ đồng) đã được giải ngân sớm trước ngày khóa sổ (31/12/2020). Tính đến 30/6/2022, vốn tín dụng lũy kế giải ngân đạt 2.863,48 tỷ đồng, tạo ra tổng mức đầu tư vào hai khu vực Tây Nguyên và ĐBSCL lên đến 5.417,08 tỷ đồng (tương đương 235,30 triệu USD).

Về hoạt động liên kết chuỗi, đến nay có khoảng 74.000ha lúa được liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm giữa tổ chức nông dân và doanh nghiệp. Các sản phẩm gạo ST24, ST25 đã được tiêu thụ ở các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội, đã và đang tiêu thụ ở một số nước trên thế giới và đã có khoảng 14.700ha cà phê được tham gia hợp đồng bao tiêu với các doanh nghiệp. Các sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu đi Mỹ và một số nước.

Những bài học quý

Sau khi dự án VnSAT hoàn thành, những bài học quý đã được rút ra. Đó là cách tiếp cận, thiết kế Dự án VnSAT hợp lý, có sự liên kết giữa các hợp phần, phù hợp với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phù hợp với chính sách của WB và Chính phủ. Thiết kế hợp phần A và lựa chọn Vụ Kế hoạch thuộc Bộ NN-PTNT thực hiện hợp phần A là phù hợp.

Đào tạo "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm", canh tác cà phê bền vững, tái canh cà phê và các hoạt động đào tạo khác cho cán bộ ở các cấp, cho lãnh đạo tổ chức nông dân và cho nông dân của dự án đã góp phần nâng cao nhận thức trong sản xuất và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; giúp doanh nghiệp, nông dân hiểu và tiếp cận nguồn tín dụng của dự án để vay vốn từ ngân hàng.

Empty

Chương trình tái canh cà phê Tây Nguyên mang dấu ấn đậm nét của Dự án VnSAT. Ảnh: Minh Hậu.

Việc xây dựng cơ sở hạ tầng trở thành yếu tố quan trọng tạo điều kiện thuận lợi để phục vụ sản xuất và kết nối thị trường. Việc hỗ trợ về chế biến và sau thu hoạch giúp tổ chức nông dân, nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập. Việc xây dựng, củng cố các tổ chức nông dân góp phần thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Bên cạnh đó, các hoạt động tái canh cà phê của Dự án VnSAT góp phần thực hiện Đề án tái canh cà phê các tỉnh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020 và 2021 - 2025 của Bộ NN-PTNT; xây dựng mô hình cà phê cảnh quan và phát triển cà phê đặc sản… là những hoạt động mang tính đột phá và đúng với định hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Xuất phát từ kết quả Dự án VnSAT thực hiện ở ĐBSCL và Tây Nguyên cũng như yêu cầu mới của Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB), WB đã họp với Bộ NN-PTNT để thảo luận nội dung và cách thức xây dựng “Dự án Phát triển nông nghiệp carbon thấp và tăng trưởng xanh” với ý tưởng “Việt Nam đề xuất chương trình giảm 9 triệu tấn khí thải nhà kính trong ngành nông nghiệp” nhằm đảm bảo cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP 26, đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.