| Hotline: 0983.970.780

VnSAT mang luồng gió mới cho nông nghiệp xanh và sinh thái

Thứ Ba 11/10/2022 , 10:35 (GMT+7)

Những thành công của Dự án VnSAT nếu được tiếp tục phát huy, sẽ là nền móng quan trọng để nông nghiệp Việt Nam hướng tới mục tiêu 'sản xuất xanh', giảm phát thải.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan:

Dự án VnSAT giúp hình thành ngành hàng cà phê Tây Nguyên để chúng ta đi xa một cách bền vững hơn. Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục phát huy những hiệu quả của Dự án VnSAT và một số dự án phát triển cà phê bền vững khác. Bộ NN-PTNT sẽ phát triển hoạt động logistics cho ngành hàng cà phê tại Tây Nguyên để tạo ra giá trị gia tăng hơn, có nhiều sản phẩm tinh tế, vượt trội hơn thời gian vừa qua. Từ đó tạo ra chuỗi ngành hàng để tăng giá trị cho cây cà phê.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan (bìa phải) thăm HTX Nông nghiệp Nam Yang (Gia Lai) năm 2021. Ảnh: Minh Quý.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan (bìa phải) thăm HTX Nông nghiệp Nam Yang (Gia Lai) năm 2021. Ảnh: Minh Quý.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh:

Dự án VnSAT không chỉ có ý nghĩa, tác động cả về hiệu quả kinh tế như cải thiện năng suất, chất lượng cho ngành hàng lúa gạo và cà phê, mà còn cải thiện, tạo chuyển biến hết sức tích cực về vấn đề môi trường và cả về yếu tố xã hội. WB đánh giá Dự án VnSAT là dự án hình mẫu.

Từ Dự án VnSAT, chúng ta cũng đã xác định việc sản xuất đối với lúa gạo và cà phê nói riêng, các ngành hàng khác của nông nghiệp nói chung luôn phải hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Không chỉ tăng năng suất mà phải đi đôi với giảm giá thành, giảm chi phí sản xuất… Từ việc giảm chi phí sản xuất, sẽ có tác động giúp bảo vệ môi trường tốt hơn, đặc biệt là việc giảm được phân bón, thuốc BVTV trong trồng trọt.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam: 

Những kết quả đạt được của Dự án VnSAT đã có những tác động rất lớn đối với ngành hàng cà phê và kinh tế nông nghiệp địa phương. Thời gian tới, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án vùng nguyên liệu bền vững đạt chuẩn. Để làm được việc này, phải xây dựng và phát triển các tổ khuyến nông cộng đồng, truyền thông và phát triển vùng nguyên liệu; hỗ trợ, tư vấn phát triển các HTX, kết nối thị trường cho nông dân; đẩy mạnh kết nối, liên kết chuỗi giữa các doanh nghiệp với HTX, nông dân sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh (thứ 4 từ trái sang) thăm vườn cà phê tái canh của Dự án VnSAT tại Tây Nguyên. Ảnh: Minh Hậu.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh (thứ 4 từ trái sang) thăm vườn cà phê tái canh của Dự án VnSAT tại Tây Nguyên. Ảnh: Minh Hậu.

Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng:

Kinh nghiệm của Việt Nam trong việc thực hiện Dự án VnSAT nhiều năm qua đã tạo ra tiền đề rất tốt về khoa học công nghệ. Không chỉ vấn đề khoa học, Dự án VnSAT cũng có rất nhiều mô hình hiệu quả, từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn. Do đó, chúng ta có thể phát huy, nhân rộng diện tích để xây dựng được những cánh đồng lúa lớn phát thải carbon thấp. Mục tiêu là xây dựng được 600.000ha lúa phát thải carbon thấp trong số 1 triệu ha lúa chất lượng cao theo mục tiêu của Bộ NN-PTNT đang xây dựng. Đề xuất tới đây, Bộ NN-PTNT sẽ phát động chương trình xây dựng cánh đồng lúa lớn phát thải carbon thấp.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế:

Quá trình triển khai thực hiện Dự án VnSAT đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo rất cụ thể và quyết liệt của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, HTX và đã tạo ra được những tác động rất lớn đến ngành hàng cà phê tại khu vực Tây Nguyên cũng như ngành hàng lúa gạo ở ĐBSCL.

Đặc biệt, vấn đề quan trọng nhất là Dự án VnSAT đã thay đổi được tập quán canh tác của nông dân. Qua đó, giúp giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng lực cạnh tranh ngành nông nghiệp. Dự án VnSAT đã góp phần quan trọng giúp sản phẩm nông sản của nông dân, HTX, doanh nghiệp sản xuất ra chuẩn chỉnh hơn, đảm bảo chất lượng hơn để vượt qua những rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu...

Thứ trưởng Trần Thanh Nam dự lễ khánh thành và bàn giao công trình hạ tầng do Dự án VnSAT đầu tư cho HTX trồng lúa tại ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam dự lễ khánh thành và bàn giao công trình hạ tầng do Dự án VnSAT đầu tư cho HTX trồng lúa tại ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Lê Văn Hiến, Trưởng BQL Các dự án Nông nghiệp:

Với chủ trương chuyển từ nền sản xuất nông nghiệp sang phát triển ngành kinh tế nông nghiệp, hình thành một nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, đặc biệt là ngành NN-PTNT, tổ chức nông dân, HTX, nông dân, doanh nghiệp, các địa phương phải thay đổi được nhận thức tư duy theo phương pháp cũ sang tư duy, nhận thức theo phương pháp mới, hiện đại để hình thành vùng nguyên liệu, ngành hàng chủ lực có đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, trong đó có ngành hàng lúa gạo và cà phê để ĐBSCL và Tây Nguyên - hai vùng nông nghiệp lớn nhất của cả nước trở thành vùng sinh thái đáng sống, nông nghiệp phát triển bền vững và nông dân giàu có.

Ông Cao Thăng Bình, chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của WB:

Dự án VnSAT như “một làn gió mới” giúp nông dân ở các vùng triển khai đi đúng hướng, tiết kiệm được nhiều chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận, giảm ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính... Trên thế giới, hiếm có ngành hàng nào có thể thay đổi nhanh chóng trong vòng 5 - 10 năm, những ngành như lúa gạo, cà phê thậm chí còn phải cần tới vài chục năm. Tuy nhiên, khi Dự án VnSAT đặt chân đến Việt Nam, chỉ trong vòng chưa đến 10 năm, chất lượng lúa gạo của ĐBSCL đã “lột xác” hoàn toàn, trên 90% gạo xuất khẩu là gạo chất lượng cao (trước đây 70 - 80% là gạo chất lượng thấp).

Kết quả của Dự án VnSAT đã vượt xa so với mong đợi. Ảnh: Đào Chánh.

Kết quả của Dự án VnSAT đã vượt xa so với mong đợi. Ảnh: Đào Chánh.

Thành công của Dự án VnSAT đã vượt xa so với mong đợi ban đầu. Trong đó, thành công lớn nhất là thay đổi được thói quen, hành vi sản xuất của nông dân. Điều này cao hơn tất cả những con số, chỉ số thống kê được.

Để thay đổi hành vi của nông dân không phải là việc dễ dàng, nếu làm theo cách cũ phải qua nhiều thế kỷ chứ không thể tính bằng năm. Tuy nhiên, Dự án VnSAT đã làm được, thậm chí là làm tốt hơn so với mong đợi.

Qua gần 7 năm thực hiện, Dự án VnSAT đã làm thay đổi hành vi và phương thức sản xuất lúa gạo bền vững ở quy mô lớn. Thông qua việc đào tạo, tập huấn quy trình canh tác lúa tiên tiến ở ĐBSCL, đã giúp nâng cao nhận thức cho nông dân trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Điểm khác biệt của dự án là đưa ra những tiêu chí cụ thể về canh tác bền vững, phổ biến, tuyên truyền cho người dân nắm rõ tiêu chí để họ tự đánh giá, tự điều chỉnh.

Những kết quả, bài học kinh nghiệm thu được từ Dự án VnSAT không chỉ giới hạn ở Việt Nam mà WB sẽ chia sẻ những thành quả này với các quốc gia khác trên thế giới. Các nước sẽ lấy Việt Nam làm mô hình mẫu để noi theo trong quá trình thực hiện.

Riêng ở Việt Nam, WB sẽ tiếp tục thảo luận với Chính phủ, nhất là Bộ NN-PTNT trong việc tiếp tục nhân rộng và phát huy hơn nữa hiệu quả của Dự án VnSAT. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh việc giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị cấp cao COP26 là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Bên cạnh đó, nếu những thành quả của dự án được tiếp tục phát huy, sẽ góp phần không nhỏ trong việc nâng cao vị thế ngành nông nghiệp Việt Nam trên thế giới.

Thành công của Dự án VnSAT đã đặt nền móng quan trọng để nông nghiệp Việt Nam tiến xa hơn tới mục tiêu sản xuất giảm phát thải. Ảnh: LHV.

Thành công của Dự án VnSAT đã đặt nền móng quan trọng để nông nghiệp Việt Nam tiến xa hơn tới mục tiêu sản xuất giảm phát thải. Ảnh: LHV.

Ngoài ra, trên cơ sở những thành công của hai ngành hàng lúa gạo và cà phê, Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng ra những ngành hàng khác. Có thể kể đến là lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi… Đây cũng là cơ hội để chứng minh các sản phẩm nông sản của Việt Nam an toàn và không gây nhiều chỉ dấu về môi trường.

Ngoài ra, khi đông đảo người dân phát triển sản xuất theo hướng xanh, an toàn, giảm phát thải khí nhà kính theo mô hình VnSAT và nâng cao thêm một bước thì Việt Nam hoàn toàn có thể kết nối với các thị trường buôn bán carbon để bán các tín chỉ carbon. Từ đó, sẽ giúp người dân gia tăng thu nhập, lợi nhuận…

Báo Nông nghiệp Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong thành công của dự án

Báo Nông nghiệp Việt Nam đã luôn đồng hành, sát cánh cùng Dự án VnSAT trong việc lan tỏa những kiến thức, lợi ích mà Dự án VnSAT mang lại và đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong thành công của dự án. Khi những điều bổ ích, tốt đẹp chúng ta chia sẻ, thông tin một lần, người dân có thể còn nghi ngờ, nhưng khi chia sẻ, thông tin nhiều lần chắc chắn người dân sẽ hình thành niềm tin, thậm chí chưa tin ngay cũng sẽ tò mò muốn làm thử. Bên cạnh đó, nhờ truyền thông, người dân sẽ học được những kiến thức từ các mô hình trình diễn, từ những hộ kế bên đã có kết quả. Từ đó, niềm tin vào dự án sẽ ngày càng lớn, khi niềm tin đã đủ lớn thì việc nhân rộng sẽ rất nhanh.

Trong 10 năm tới, nếu làm tốt công tác truyền thông và có những chủ trương chính sách phù hợp thì khả năng bao phủ của dự án không chỉ dừng ở 1/10 ĐBSCL mà sẽ bao phủ toàn bộ khu vực này, tiến tới phủ khắp cả nước đối với ngành lúa gạo và cà phê.

(Ông Cao Thăng Bình, chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của WB).

Hoạt động truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là Báo Nông nghiệp Việt Nam đã thực hiện truyền thông cho Dự án VnSAT trong 3 năm (2020 – 2022) với hàng trăm sản phẩm báo chí đa phương tiện: Tin, bài viết, ảnh, bài phát thanh, bản tin - phóng sự truyền hình, video, clip, diễn đàn – tọa đàm… bằng tiếng Việt và tiếng Anh, truyền thông đến hàng triệu lượt độc giả trong và ngoài nước về dự án VnSAT, góp phần lan tỏa rộng rãi dự án, đặc biệt là những tiến bộ khoa học kỹ thuật, kết quả, làm thay đổi hành vi của người dân, tác động thúc đẩy tái cơ cấu lúa gạo và cà phê nói riêng, nông nghiệp Việt Nam nói chung.

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.