Sản phẩm TCMN Việt Nam đang còn nghèo nàn mẫu mã
Nằm trong khuôn khổ Hội chợ Nông sản và Thủ công mỹ nghệ (TCMN) khu vực phía Bắc được tổ chức từ ngày 27-1/10/2012 tại số 2, Hoàng Quốc Việt, Hà Nội, ngày 28/9, Trung tâm XTTM Nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) và Hiệp hội Làng nghề VN tổ chức diễn đàn “Tư vấn thiết kế mẫu mã và tìm đầu ra cho sản phẩm TCMN Việt Nam năm 2012”.
Báo cáo tại diễn đàn, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết: Hiện nay cả nước có 3.355 làng nghề và làng có nghề, trong đó có hơn 1.600 làng nghề được công nhận, gần 400 làng nghề truyền thống và hàng trăm nghệ nhân được phong tặng danh hiệu với 53 nhóm nghề. Các làng nghề thu hút khoảng 12 triệu lao động, ngoài ra còn tạo việc làm cho hàng triệu lao động phụ lúc nông nhàn. Những năm gần đây kim ngạch XK của các làng nghề đã lên tới hơn 1 tỷ USD/năm.
Đánh giá về mẫu mã sản phẩm nghề truyền thống trong SX tại các làng nghề, ông Trịnh Quốc Đạt, Phó chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho hay: Thực trạng làng nghề hiện nay mẫu mã còn nghèo nàn, chậm cải tiến đã kìm hãm xúc tiến thương mại phát triển SX làng nghề. Do đó ảnh hưởng lớn đến việc tiếp thị tiêu thụ sản phẩm nghề truyền thống cả thị trường trong nước và nước ngoài, cũng vì thế khiến sản phẩm truyền thống của các làng nghề bị hàng hoá nước ngoài cạnh tranh ngay tại chính làng nghề của mình.
Từ thực tế trên, ông Đạt cho rằng, việc cải tiến, thiết kế mẫu mã sản phẩm nghề truyền thống cần đáp ứng những yêu cầu sau: Mẫu mã sản phẩm nghề truyền thống phải đảm bảo mỹ thuật, vừa có nét đẹp cổ truyền mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, vừa có nét hiện đại phù hợp với thời đại. Đặc biệt sản phẩm phải phù hợp với thị hiếu, tập quán của vùng miền hoặc thị hiếu, tập quán của từng nước tiêu thụ sản phẩm, thiết kế kích thước mẫu mã, giá thành sản phẩm phù hợp với đối tượng khách hàng...
Nghệ nhân Nguyễn Văn Dức, làng nghề mộc, La Xuyên (Ý Yên, Nam Định) cho hay: Hiện nay trong số thợ thủ công của nước ta ước tính khoảng trên 90% không được học qua sơ cấp mỹ thuật hay trường lớp đào tạo nghề chuyên nghiệp mà gần như truyền nghề theo kiểu “cha truyền con nối”. Từ đó dẫn đến tay nghề của người thợ bị hạn chế dẫn đến hạn chế sự hiểu biết về cái đẹp, không có khả năng sáng tạo.
Đó là lý do các làng nghề thời gian qua không thể tạo ra được các sản phẩm đẹp và vấn đề sáng tác ra mẫu mã mới lại càng khó khăn hơn nên đầu ra cũng bị hạn chế, nhất là những cơ sở làm hàng XK. Theo ông Trịnh Quốc Đạt, để mẫu mã đa dạng, phong phú thì Nhà nước và Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cần thường xuyên tổ chức các cuộc thi thiết kế mẫu mã sản phẩm các nghề TCMN. Qua đó thu hút các nhà thiết kế chuyên nghiệp tạo nên đội ngũ đông đảo các nhà thiết kế chuyên nghiệp tham gia thiết kế cải tiến mẫu mã sản phẩm.
Ông Vũ Quốc Tuấn, Trưởng ban cố vấn của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đưa ra giải pháp: Cần xây dựng chiến lược thị trường, chiến lược mặt hàng và giải quyết nhu cầu về vốn. Theo đó cần chú trọng các biện pháp củng cố, nâng cao trình độ quản lý của các DN làng nghề. Tăng cường hợp tác, liên kết để tăng thêm sức mạnh trong cạnh tranh, kể cả liên kết trong SX và trong tiêu thụ sản phẩm; liên kết giữa các DN làng nghề với các DN lớn. Đổi mới mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm vừa phát huy tinh hoa văn hoá truyền thống của dân tộc vừa tiếp thu tinh hoa văn hoá thế giới.
Và, cuối cùng là hơn bao giờ hết, lúc này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh để tránh tình trạng sao chép mẫu mã một cách tràn lan như hiện nay.