| Hotline: 0983.970.780

Tính toán rút ngắn ngày lấy nước vụ đông xuân

Thứ Hai 17/01/2022 , 19:13 (GMT+7)

Đó là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp sau khi kiểm tra công tác cấp nước đổ ải vụ đông xuân tại Thái Bình và Hưng Yên vào ngày 17/1.

Thái Bình chủ động cấp nước vụ đông xuân

Để tranh thủ mực nước sông Hồng dâng cao do các hồ chứa thuỷ điện xả tăng cường, đơn vị vận hành cống Tân Đệ (xã Tân Lập, huyện Vũ Thư, Thái Bình) đã mở khẩu độ tối đa, đưa nước vào hệ thống thuỷ lợi Nam Thái Bình và tưới trực tiếp cho 2.291ha. Trên nhiều cánh đồng, bà con tranh thủ vận hành máy làm đất để chuẩn bị xuống giống vụ xuân.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp (giữa) kiểm tra công tác lấy nước đổ ải vụ đông xuân tại cống Tân Đệ (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), lấy nước từ sông Hồng vào hệ thống thuỷ lợi Nam Thái Bình. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp (giữa) kiểm tra công tác lấy nước đổ ải vụ đông xuân tại cống Tân Đệ (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), lấy nước từ sông Hồng vào hệ thống thuỷ lợi Nam Thái Bình. Ảnh: Minh Phúc.

Theo Sở NN-PTNT Thái Bình, vụ xuân năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 75.420ha lúa (hoàn thành gieo cấy lúa trước ngày 25/2). Để đảm bảo gieo cấy lúa xuân đúng lịch thời vụ trong mọi điều kiện, tỉnh Thái Bình quyết tâm đổ ải cơ bản toàn bộ diện tích gieo cấy trong đợt 2 lấy nước (từ ngày 15/1/2022 đến ngày 22/1/2022).

Cụ thể, trong đợt 2 lấy nước, liên hồ thủy điện xả nước trong 8 ngày từ 0h ngày 15/1 đến 24h ngày 22/01/2022 (trùng với kỳ triều cường 15/1 đến 23/1/2022). Hai Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi Bắc Thái Bình, Nam Thái Bình và các hợp tác xã nông nghiệp cử cán bộ, công nhân thường trực 24/24 giờ tại vị trí công trình; tận dụng tối đa thời gian này để lấy nước vào hệ thống, khai thác khả năng tự chảy và vận hành các trạm bơm điện để đổ ải đại trà cơ bản hết toàn bộ diện tích gieo cấy lúa xuân 2022.

Cống Tân Đệ mở tối đa khẩu độ để đưa nước vào hệ thống thuỷ lợi phục vụ cấp nước vụ đông xuân. Ảnh: Minh Phúc.

Cống Tân Đệ mở tối đa khẩu độ để đưa nước vào hệ thống thuỷ lợi phục vụ cấp nước vụ đông xuân. Ảnh: Minh Phúc.

Theo đó, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình, Nam Thái Bình đã khai thác tối đa khả năng tự chảy, chủ động mở 78 cống dưới đê sông Hồng, sông Hóa, sông Luộc, sông Trà Lý để lấy nước vào hệ thống với tổng khẩu độ cống là: 345,6m.

Bên cạnh đó, hai công ty thủy nông và các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động vận hành các trạm bơm điện với tổng số 365 máy bơm, với công suất khoảng 465.440 m3/h để đưa nước nên ruộng đổ ải phục vụ gieo cấy lúa xuân năm 2022. Đến nay, tỉnh Thái Bình đã có trên 60% diện tích cấp đủ nước và cơ bản hoàn thành lấy nước trong đợt này.

Trao đổi với PV Báo Nông nghiệp Việt Nam trên cánh đồng thôn Phạm, xã Phú Châu, huyện Đông Hưng, ông Lã Quý Thắng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đông Hưng cho biết: “Năm nay, công tác lấy nước đổ ải vụ xuân hết sức thuận lợi. Mực nước sông cao, thời tiết có mưa nhỏ, ải phù hợp nên việc đổ ải không tốn quá nhiều nước. Thứ hai, cơ sở hạ tầng phục vụ thủy lợi đã được xây dựng cách đây hơn nửa thế kỷ. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được củng cố, bổ sung. Đặc biệt, với hệ thống 271 trạm bơm trụ đứng với công suất 311.000m3, chúng tôi lấy nước rất thuật lợi”. Bên cạnh đó, huyện Đông Hưng có trên 500 máy cày cỡ lớn và 600 máy cày nhỏ, nên việc làm đất rất kịp thời.

Tính toán rút ngắn số ngày lấy đợt 2

Theo số liệu được Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NN-PTNT) cập nhật lúc 16h ngày 17/1, diện tích có nước toàn khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ là hơn 250.000ha (đạt khoảng 50%), tăng 7,28% so với ngày 16/1.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp thay mặt Bộ NN-PTNT tặng quà và động viên cán bộ, người lao động ngành thuỷ nông tỉnh Thái Bình. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp thay mặt Bộ NN-PTNT tặng quà và động viên cán bộ, người lao động ngành thuỷ nông tỉnh Thái Bình. Ảnh: Minh Phúc.

Tỉnh Nam Định là địa phương đi đầu, với gần 85% diện tích đủ nước, tiếp đến là Ninh Bình và Phú Thọ, Vĩnh Phúc (khoảng 66 đến 68%). Tuy nhiên, một số tỉnh lấy nước chậm như Bắc Ninh gần 22%, Hà Nội 18%, Hải Dương 17%.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá, các địa phương đã rất nỗ lực để cấp nước vụ xuân. “Trong 8 ngày xả nước tăng cường đợt 2, chúng tôi đặt mục tiêu cấp đủ nước cho khoảng 80% diện tích và đợt 3 lấy nước sắp tới chủ yếu để phục vụ khu vực Hà Nội”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ.

Để công tác lấy nước đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, tuỳ thuộc vào tình hình thực tế, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp cùng Tập đoàn Điện lực để tính toán, rút ngắn số ngày lấy nước của đợt 2, hoặc số ngày lấy nước không thay đổi nhưng sẽ giảm lượng xả để tiết kiệm nước cho Thuỷ điện Hoà Bình.

Bên cạnh đó, tranh thủ thời điểm lấy nước đợt 2, những chân ruộng cao cần tìm mọi cách để lấy nước đổ ải, phục vụ sản xuất vụ đông xuân đạt hiệu quả cao nhất. Đối với những chân ruộng chưa thu hoạch, đề nghị chính quyền địa phương đốc thúc bà con sớm thu hoạch để có mặt bằng sản xuất vụ tới.

“Trong trường hợp Hà Nội lấy nước sớm và nhanh, thì đợt 2 cũng có thể rút số ngày xả nước tăng cường từ 1 đến 2 ngày”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Hưng Yên hoàn thành lấy nước trước ngày 9/2

Rời Thái Bình, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp tục kiểm tra cống Triều Dương. Đây là công trình vừa mới được gấp rút hoàn thiện các hạng mục chính để kịp thời vận hành lấy nước trong vụ đông xuân 2021 - 2022 ngay từ đợt 1.

Cống Triều Dương được đầu tư xây mới, kịp đưa vào vận hành để lấy nước gieo cấy vụ đông xuân 2021 - 2022 hiệu quả. Ảnh: Minh Phúc.

Cống Triều Dương được đầu tư xây mới, kịp đưa vào vận hành để lấy nước gieo cấy vụ đông xuân 2021 - 2022 hiệu quả. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Nguyễn Anh Tú - Giám đốc Cty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh Hưng Yên cho biết: Khu vực cống Triều Dương là hệ thống xa nhất của cống Xuân Quan, hàng năm đều phải lấy nước hồi quy vào khoảng 10/2. Tuy nhiên, năm nay nhờ được đầu tư xây cống mới, chúng tôi lấy nước rất thuận lợi và đảm bảo cho khoảng 4.000ha của hai huyện Phù Cừ và Tiên Lữ.

“Hiện công ty đã đổ ải được 9.000ha trong tổng số 26.000ha gieo cấy vụ xuân 2022, đạt khoảng 35% tổng diện tích. Chúng tôi phấn đấu trong đợt 2 lấy nước sẽ đảm bảo khoảng 90% diện tích có nước, còn 10% diện tích sẽ lấy nước hồi quy, nhờ đó, trong hệ thống sẽ đảm bảo nguồn nước”, ông Tú nói.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp (ngoài cùng hàng đầu bên trái) kiểm tra công tác lấy nước tại cống Triều Dương. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp (ngoài cùng hàng đầu bên trái) kiểm tra công tác lấy nước tại cống Triều Dương. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Nguyễn Hùng Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, những năm qua, nhờ được đầu tư xây dựng các trạm bơm lớn và các trạm bơm không ống, công tác lấy nước vụ đông xuân trên địa bàn tỉnh rất thuận lợi.

Để khai thác và phát huy hiệu quả của hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải và hiệu quả của nguồn nước từ các hồ thủy điện, tỉnh Hưng Yên đề nghị Bộ NN-PTNT, Tổng cục Thủy lợi quan tâm triển khai thực hiện đầu tư xây dựng trạm bơm Xuân Quan để thanh thải ô nhiễm và cấp bổ sung nguồn nước trong hệ thống, thời gian thực hiện từ năm 2022-2023.

Thứ hai, đề nghị cắm mốc chỉ giới vi phạm bảo vệ các kênh trục trong hệ thống như: kênh Kim Sơn, kênh Đình Dù, Điện Biên, Cửu An, Kẻ Sặt và thời gian thực hiện đề nghị năm 2022-2023. Thứ ba là quy hoạch và thực hiện đầu tư xây dựng cống Nghi Xuyên tả sông Hồng và cụm công trình trạm bơm Nam Kẻ Sặt phía tả sông Luộc để cấp bổ sung nguồn nước và tiêu thoát nước cho hệ thống nhất là khu vực phía Nam Đông Nam của hệ thống, thời gian chúng tôi đề nghị năm 2022 đến năm 2025.

“Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ phấn đấu hoàn thành việc lấy nước đổ ải xong trước ngày 9/2 và việc gieo cấy cơ bản hoàn thành trước ngày 25/2. Những diện tích nhỏ lẻ còn lại sẽ hoàn thành gieo cấy trước ngày 15/3.

Ông Lương Văn Anh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi cho biết: Với mực nước trong ngày 17/1, các công trình thủy lợi đã được sửa chữa, nâng cấp hạ thấp cao trình lấy nước, các trạm dã chiến đủ điều kiện vận hành; các cống lấy nước vùng triều có điều kiện vận hành tốt. Các địa phương đang tiếp tục tổ chức vận hành tối đa công trình để lấy nước.

Riêng tại trạm bơm Trung Hà (TP. Hà Nội) hiện chỉ vận hành được 1/9 máy do mực nước bị hạ thấp nghiêm trọng (đạt trung bình 7,2/7,5 m), thấp hơn cùng kỳ các năm trước khoảng 1m.  

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Sở NN-PTNT Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức xây dựng phương án bảo đảm nguồn nước cấp từ trạm bơm Trung Hà để đảm bảo người dân không thiếu nước sản xuất vụ đông xuân.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.