| Hotline: 0983.970.780

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Hội quán hội tụ trí tuệ và tâm huyết của bà con

Thứ Năm 25/07/2024 , 06:30 (GMT+7)

ĐỒNG THÁP Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắn nhủ, 'Hội quán nông dân là sáng kiến mới của Đồng Tháp. Mong tỉnh tiếp tục thực hiện, mở rộng dần và có tổng kết, đánh giá...'.

Ngày 13/4/2018, Hội quán Tâm Quê vinh dự được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghé thăm và bắt tay thăm hỏi từng thành viên trong Hội quán. Ảnh: TL.

Ngày 13/4/2018, Hội quán Tâm Quê vinh dự được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghé thăm và bắt tay thăm hỏi từng thành viên trong Hội quán. Ảnh: TL.

Nơi hội tụ trí tuệ

6 năm về trước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có lần ghé thăm và làm việc với Hội quán ở xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Chuyến thăm này mang ý nghĩa đặc biệt, không chỉ thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến đời sống của người dân mà còn khẳng định tầm quan trọng của các Hội quán tại tỉnh Đồng Tháp trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp trao đổi và lắng nghe ý kiến của bà con nông dân và đại diện các tổ chức, đoàn thể tại Hội quán. Ông đánh giá cao những nỗ lực và sáng tạo của người dân Đồng Tháp trong việc xây dựng và phát triển mô hình Hội quán. Đây được xem là một điểm sáng trong công tác phát huy sức mạnh cộng đồng, tạo ra không gian sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất nông nghiệp.

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh rằng, Hội quán Tân Thuận Tây không chỉ là nơi gặp gỡ, giao lưu mà còn là nơi hội tụ trí tuệ và tâm huyết của bà con. Ông biểu dương tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng, đồng thời khuyến khích bà con tiếp tục phát huy thế mạnh của mình, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Trong chuyến thăm lần đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắn nhủ toàn bộ các Hội quán tại tỉnh Đồng Tháp: “Hội quán nông dân là sáng kiến mới của Đồng Tháp. Mong tỉnh tiếp tục thực hiện, mở rộng dần và có tổng kết, đánh giá để có thể trở thành chủ trương chung cả nước”.

 

Từ những lời nhắn nhủ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cách đây 6 năm, giờ đây, toàn tỉnh Đồng Tháp đã phát triển tăng lên 137 hội quán với nhiều tên gọi khác nhau và có gần 7.000 thành viên tham gia. Hoạt động của Hội quán đa dạng các loại hình như: Sản xuất cây ăn trái, lúa, rau màu, hoa kiểng, nuôi cá tra, cá lồng bè, lươn thịt, sản xuất khô mắm, kinh doanh đa ngành nghề, du lịch và sản xuất bột...

Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã có 122/143 xã, phường, thị trấn có ít nhất 1 mô hình Hội quán, có 35 HTX nông nghiệp được thành lập từ Hội quán, có hàng chục Hội quán được cấp mã số vùng trồng.

Hội quán đầu tiên được Tổng Bí thư ghé thăm

Tháng 7, miền Tây bước vào mùa mưa nặng hạt, vậy mà mới mờ sáng, lão nông Đặng Văn Những (Bảy Những, 75 tuổi, Chủ nhiệm Hội quán Tâm Quê, ở xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) đã pha bình trà nóng, ngồi bàn chuyện sản xuất nông nghiệp với bà con hàng xóm.

Tay cầm chiếc điện thoại thông minh, ông Bảy Những chỉ cần vài thao tác truy cập hệ thống quan trắc là biết đủ thông tin các chỉ số về môi trường nước, độ ẩm của đất, độ mặn, độ pH, không khí, khí tượng thủy văn… trong ngày, tại khu vực xã Tân Thuận Tây. Căn cứ vào các chỉ số đó mà nông dân có thể áp dụng vào sản xuất một cách chủ động.

Ông Bảy Những cho biết, trước đây, mỗi khi muốn bón phân hay phun thuốc cho vườn xoài thì phải nhìn trời, nhìn đất rồi dự đoán có mưa hay không, còn độ ẩm, độ pH rất khó biết được. Nay, nhờ vào hệ thống quan trắc thông minh này, nông dân được hỗ trợ rất nhiều trong canh tác và hiệu quả mang lại cao hơn.

Khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, ông Đặng Văn Những, Chủ nhiệm Hội quán Tâm Quê bồi hồi, xúc động nhìn lại tấm hình Tổng Bí thư từng ghé thăm Hội quán. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, ông Đặng Văn Những, Chủ nhiệm Hội quán Tâm Quê bồi hồi, xúc động nhìn lại tấm hình Tổng Bí thư từng ghé thăm Hội quán. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Xã Tân Thuận Tây là vùng chuyên canh xoài lâu năm ở địa phương với diện tích gần 500ha. Dù vậy, tập quán sản xuất theo phương pháp truyền thống dạng nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, thiếu liên kết với các doanh nghiệp vẫn là những hạn chế dai dẳng. Năm 2017, Tâm Quê là Hội quán đầu tiên được thành lập ở xã Tân Thuận Tây, nhằm chia sẻ “chuyện làng, chuyện xóm”, rồi hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, bởi hội quán là không gian mở, là thiết chế tự nguyện, đa chức năng, đa thành phần. Cũng là nơi để những người dân có cùng ý nguyện, cùng ngành nghề sản xuất ngồi lại với nhau, giúp đỡ nhau.

Đặc biệt, ngày 13/4/2018, Hội quán Tâm Quê vinh dự được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghé thăm và bắt tay thăm hỏi từng thành viên trong Hội quán. Tổng Bí thư còn bày tỏ sự hài lòng trước những thành tựu mà nông dân Tân Thuận Tây đã đạt được, đồng thời đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong Hội quán phát triển kinh tế.

"Tất cả những thành tựu ấy là nhờ mô hình Hội quán nông dân, đặc trưng riêng có của tỉnh Đồng Tháp, nơi mọi người ngồi lại với nhau chia sẻ hết mọi điều. Chính từ mô hình hội quán, Đề án xây dựng Làng thông minh đã được các bộ, ngành và tỉnh Đồng Tháp lựa chọn xây dựng thí điểm ở xã Tân Thuận Tây”, ông Đặng Văn Những, Chủ nhiệm Hội quán Tâm Quê chia sẻ.

Ông Đặng Văn Những cùng thành viên trong Hội quán sử dụng công nghệ 4.0 để biết các chỉ số về môi trường nước, độ ẩm của đất, độ mặn, độ pH, không khí, khí tượng thủy văn trong ngày. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Đặng Văn Những cùng thành viên trong Hội quán sử dụng công nghệ 4.0 để biết các chỉ số về môi trường nước, độ ẩm của đất, độ mặn, độ pH, không khí, khí tượng thủy văn trong ngày. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Xã Tân Thuận Tây cách trung tâm TP Cao Lãnh chưa đầy 3km, hầu hết bà con nơi đây sống bằng nghề trồng xoài rải vụ quanh năm. Nhờ cách trồng đó, bà con trong xã ai nấy đều xây nhà khang trang, tỷ lệ hộ nghèo trong xã hầu như không còn.

Ông Lê Hoàng Tùng, Giám đốc HTX xoài Tân Thuận Tây, ở TP Cao Lãnh là đơn vị đứng ra bao tiêu và liên kết nông dân để tiêu thụ xoài cho biết: HTX có 116ha, với 127 thành viên sản xuất xoài theo hướng hữu cơ có bao trái, năng suất luôn cao, trái đẹp nên bán ra thị trường giá cao hơn từ 1.000-2.000 đồng/kg so với xoài sản xuất truyền thống. Tổng sản lượng xoài mỗi năm của HTX sản xuất ra khoảng 1.600 tấn, trong đó HTX đứng ra tiêu thụ cho nông dân khoảng 500 tấn, số còn lại HTX giới thiệu doanh nghiệp đến bao tiêu cho nông dân. Bình quân 1ha xoài của nông dân cho sản lượng từ 10-12 tấn/năm, sau khi trừ chi phí, nông dân lời từ 12-18 nghìn đồng/kg.

Ông Nguyễn Tấn Chuyển, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thuận Tây cho biết: Hiện nay, bà con ở xã Tân Thuận Tây đa phần trồng giống xoài Cát Chu nức tiếng, mỗi một cây đều được gắn mã QR code để truy xuất nguồn gốc. Tân Thuận Tây bây giờ ngoài diện tích gần 500ha xoài với những mô hình độc đáo, bà con còn biết cách trồng xoài rải vụ, xoài VietGAP, hữu cơ và 100% diện tích xoài nơi đây đều có mã số vùng trồng để vừa đáp ứng các thị trường khó tính vừa liên kết sản xuất nâng cao giá trị.

Từ năm 2021, xã đã về đích nông thôn mới, dự kiến đến năm 2025 đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Xã Tân Thuận Tây giờ đây có 2 Hội quán: Hội quán Tâm Quê và Hội quán Thuận Tân được phê duyệt với tổng kinh phí gần 16 tỷ đồng, xây dựng Làng thông minh từ Hội quán nông dân. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Xã Tân Thuận Tây giờ đây có 2 Hội quán: Hội quán Tâm Quê và Hội quán Thuận Tân được phê duyệt với tổng kinh phí gần 16 tỷ đồng, xây dựng Làng thông minh từ Hội quán nông dân. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Điều đáng mừng hơn, xã Tân Thuận Tây giờ đây có 2 Hội quán được thành lập năm 2017 là Hội quán Tâm Quê và Hội quán Thuận Tân với 640 thành viên, đều được các ban, ngành trong tỉnh quan tâm. 

Hiện nay, 2 Hội quán đã được UBND tỉnh Đồng Tháp và Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP. HCM) đồng chủ trì, được Bộ Khoa học - Công nghệ phê duyệt, với tổng kinh phí gần 16 tỷ đồng, xây dựng Làng thông minh từ Hội quán nông dân. Nhằm phù hợp với xu hướng phát triển nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Mục tiêu là kết nối cộng đồng, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm phát triển nông thôn bền vững, hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống người dân dựa trên thế mạnh và cơ hội của địa phương.

“Mô hình Hội quán là phương thức hiệu quả giúp người dân kết nối lại với nhau 'mua chung, bán chung' cùng chia sẻ, hợp tác để phát triển sản xuất kinh doanh và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, thực hiện tốt phương châm 'Chăm chỉ - Tự lực - Hợp tác', là nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế tập thể.

Các thành viên Hội quán tham gia sinh hoạt định kỳ, tích cực chia sẻ những thông tin thiết thực, bổ ích để cùng nhau phát triển. Thông qua các buổi tuyên truyền, sinh hoạt Hội quán và các lớp tập huấn, chương trình, hội nghị với các nội dung thuộc nhiều lĩnh vực đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp của người dân, từ đó tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập.

Đặc biệt, từ khi mô hình Hội quán ra đời, góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận ở cơ sở, trong đó có việc tuyên truyền, vận động thành lập HTX. Đến nay, toàn tỉnh có hàng chục HTX đang phát triển được thành lập từ nền tảng Hội quán”, ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết.

Xem thêm
Một số khu vực vùng ĐBSH sẽ thoát ngập úng trong vài ngày tới

Thông tin dự báo cho thấy, lượng mưa ở vùng ĐBSH đang giảm, mực nước sông đã qua đỉnh và xu thế xuống dần, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tiêu úng.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Tình quân dân ấm áp trong mùa mưa lũ

Trong lúc nguy nan nhất, lực lượng chức năng từ trung ương đến địa phương đã lăn xả hết mình, không quản gian khổ, để trở thành điểm tựa vững chắc cho người dân. 

Hậu phương vùng lũ quét Làng Nủ

Người phụ nữ nhanh nhẹn như con thoi chạy qua chạy lại giữa hai điểm trường Làng Nủ; chiếc điện thoại lúc nào cũng nóng ran bởi các cuộc điện thoại liên tục đổ về.