Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xuất thân từ cử nhân văn chương của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội với luận văn tốt nghiệp "Phong vị dân ca, ca dao trong thơ Tố Hữu". Không có gì ngạc nhiên, khi trong những bài phát biểu giàu tính thuyết phục, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường khéo léo ứng dụng Truyện Kiều và các trích đoạn thi ca.
Tuy nhiên, cao hơn sở trường ấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác định giá trị văn hóa dân tộc có ý nghĩa then chốt trong quá trình bồi dưỡng phẩm giá con người Việt Nam trên con đường phát triển.
Vì vậy, ngoài những nghiên cứu bổ sung cho hệ thống lý luận chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành nhiều thời gian để phân tích và diễn giải vai trò văn hóa như nền tảng tinh thần cộng đồng, mà tiêu biểu là công trình “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” có dung lượng gần 1.000 trang.
Những vị lãnh đạo mẫu mực của cách mạng Việt Nam đều quan tâm đến văn hóa dân tộc. Thế nhưng, có một số trường hợp đặc biệt, đó là vài vị lãnh đạo quốc gia được nhân dân ngưỡng vọng với tầm vóc nhân vật văn hóa. Xếp sau Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh (1907-1988), thì có lẽ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xứng đáng được tôn vinh trong không gian thành kính ấy.
Không trực tiếp dự phần đời sống sáng tác như Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh, nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo đất nước trong giai đoạn hội nhập đã tự nguyện gánh vác trách nhiệm phải đánh giá đầy đủ diện mạo văn hóa dân tộc ở một chiều kích khác, tiếp cận mới mẻ hơn và chấp nhận tương tác hơn.
Ai cũng biết, Tổng Bí thư luôn trăm công nghìn việc bộn bề. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tranh thủ những phút giây nghỉ ngơi hiếm hoi cho thói quen đọc sách. Cho nên, ông là một Tổng Bí thư có thể trực tiếp trò chuyện với văn nghệ sĩ một cách cởi mở như tri âm, tri kỷ. Sự giản dị và gần gũi với quần chúng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phần nhiều được hình thành dựa trên bản lĩnh văn hóa. Có hai câu chuyện thực tế khá thú vị có thể chứng minh sự quan tâm sâu sắc đến văn hóa dân tộc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Câu chuyện thứ nhất. Một bạn học cùng khóa cử nhân văn chương với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà báo Dương Đức Quảng (1945-2020, nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí, Văn phòng Chính phủ) có dịp vào TP.HCM đã ngỏ lời với vài người quen kiếm giúp tài liệu trước năm 1975 về soạn giả cải lương Trần Hữu Trang và giáo sư âm nhạc Trần Văn Khê. Khi bị gặng hỏi lý do, nhà báo Dương Đức Quảng chân thành: “Ông Nguyễn Phú Trọng biết tôi thường đi lại và có nhiều mối quan hệ trong này, nên nhờ cậy. Tổng Bí thư muốn tìm hiểu thêm về tinh hoa văn hóa phương Nam”.
Câu chuyện thứ hai. Ngày 11/11/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Dur Kmăl, huyện Krong Ana, tỉnh Đắk Lắk. Đây là một khu vực khá khuất nẻo trên địa bàn Tây Nguyên nằm cách xa trục chính của quốc lộ 14, rất ít khi được lãnh đạo cấp cao ghé thăm. Nói chuyện với bà con buôn Dur 1, thay vì đưa ra những huấn thị chung chung, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi ý sự nâng niu vẻ đẹp vĩnh cửu của những huyền thoại đại ngàn từ Đam San đến Y Moan, khiến đồng bào Ê Đê “ưng cái bụng” vỗ tay nồng nhiệt.
Trở lại với công trình “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được ra mắt tháng 6/2024. Bài viết xuất hiện sớm nhất được đưa vào tuyển tập có ghi chú hoàn thành năm 1968, khi tác giả đang công tác tại Tạp chí Học tập (tiền thân của Tạp chí Cộng sản) cho thấy ông có hơn nửa thế kỷ thao thức với văn hóa dân tộc.
Do có sự dõi theo ân cần, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cao vai trò tiên phong của đội ngũ văn nghệ sĩ: “Thực tế đời sống văn học ở nước ta và trên thế giới cho thấy, những tác gia lớn đều là những tác gia có khát vọng và hoài bão lớn lao, có tầm nhìn xa rộng và có tư duy sâu sắc. Chỉ có khát vọng và hoài bão lớn về sự sáng tạo mới đi xa và bền vững được. Mục đích cuối cùng của người nghệ sĩ là tác phẩm hay, tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Nó phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người và dự báo cho cả tương lai”.
Đồng thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng khuyến khích: “Người nghệ sĩ phải bám sát cuộc sống, dám đi vào những mũi nhọn của cuộc sống trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, trên thương trường và mặt trận an ninh, quốc phòng, đối ngoại; đến với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, biên cương, hải đảo để phát hiện và phản ánh những nhân tố mới, cách làm hay, những vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống. Chỉ có như vậy, văn học, nghệ thuật của chúng ta mới có được những tác phẩm hay, làm lay động lòng người và cần thiết cho công chúng, cho xã hội”.
Nhấn mạnh “văn hóa là hồn cốt của dân tộc”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ những yêu cầu để chấn hưng văn hóa Việt Nam. Thứ nhất, khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, khát vọng phồn vinh. Thứ hai, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn và phát huy giá trị gia đình Việt Nam. Thứ ba, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa.
Thứ tư, phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân; tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa, của người dân, các dân tộc, các vùng miền. Thứ năm, nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý của Nhà nước, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong sự nghiệp phát triển văn hóa.
Thứ sáu, xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thứ bảy, khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thao thức với văn hóa dân tộc, vì ông gắn kết chặt chẽ giữa “chống” và “xây”. Để “chống” tham nhũng tiêu cực thì phải “xây” nền tảng văn hóa. Hơn một lần, ông nhắc nhở xây dựng văn hoá ứng xử lành mạnh trong xã hội, tinh thần tương thân tương ái, trọng tình nghĩa, trọng công lý và trọng đạo lý. Ngoài ra, ông còn đề cập tính cần thiết các quy tắc ứng xử văn minh trong cơ quan công quyền, trong không gian mạng, trong giới văn nghệ sĩ…
Rất quyết liệt với cuộc chiến đẩy lùi tham nhũng tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng để hạn chế cái xấu và cái ác thì phải tuân thủ chân lý “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Những yếu kém đang tồn tại, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là do văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí. Nhiều di sản văn hóa quý báu của dân tộc có nguy cơ bị xuống cấp, mai một, thậm chí bị tiêu vong. Chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển văn hóa trong thời kỳ mới. Công tác giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài chưa mạnh.
Trong hàng chục trước tác mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại, công trình “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” chắc chắn còn giá trị lâu dài, như ông gửi gắm: “Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.