Ông Zelensky nhấn mạnh rằng những cam kết như vậy là cần thiết để hỗ trợ Ukraine ngăn chặn quân Nga tiến công và giành thế thượng phong.
"Chúng tôi đang nỗ lực để đạt được mức viện trợ cụ thể cho năm nay và trong mười năm tới. Gói viện trợ sẽ bao gồm viện trợ quân sự, tài chính và chính trị, cũng như hợp tác sản xuất vũ khí", ông Zelensky nói.
Kiev đã ký các thỏa thuận an ninh song phương với một số nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bao gồm Anh, Đức và Pháp. Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky cho biết ông muốn thỏa thuận dài hạn đang được đàm phán với Washington sẽ trở thành hiệp ước an ninh mạnh mẽ nhất đối với Ukraine.
Các thỏa thuận song phương của Ukraine với các đồng minh phương Tây cho đến nay vẫn chưa đạt được các điều khoản về phòng thủ chung. Các thỏa thuận chỉ cam kết viện trợ dài hạn, bao gồm hỗ trợ trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công trong tương lai, và không bị ràng buộc về mặt pháp lý. Ví dụ, thỏa thuận với Berlin có thể bị chấm dứt nếu thông báo trước 6 tháng.
Tổng thống Zelensky cho biết ông muốn hiệp ước song phương của Ukraine với Washington phải bao gồm các loại viện trợ cụ thể. "Thỏa thuận phải thực sự mẫu mực và cho thấy sức mạnh của giới lãnh đạo Mỹ", ông nói.
Các nhà lập pháp Mỹ gần đây đã thông qua gói viện trợ bổ sung trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine hồi đầu tháng này, sau nhiều tháng gặp bế tắc tại Hạ viện do bất đồng về vấn đề an ninh biên giới. Chính quyền Tổng thống Joe Biden được cho là đã hết kinh phí viện trợ cho Ukraine vào đầu năm nay, sau khi chi 113 tỷ USD trong các gói hỗ trợ trước đó.
Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã lập luận rằng ông Biden chỉ đang là kéo dài cuộc xung đột ở Ukraine mà không có một chiến lược rõ ràng để giành chiến thắng hay một thỏa thuận hòa bình với Nga. Một cuộc thăm dò được công bố vào tháng 2 cho thấy gần 70% người Mỹ muốn ông Biden thúc đẩy một giải pháp hòa đàm với Moscow, yêu cầu cả 2 bên nhượng bộ để đạt được một thỏa thuận, thay vì tiếp tục tài trợ cho cuộc xung đột.