| Hotline: 0983.970.780

TP. HCM 10 năm xây dựng nông thôn mới: Chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế

Thứ Sáu 29/11/2019 , 08:51 (GMT+7)

Đó là nhận xét của ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM TP. HCM.

16-12-09_thy01070
 

Ngày 28/11, Thành ủy TP.HCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) (ảnh) và bàn phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2020 - 2025.
 

Nhiều thành tựu nổi bật

Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM TP.HCM cho biết, qua 10 năm thực hiện, đã có 54/56 xã đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, 31 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao theo Bộ tiêu chí của thành phố; bình quân đạt 18,9 tiêu chí/xã và có 3/5 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng NTM.

Thu nhập khu vực nông thôn TP.HCM đạt trên 63 triệu đồng/người, tăng 2,72 lần so với năm 2010, đặc biệt thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia và trong 5 huyện chỉ còn 1.777 hộ, chiếm 0,41% số hộ là hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố.

Với sự phát triển của đô thị, diện tích đất sản xuất nông nghiệp giảm 900ha/năm, số hộ tham gia sản xuất nông lâm ngư nghiệp giảm 6,38%/năm. Tuy nhiên, nhờ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, sử dụng giống cây con chất lượng, chuyển dịch sang cây trồng, vật nuôi có giá trị, hiệu quả kinh tế cao, có chính sách hỗ trợ lãi vay đầu tư sản xuất nông nghiệp nên đã nâng cao tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp TP.HCM.

Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp thực tế năm 2019 ước đạt 23.400 tỷ đồng, tăng bình quân 6,01%/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1ha đất canh tác/năm tăng đều qua các năm, từ 158,5 triệu đồng/ha năm 2010, đã tang lên 502 triệu năm 2018 (cao nhất cả nước, gấp hơn 5 lần bình quân cả nước, theo đánh giá của Bộ NN-PTNT).

Huy động 26.043 hộ dân hiến 2.972.304m2 đất để xây dựng, mở rộng đường giao thông nông thôn, ước giá trị trên 2.243 tỷ đồng. Chung sức hỗ trợ phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, xây dựng đường giao thông nông thôn… với tổng kinh phí 557 tỷ 924 triệu đồng, giúp diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, đời sống người dân ngày càng tốt hơn.

Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị được đông đảo người dân tham gia thực hiện có hiệu quả, đã góp phần giải quyết, tạo việc làm làm cho 60.311 lao động. Đồng thời xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị hiệu quả kinh tế cao.
 

Mở ra hướng đi mới

Tuy nhiên, ông Trung cũng nhìn nhận, qua 10 năm thực hiện, kết quả xây dựng NTM chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của thành phố. Công tác chỉ đạo điều hành, kiểm tra, giám sát, xem xét, xử lý những vấn đề phát sinh của một số đơn vị sở, ngành, huyện, xã chưa đạt yêu cầu.

16-12-09_thu_truong_bo_nn-ptnt_le_quoc_donh_cung_lnh_do_tphcm_thm_qun_cc_sn_phm_nong_nghiep_cu_thnh_pho_trung_by_ti_hoi_nghi2
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cùng các lãnh đạo TP.HCM nghe giới thiệu về một số sản phẩm nông nghiệp của thành phố.

Phát triển kết cấu hạ tầng vùng nông thôn chưa bắt kịp tốc độ phát triển về kinh tế - xã hội. Một số huyện, chất lượng đường giao thông còn yếu, xuống cấp; hệ thống trường học các cấp chưa được quan tâm đầu tư để bổ sung phòng học, trang thiết bị giảng dạy theo yêu cầu mới.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp chưa được thực hiện rộng rãi. Còn một bộ phận người dân ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; liên kết sản xuất chưa bền vững. Tình hình an ninh, trật tự xã hội tại các xã vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, chưa thực sự bền vững.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá cao những kết quả xây dựng NTM của TP HCM trong việc tác động tích cực đến tái cơ cấu ngành nông nghiệp, triển khai toàn diện theo hướng hiện đại, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm từng bước khôi phục và phát triển một số ngành nghề nông thôn truyền thống, không chỉ tiêu thụ nội địa, mà còn xuất khẩu.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng NTM của thành phố ngày càng bền vững, góp phần phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, Thứ trưởng cho rằng, thành phố cần tập trung nghiên cứu thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.

Đặc biệt, cần tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó chú trọng khai thác được lợi thế tuyệt đối của thành phố, như triển khai hiệu quả Đề án nông nghiệp đô thị, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao - công nghệ sinh học.

Đồng thời phát triển và nhân rộng mô hình nông nghiệp sinh thái khép kín, nông nghiệp ven đô, chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn sinh học để phát triển bền vững. Tận dụng lợi thế cảnh quan thiên nhiên, hạ tầng kinh tế xã hội để thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, chú trọng đến các mô hình du lịch nông thôn, du lịch sinh thái, gắn với đẩy mạnh phát triển các sản phẩn OCOP truyền thống.

Mặt khác, tổ chức lại sản xuất theo hướng HTX kiểu mới và có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư và nông nghiệp. Liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất, kiểm soát lưu thông để cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho thành phố, cũng như phát triển vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và các dịch vụ phục vụ nông nghiệp.

Thành phố cần chỉ đạo quyết liệt hơn để đến năm 2020 cơ bản đạt đủ các tiêu chí về NTM. Đặc biệt, phải tìm cách giải bài toán tăng năng suất lao động, tăng thu nhập và để nông dân hết nghèo. Chừng nào còn làm nông nghiệp thì chừng đó cần phải gắn với HTX để ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ.

Định hướng đến năm 2025, TP.HCM còn 11.500 hộ làm nông nghiệp, trong đó số lao động làm nông nghiệp khoảng 38.000 người. Vì vậy, tinh thần là chuyển từ nông thôn mới sang đô thị văn minh có nông nghiệp phát triển.

Riêng huyện Cần Giờ có khu rừng dự trữ sinh quyển, có biển, có thế mạnh phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản lâu dài. Vì vậy, phải gìn giữ cho được vùng sinh quyển, thậm chí phải trồng rừng nhiều hơn.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.