Chỉ số giá tháng 1 của TP HCM so với tháng 12 tăng 1,3%. CPI tháng 2 TP HCM được tính từ kỳ 15/1-15/2, tức nằm trọn trong cao điểm kinh doanh Tết.
Tổng kết tình hình kinh doanh tết Mậu Tý chiều 18/2, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Hồng cho rằng, chỉ có các hoạt động dịch vụ tăng giá, không phải những mặt hàng thiết yếu.
Tuy nhiên, theo báo cáo của các sở, quận huyện thì hầu hết mặt hàng đều tăng giá đột biến trong những ngày Tết, từ rau củ quả các loại, bánh mứt cho đến thực phẩm tươi sống như thịt heo, gà...
Theo ghi nhận của Sở Thương mại, giá gà ta vào ngày 29 Tết tại chợ Bến Thành lên đến 180.000-190.000 đồng một kg. Trong khi gà của các doanh nghiệp kinh doanh giết mổ gia cầm được UBND TP HCM hỗ trợ tài chính dự trữ hàng hóa thực phẩm thiết yếu, chỉ 80.000-90.000 đồng mỗi kg.
Nhiều cuộc kiểm tra thị trường của các cơ quan chức năng cũng cho thấy, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại chưa tuân thủ việc niêm yết giá trong những ngày buôn bán cuối năm.
Theo một cán bộ UBND TP HCM đã khảo sát thị trường tại chợ Bến Thành, tuy sạp bán hàng có niêm yết giá nhưng chủ sạp cho biết khách hàng có thể trả xuống cũng được. Lượng khách đến các chợ truyền thống như Bến Thành để mua sắm Tết năm nay không sôi động bằng ở các siêu thị. Siêu thị Citimart, Co.op... trong dịp Tết đón khoảng 4.500 khách mỗi ngày, tăng doanh thu gấp đôi, gấp ba so với ngày thường vì giá cả hàng hóa ổn định, nguồn cung dồi dào.
Việc thiếu mạng lưới thông tin giá cả giữa chợ đầu mối và các chợ nhỏ, cửa hàng bán lẻ, theo Sở Tài chính, khiến người tiêu dùng không nắm chính xác giá cả có sự biến đổi ra sao. Vật giá ở chợ bán lẻ vì vậy liên tục leo thang một cách vô tội vạ.
Rút kinh nghiệm kinh doanh mùa Tết Mậu Tý, Sở Thương mại kiến nghị UBND TP đẩy mạnh phát triển mạng lưới siêu thị, các cửa hàng bán lẻ văn minh hiện đại đến vùng ngoại thành. Sở hy vọng kênh bán lẻ hiện đại sẽ giúp khắc phục tình trạng vật giá tăng vô lối.