Chiều tối 11/5, UBND TP.HCM tổ chức họp báo tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021.
Trước câu hỏi của các cơ quan báo chí về việc TP.HCM ứng dụng công nghệ thông tin như thế nào trong việc tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND TP.HCM khóa X nhiệm kỳ 2021-2026 trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Trước vấn đề này, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM, cho biết, ban Thường trực Thành ủy, Thường trực UBND, Thường trực HĐND và Ủy ban bầu cử TP.HCM đã triển khai các phương án chuẩn bị cho cuộc bầu cử nhịp nhàng, khoa học.
Cụ thể, đã tổ chức hội nghị trực tuyến công tác tập huấn phục vụ cuộc bầu cử; tổ chức điều hành, diễn tập vận hành thử phần mềm hỗ trợ phục vụ công tác bầu cử.
Phần mềm hỗ trợ bầu cử được triển khai từ Ủy ban bầu cử TP.HCM đến Thành phố Thủ Đức và 21 quận, huyện và 312 phường, xã, thị trấn. “Phần mềm bao gồm một số chức năng chính như lập danh sách cử tri và in thẻ cử tri, báo cáo biến động của cử tri, báo cáo tiến độ cử tri đi bầu các cấp, tổng hợp kết quả bầu cử, lập các báo cáo của ban bầu cử, ủy ban bầu cử theo các biểu mẫu do hội đồng bầu cử quốc gia quy định,…”, ông Từ Lương cho hay.
Các chức năng này hỗ trợ các đơn vị tham gia đơn giản hóa thao tác cập nhật thông tin bầu cử, báo cáo tiến độ cũng như việc tra cứu thông tin, theo dõi, chỉ đạo, điều hành cũng trở nên đơn giản, nhanh chóng và chính xác hơn.
Ngay sau buổi tập huấn, các đơn vị được phân công đã tiến hành nhập thông tin cử tri, đơn vị bầu cử, số đại biểu được bầu, thông tin về ứng cử viên… vào hệ thống phần mềm.
Đến ngày 14/5, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tổ chức diễn tập đợt 3 vận hành thử phần mềm nhằm thực hiện rà soát, đảm bảo việc chuẩn bị cho công tác bầu cử.
“Đến giờ phút này, các địa phương cơ bản đánh giá cao phần mềm hỗ trợ bầu cử với tính năng hiệu quả, an toàn”, ông Từ Lương nói.
Liên quan phản ánh khó tìm thông tin, chương trình hành động của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND TP.HCM, ông Từ Lương nói: “Đây là nhu cầu của các cử tri trên địa bàn TP.HCM. Ủy ban bầu cử TP.HCM cũng đã phân công các thành viên Ủy ban bầu cử để chứng nhận từng nội dung công việc. Trong đó, với trách nhiệm của Sở Thông tin Truyền thông sẽ cung cấp thông tin khách quan, trung thực và công bằng nhất đối với các ứng viên. Trên trang thông điện tử của Sở Thông tin Truyền thông đã niêm yết danh sách, chương trình hành động của 50 ứng cử viên đại biểu Quốc hội và 158 ứng cử viên đại biểu HĐND TP.HCM, các cơ quan báo chí đều có thể sử dụng nếu có nhu cầu”, ông Từ Lương cho hay.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND TP.HCM khóa X nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra ngày 23/5.
Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, là nơi để cử tri phát huy quyền làm chủ của mình, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp.
Tại TP.HCM có 3.092 tổ bầu cử với 5.502.162 cử tri, trong đó cử tri nữ là 2.901.024 người. Các cử tri sẽ bầu ra 30 đại biểu Quốc hội và 95 đại biểu HĐND TP.HCM.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm tháng 5 là làm tốt công tác tuyên truyền bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Tăng cường hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa cuộc bầu cử, các quy định của pháp luật về bầu cử, quyền bầu cử, ứng cử của công dân... để người dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình trong bầu cử. Đồng thời, nắm chắc và ngăn chặn tình hình âm mưu, hoạt động chống phá của các tổ chức phản động trong và ngoài nước.
Hoàn chỉnh các phương án triển khai lực lượng sẵn sàng giải quyết các tình huống đột xuất, bất ngờ; tình huống cháy, nổ và cứu hộ, cứu nạn tại địa điểm bầu cử. Triển khai lắp đặt camera giám sát tại khu vực bỏ phiếu phục vụ công tác bảo vệ bầu cử.