| Hotline: 0983.970.780

TP.HCM ứng phó chủng Omicron dịp Tết Nguyên đán thế nào?

Thứ Hai 17/01/2022 , 20:21 (GMT+7)

TP.HCM chủ động giám sát chặt chẽ tất cả con đường, từ cửa khẩu đến cộng đồng và test nhanh tất cả các trường hợp nhập cảnh.

Trả lời câu hỏi của PV Báo NNVN về các giải pháp ứng phó với biến chủng Omicron trong dịp Tết Nguyên đán, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, TP.HCM đã chuẩn bị kế hoạch ứng phó biến chủng Omicron mới từ cuối năm 2021.

Đồng thời, chủ động giám sát chặt chẽ tất cả con đường, từ cửa khẩu đến cộng đồng và test nhanh các trường hợp nhập cảnh.

Tất cả người nhập cảnh test nhanh dương tính SARS-CoV-2 đều được chuyển cách ly tại Bệnh viện Dã chiến số 12 (An Khánh, TP Thủ Đức). Trong quá trình cách ly, họ được lấy mẫu bệnh phẩm để giải trình tự gene xác định chủng virus.

Trong khu vực nội địa, HCDC tiến hành tầm soát ca mắc biến chủng Omicron ở khu có nhiều người nhập cảnh hoặc số ca tăng bất thường. "Quy trình này đã khá chặt chẽ và trong dịp Tết sắp tới, TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện. Đến nay, chưa phát hiện ca nhiễm Omicron trong cộng đồng tại TP.HCM", ông Tâm nói.

Cũng theo ông Tâm, sau Tết Nguyên đán, người dân quay lại TP.HCM làm việc, học tập cũng phải tuân thủ quy tắc 5K. Dù dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt nhưng người dân cũng phải đảm bảo theo chủ trương thích ứng an toàn. Khi một người có triệu chứng hay yếu tố dịch tễ, yếu tố nghi ngờ sẽ được xét nghiệm Covid-19 và đưa vào quản lý chứ không phải ai quay trở lại TP.HCM sau Tết cũng phải cách ly quản lý.

Theo Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai, trước thềm Tết Nguyên đán, Sở đã có văn bản gửi đến các đơn vị về việc sắp xếp, cơ cấu lại bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19.

Trong văn bản này, Sở Y tế TP.HCM nhận định tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố bước đầu được kiểm soát, số ca mắc mới và tử vong tiếp tục giảm. Hiện số lượng người bệnh điều trị tại các cơ sở y tế dã chiến chiếm khoảng 10% đến 30% công suất giường bệnh.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến chủng Omicron có nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh trở lại. Do đó, Sở Y tế TP.HCM sẽ sắp xếp lại hoạt động các bệnh viện dã chiến trong giai đoạn nghỉ Tết Nguyên đán. Nhân viên y tế, nhân viên khác sẽ tạm thời trở về công tác tại đơn vị chủ quản.

Việc này cũng tạo điều kiện cho nhân viên y tế tham gia chống dịch có thời gian phục hồi sức khỏe và luôn sẵn sàng ứng phó khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Sở Y tế cũng đề nghị lãnh đạo các bệnh viện luôn sẵn sàng lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch trong vòng 24 giờ khi sở y tế chỉ đạo kích hoạt lại hoạt động của các bệnh viện dã chiến.

"Bệnh viện Dã chiến số 12 được phân công tiếp nhận khách nước ngoài, điều trị ca bệnh nhiễm Omicron. Bệnh viện này sẽ tiếp tục hoạt động và được bố trí thêm lực lượng khác để hỗ trợ. Suốt thời gian Tết Nguyên đán, các cơ sở y tế điều trị Covid-19 tại thành phố đảm bảo hoạt động xuyên suốt, đề phòng tình huống biến chủng Omicron phức tạp", bà Mai cho hay.

Về kế hoạch bảo vệ nhóm nguy cơ, ông Nguyễn Hồng Tâm cho hay, đến nay, có hơn 18.000 người thuộc nhóm nguy cơ đã được tiêm vacxin phòng Covid-19. Thành phố tiếp tục lập danh sách người tiêm vacxin, nếu ai chưa tiêm đủ phải thực hiện tiêm bổ sung, phát hiện F0 ở đối tượng nguy cơ phải xử lý ngay để giảm nguy cơ chuyển nặng. “Các phương án này đang phát huy hiệu quả tối ưu trong giai đoạn phòng chống dịch nói chung và biến chủng Omicron ở thời điểm hiện tại”, ông Tâm nói.

Theo ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM, tính đến 18 giờ ngày 16/1, TP.HCM ghi nhận 511.988 trường hợp mắc Covid-19 Bộ Y tế công bố, bao gồm 511.298 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 690 trường hợp nhập cảnh. Hiện đang điều trị 3.631 bệnh nhân, trong đó có 75 trẻ em dưới 16 tuổi, 270 bệnh nhân nặng đang thở máy, 17 bệnh nhân can thiệp ECMO.

“Mặc dù trong những ngày qua, số ca mắc mới, số ca nhập viện, số ca tử vong giảm. Tuy nhiên, Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM trân trọng đề nghị người dân tiếp tục không được chủ quan lơ là, tiếp tục cảnh giác, thực hiện tốt 5K, đặc biệt là vacxin để đảm bảo giữ được thành quả chống dịch mà TP.HCM đạt được trong những ngày qua. Đặc biệt, khi những ngày tết gần đến, các hoạt động tiếp xúc gần, giao lưu nhiều ngày càng tăng”, ông Hải nhấn mạnh.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.