Trà cascara, còn được gọi là trà cà phê vốn đã trở nên phổ biến trong các quán cà phê tại các nước Âu Mỹ. Từ “cascara” trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là trấu hoặc da. Thức uống này là một loại đồ uống thảo mộc được làm từ vỏ khô của quả cà phê.
Trà cascara đã được các nước Nam Mỹ sử dụng khoảng 50 năm và nước Mỹ đã bán trong nội địa từ rất lâu. Tuy nhiên ở Việt Nam, trà cascara còn rất mới mẻ và Phúc Sinh là công ty đầu tiên khai thác sản phẩm trà cascara trên quy mô lớn tại nhà máy Phúc Sinh Sơn La đặt trên địa bàn huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.
Ở thế giới những năm gần đây rất nhiều nước đã ưa chuộng Trà cascara, ở Châu Âu họ mua với giá gần gấp đôi so với cà phê Wash Arabica. Trà cascara là một loại trà có thể mang lại rất nhiều công dụng, nó có thể giúp chúng ta giữ được cân nặng hợp lý, tiêu hoá tốt, có nhiều chất chông oxy hoá giúp cho làn da của người sử dụng được mịn màng.
Trà cascara mang thương hiệu Việt Nam được sản xuất với dây chuyền bao gồm hệ thống rửa quả tiêu chuẩn thực phẩm, tách vỏ, sấy khử UV, hệ thống sấy lạnh đa chức năng đảm bảo sạch và giữ nguyên hương vị, màu sắc, hệ thống đóng gói tự động có thể ra các sản phẩm túi lọc vuông, túi lọc tam giác. Công suất dây chuyền thiết kế là 0.5 tấn trên một lô sản xuất, và sử dụng 3 công nhân làm việc.
Phát biểu tại lễ khánh thành nhà máy đầu tiên của Việt Nam sản xuất trà cascara theo tiêu chuẩn quốc tế để cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu, Chủ tịch tập đoàn Phúc Sinh Phan Minh Thông chia sẻ: “Chúng ta có thể thấy rằng gần như 100% vỏ quả cà phê được hủy bằng cách làm phân bón hoặc vật liệu đốt, chúng ta phải đối mặt rất nhiều trong vấn đề ô nhiễm do vỏ quả cà phê. Tuy nhiên với dây truyền trà cascara này kết hợp với quy trình chế biến Wash Arabica, thì chúng ta lại có một loại trà đặc biệt và đem lại giá trị dinh dưỡng cũng như kinh tế rất cao. Chúng tôi rất tự hào đóng góp vào một hệ sinh thái tuần hoàn và môi trường xanh như vậy.
Chúng tôi đã chế biến trà cascara trong vài năm gần đây, tuy nhiên hôm nay chúng tôi mới chính thức xây dựng nhà máy và làm ra một sản lượng lớn hơn rất nhiều. Chúng tôi xuất khẩu đến 99% sản lượng đến các nước sử dụng trà cascara trên thế giới như Ý, Pháp, các nước Châu Âu khác”.