| Hotline: 0983.970.780

Trắng đêm ngồi canh 'Hà Bá'

Thứ Hai 19/10/2020 , 17:18 (GMT+7)

Nước tràn vào ngõ, vào sân, một rồi hai, ba bậc tam cấp, cuối cùng căn nhà 2 tầng bỗng chốc bị bao vây bởi mênh mông nước

Người dân huyện Cẩm Xuyên, Thach Hà, TP Hà Tĩnh trắng đêm 'chạy' lũ. Ảnh: Thanh Nga.

Người dân huyện Cẩm Xuyên, Thach Hà, TP Hà Tĩnh trắng đêm "chạy" lũ. Ảnh: Thanh Nga.

12 giờ “chạy” lũ

Phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh từ chiều 18/10 bắt đầu bị lũ cô lập một số tuyến đường. Đến 3h sáng ngày 19/10, nước lũ tràn vào ngõ, vào sân, một, hai rồi ba bậc tam cấp. Trong tích tắc căn nhà 2 tầng của gia đình anh Nguyễn Xuân Hào, ở tổ dân phố 3 trở thành “trại tị nạn” của 2 hộ dân khác trong tổ.

Gia đình anh Trần Tiến Dũng, ở ngay dãy trọ bên cạnh nhà anh Hào mặc dù đã chủ động kê cao đồ dùng trong nhà nhưng không nghĩ trận đại hồng thủy lần này “xô đổ” đỉnh lũ lịch sử năm 2010. Gia đình 4 người (bố mẹ, 2 người con) phải thức trắng đêm canh Hà Bá.

Hàng nghìn hộ dân hạ du hồ Kẻ Gỗ bị lũ nhấn chìm. Ảnh: Gia Hưng.

Hàng nghìn hộ dân hạ du hồ Kẻ Gỗ bị lũ nhấn chìm. Ảnh: Gia Hưng.

"Lũ 2010 nước chỉ vào phòng trọ của tôi khoảng 30cm nhưng lần này chiếc giường kê cao 80cm trong 30’ bị lũ nhấn chìm. Đến mờ sáng 19/10 thì những vật dụng kê cao hơn 1,5 m cũng trôi lềnh bềnh giữa nước lũ”, anh Dũng nói.

Chị Trần Kim Anh, vợ anh Dũng đang mang thai đứa con thứ 3 nhưng vì cứu tài sản cũng phải ngâm mình trong nước lũ vận chuyển đồ đạc sang nhà hàng xóm.

2 đứa con của anh chị, cháu lớn 11 tuổi, cháu nhỏ 5 tuổi ngơ ngác tỉnh giấc giữa đêm, leo lên lưng “chạy” lũ cùng bố mẹ. Các cháu vẫn chưa hiểu được tính nguy hiểm của lũ lụt, ung dung lội nước theo bố mẹ dọn đồ.

Trời sáng cũng là lúc hồ chứa nước Kẻ Gỗ thông báo tăng lưu lượng xả lũ lên gần 900 m3/s (gần gấp đôi lưu lượng xả lũ năm 2010). Lúc này, quanh căn nhà của anh Hào nước cũng bắt đầu dâng lên nhanh chóng.

Trận đại hồng thủy lần này đã xô đổ lụt lịch sử năm 2010. Ảnh: Gia Hưng.

Trận đại hồng thủy lần này đã xô đổ lụt lịch sử năm 2010. Ảnh: Gia Hưng.

Đàn ông, phụ nữ, trẻ nhỏ đều phải huy động di dời toàn bộ đồ đạc lên tầng 2 vì nước lên quá nhanh. Ánh mắt của người nào cũng lộ rõ vẻ mệt mỏi và hoang mang.

Qua điện thoại, thông tin ông Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cảnh báo trên báo chí càng khiến người dân bất an hơn: “Mưa xối xả nhiều giờ liền nên nước về hồ Kẻ Gỗ đã vượt cao trình 33,5/32,5m. Các cửa xả đều đã hoạt động hết công suất nhưng vẫn không điều tiết được, nhiều khả năng phải phá tràn sự cố”.

Cùng lúc này, Trưởng Ban chỉ huy PCTT và TKCN Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng phát đi lệnh sơ tán dân khẩn cấp. 13.300 hộ/43.200 người của huyện Cẩm Xuyên; 1.420/2.685 người thuộc huyện Thạch Hà và 263 hộ/701 người của TP Hà Tĩnh buộc phải di dời khẩn cấp đến nơi trú ẩn.

Đối diện hộ anh Hào, căn nhà của anh Hà, một cán bộ Công an phòng cháy chữa cháy tỉnh Hà Tĩnh nước lũ đã dâng lên gần 1m. Do lũ lên nhanh nên chị Huyền - vợ anh Hà chỉ kịp đưa 3 đứa con lên tầng tránh lũ và vận chuyển một số vật dụng đơn giản. Còn các tài sản có giá trị như ti vi, tủ lạnh, máy giặt... chị Huyền phải “cầu cứu” hàng xóm trợ giúp đưa lên vị trí cao ráo.

Cháu Trần Nhật Ánh Dương, con gái anh Dũng thức trắng đêm chạy lũ cùng bố mẹ. Vì quá đói nên ăn vội miếng lương khố bố vừa lội nước mua từ cửa hàng tạp hóa gần nhà. Ảnh: Thanh Nga.

Cháu Trần Nhật Ánh Dương, con gái anh Dũng thức trắng đêm chạy lũ cùng bố mẹ. Vì quá đói nên ăn vội miếng lương khố bố vừa lội nước mua từ cửa hàng tạp hóa gần nhà. Ảnh: Thanh Nga.

Theo chị Huyền, mỗi lần thiên tai, bão lũ, người đàn ông trụ cột duy nhất của gia đình chị không thể ở nhà phụ giúp vợ con vì anh phải đi trực. “Như đợt lũ lần này, nếu nước dâng lên cao nữa, tài sản có hư hỏng tôi cũng bất lực vì chồng đang cùng các cán bộ, chiến sỹ khác đi cứu dân ở những vùng ngập sâu hơn”, chị Huyền nói.

14h ngày 19/10, việc “chạy” lũ của hộ anh Hào, anh Dũng, chị Huyền mới hòm hòm. Hai người con của anh Dũng vì đói ăn ngấu nghiến miếng lương khô bố mẹ vừa kịp lội nước mua ở quầy tạp hóa gần nhà. Chị Trần Kim Anh bảo, vì bị động, lũ xộc đến bất ngờ nên gia đình chị chưa kịp chuẩn bị lương thực, thực phẩm dự trữ.

Lực lượng cứu hộ chạy đua với thời gian

Ánh mắt ngơ ngác của những đứa trẻ ở Hà Tĩnh lần đầu thức trắng đêm chạy lũ. Ảnh: Thanh Nga.

Ánh mắt ngơ ngác của những đứa trẻ ở Hà Tĩnh lần đầu thức trắng đêm chạy lũ. Ảnh: Thanh Nga.

Đêm - giữa màn mưa trắng xóa, những chiếc thuyền cứu hộ được Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh và các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh rải đi tất cả các ngõ ngách, thôn xóm thấp trũng để di dời dân.

Vùng hạ du các xã Cẩm Mỹ, Cẩm Quan, Cẩm Thành... huyện Cẩm Xuyên có đến hơn 13.000 hộ dân ảnh hưởng trực tiếp bởi lũ lụt. Lũ lên trong đêm, nhiều gia đình không thể liên lạc được với lực lượng cứu hộ đành đăng thông tin cầu cứu lên mạng xã hội.

Những cụ già neo đơn, trẻ nhỏ, người tàn tật được ưu tiên di dời trước, các hộ ngập sâu từ 1,5 – 2 m được xếp thứ 2. Tất cả đều chạy đua với thời gian để không phải chịu cảnh ướt nhẹp, lạnh cóng khi dầm mình nhiều giờ trong nước lũ.

Mưa trắng trời, bốn bề nước lũ bao vây nên phương tiện di chuyển của người dân chỉ có thuyền. Ảnh: Thanh Nga.

Mưa trắng trời, bốn bề nước lũ bao vây nên phương tiện di chuyển của người dân chỉ có thuyền. Ảnh: Thanh Nga.

“Mặc dù hoạt động hết công suất nhưng do số hộ phải di dời lớn, trong thời gian ngắn nên đâu đó có một số điểm người dân phải chờ đội cứu hộ trong sự lo lắng”, một chiến sĩ tham gia di dời dân ở xã Cẩm Quan, Cẩm Xuyên hai hàm răng nghiến chặt vì lạnh lắp bắp nói và mong muốn bà con hãy chia sẻ với lực lượng cứu hộ, kiên nhẫn chờ đợi, không liều mình di chuyển giữa nước lũ chảy xiết.

Khu vực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh nước lũ đã vượt quá đầu người cao 1,8m. Rất nhiều bệnh nhân cấp cứu, bệnh nhân chạy thận phải nhờ lực lượng cứu hộ hỗ trợ vận chuyển đến bệnh viện bằng thuyền.

Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh nhiềm điểm ngập sâu hơn 1m, phương tiện di chuyển hầu hết là xe cứu hộ và thuyền, xuồng máy.

Trận đại hồng thủy lần này đã khiến cuộc sống người dân Hà Tĩnh đảo lộn hoàn toàn. Người người thảng thốt không tin lũ có thể vượt mốc lịch sử năm 2010.

Ở những vùng thấp trũng, lũ chạm nóc nhà, bao nhiêu tài sản người dân tích góp được đều bị “Hà Bá” nuốt chửng. Lúc này, bà con chỉ nghĩ đến an toàn tính mạng. Thức ăn, nước uống đều thiếu thốn, thậm chí nhiều gia đình còn không kịp đem theo quần áo khi “chạy” lũ.

Lực lượng công an hỗ trợ đưa bệnh nhân ở đường Nguyễn Chí Thanh, TP Hà Tĩnh đi bệnh viện. Ảnh: Thanh Nga.

Lực lượng công an hỗ trợ đưa bệnh nhân ở đường Nguyễn Chí Thanh, TP Hà Tĩnh đi bệnh viện. Ảnh: Thanh Nga.

Ngôi nhà của gia đình ông bà Lương Hướng, ở xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên lũ ngập gần 2 m. Căn nhà cấp bốn chỉ còn nhìn thấy phần nóc. Ông Hướng đã 90 tuổi, hai người con và người cháu 3 tuổi cũng chỉ biết ngồi trên chạn nhà chờ lực lượng cứu hộ đến cứu.

Điện thoại hết pin, thức ăn dự trữ không có, giữa màn đêm người thân của gia đình ông Hướng ở vòng ngoài liên tục gọi cứu hộ. Họ kêu gào, cầu khấn trời dừng trút mưa nhưng “kêu trời trời không thấu, gọi đất đất không hay”. Mưa vẫn nặng hạt suốt cả ngày 19/10. Lại một đêm nữa người dân vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ trắng đêm “canh” lũ.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 2] Nỗi lo các khu neo đậu tàu thuyền

Trong những năm qua, hệ thống cảng cá ở các tỉnh Duyên hải miền Trung dù đã được đầu tư nâng cấp, nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.