Đầu tư nhiều, thất bại cũng nhiều
“Tính ra, tôi đã đầu tư vào đây hàng chục tỷ đồng rồi đó”, anh Nguyễn Văn Sáng (41 tuổi, kỹ sư nông nghiệp, trú TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) vừa nói vừa dẫn chúng tôi vào trang trại sản xuất nông nghiệp khép kín của mình tại xã Nghĩa Thắng (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi).
Theo anh Sáng, trước đây, khu vực này vốn là đất sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương. Vậy nhưng, do thiếu nước nên các đồng ruộng chỉ sản xuất được 1 vụ rồi bỏ hoang. Thấy tài nguyên bị lãng phí cùng với niềm đam mê làm nông nghiệp, năm 2019, anh Sáng quyết định thuyết phục từng chủ ruộng để mua lại từng sào đất và bắt đầu thực hiện ý tưởng của mình.
“Do đất đai của nhiều chủ nên phải mất một thời gian dài, tôi mới có thể thương lượng để người dân bán lại cho mình. Đến nay, tổng diện tích đất mà tôi sở hữu khoảng 10ha. Riêng tiền đầu tư mua đất đã nhiều, chưa kể đến thêm các khoản chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất. Nói chung, nguồn lực, công sức bỏ vào đây không biết bao nhiêu mà kể”, anh Sáng tâm sự.
Sau khi tập trung được đất đai, anh Sáng quy hoạch rõ từng khu vực, trồng trọt, chăn nuôi, ao chưa nước, khu xử lý chất thải, hệ thống kênh mương phục vụ tưới tiêu theo mô hình tuần hoàn, khép kín. Trong đó, đối với chăn nuôi, thời gian đầu anh tập trung vào 2 loại vật nuôi chủ yếu là bò sinh sản và heo thịt.
Anh Sáng cho biết, đối với chăn nuôi, để đạt hiệu quả cao, ngoài các yếu tố liên quan đến kỹ thuật, giá thành, thị trường đầu ra ổn định thì công tác vệ sinh chuồng trại, phòng, chống dịch bệnh và hạn chế ô nhiễm phải luôn được đảm bảo. Nhằm duy trì và phát triển lâu dài, trang trại đã đầu tư xử lý chất thải bằng hệ thống công nghệ máy tách phân trị giá hàng trăm triệu đồng.
Với hệ thống xử lý này, chất thải gia súc sau khi thu về hố thu, máy sẽ hút và tách toàn bộ phân để làm khô, còn nước sẽ chảy vào hầm Biogas để xử lý sau đó thông qua hệ thống kênh mương để bón cho các loại cây trồng. Nhờ nguồn chất thải đáng kể này, sau một thời gian, đất đai trong khu vực dần được cải tạo, màu mỡ và giàu chất dinh dưỡng hơn.
“Bằng phương pháp và cách bố trí như vậy, hầu như các sản phẩm, phế phẩm cũng như chất thải trong trang trại đều được tận dụng triệt để, không bỏ sót thứ gì. Phân heo, bò sau khi qua xử lý sẽ sử dụng để tưới, bón cho ruộng lúa, khu vực trồng cỏ. Rồi rơm rạ, cỏ lại dùng để làm thức ăn cho vật nuôi. Nhờ thế không những tiết kiệm được chi phí đầu vào mà còn giúp giảm ô nhiễm môi trường trong khu vực cũng như xung quanh”, anh Sáng nói.
Mặc dù vậy, vài năm sau đó mô hình nuôi bò sinh sản của anh Sáng bị thua lỗ hàng tỷ đồng. Nguyên nhân do chất lượng nguồn giống mua về không đảm bảo, giá thành hạ thấp. Qua một thời gian cầm cự, phải khó khăn lắm, anh mới đi đến quyết định từ bỏ loài vật nuôi này để tìm ra hướng đi mới phù hợp hơn.
Thất bại này cũng không hề khiến anh Sáng nản lòng, bởi anh hiểu rằng, thành công với nông nghiệp không bao giờ là dễ dàng. 5 năm kể từ ngày bắt đầu, những gì thực hiện được trên mảnh đất “nghèo” cũng phần nào khiến anh thỏa lòng. Từ vùng đất vốn hoang vắng nay đã hình thành nên một trang trại đẹp như tranh vẽ, cơ sở hạ tầng bài bản. Quan trọng hơn, anh xác định được những cây, con phù hợp ưu tiên phát triển trong những năm tới để theo đuổi đam mê.
Xác định hướng đi lâu dài
Đã từng đi nhiều nơi, tham quan, tìm hiểu nhiều mô hình, anh Sáng nhận thấy ở Quảng Ngãi nói riêng và miền Trung nói chung rất khó để phát triển nông nghiệp một cách quy mô. Bởi nơi đây đa số đất đai còn manh mún, nhỏ lẻ, trung bình mỗi người dân chỉ sở hữu vài sào đất. Chưa kể đến việc hàng năm khu vực này thường xuyên chịu ảnh hưởng lớn từ thiên tai.
Trong khi đó, muốn tăng hiệu quả sản xuất thì cần phải áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ khoa học kỹ thuật. Và điều kiện quan trọng là phải tập trung được diện tích đất đai đủ lớn và có nguồn lực đầu tư. Bên cạnh đó, thành công cũng không thể có được ngày một, ngày hai mà là phải trải qua một quá trình lâu dài. “Đến thời điểm này, khi đã có những tiền đề cần thiết, tôi xác định phải 5 năm nữa trang trại mới mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững”, chàng kỹ sư nông nghiệp bộc bạch.
Trải qua nhiều lần thử nghiệm và thất bại trên mảnh đất này, anh Sáng cho biết rằng, những năm tới sẽ chú trọng đầu tư vào cây tre lấy măng và gà đẻ trứng. Đây là loại cây trồng và vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ những, khi hậu địa phương. Trong quá trình sản xuất sẽ thực hiện theo mô hình nông nghiệp hoàn toàn hữu cơ, tuần hoàn, đầu vào của trồng trọt là đầu ra của chăn nuôi và ngược lại. Đây là xu hướng tất yếu trong tương lai. Tất cả nhằm mang đến những sản phẩm chất lượng cao cho người tiêu dùng.
“Cùng với phát triển sản xuất, tôi cũng kết hợp xây dựng các cảnh quan sinh thái nhằm, đầu tư cơ sở chế biến sản phẩm nông nghiệp nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Khi đó, mọi người đến trang trại sẽ trực tiếp chứng kiến các quy trình sản xuất. Thấy các sản phẩm làm ra thực sự an toàn cho sức khỏe, họ sẽ không ngần ngại mua về sử dụng trong gia đình”, anh Sáng nói.
Hiện nay, anh Sáng vẫn đang tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng bên trong trang trại như hàng rào, đường giao thông phục vụ cho xe điện chạy xung quanh chở khách tham quan. Xa hơn nữa, anh cũng đang hướng đến việc liên kết với những hộ dân trong vùng cùng sản xuất nông nghiệp sạch kết hợp du lịch. Điều này không chỉ giúp cho trang trại có nguồn nguyên liệu lớn, ổn định mà còn gia tăng thu nhập cho người dân. Với quy hoạch hợp lý cũng như sự đầu tư bài bản, chủ đích rõ rằng, trang trại nông nghiệp mà anh Sáng đang xây dựng kỳ vọng trở thành mô hình mẫu không chỉ ở Quảng Ngãi mà cả khu vực miền Trung.
Theo ông Nguyễn Quang Trung, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, mô hình của anh Nguyễn Văn Sáng có thể nói là mô hình hiếm hoi có sự đầu tư quy mô theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn ở địa phương. Trong tỉnh chủ yếu vẫn chỉ sản xuất theo quy mô nông hộ, nhiều nơi cũng đã canh tác theo mô hình nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn nhưng chưa thật sự rõ nét do diện tích thực hiện khá nhỏ. Ngoài ra, hiện nay, số doanh nghiệp có tầm cỡ trong lĩnh vực nông nghiệp về Quảng Ngãi đầu tư cũng rất ít.
Ông Trung cho biết, định hướng trong thời gian tới của tỉnh Quảng Ngãi là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, thông minh. Mục tiêu giảm chi phí đầu vào, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế. Đồng thời khuyến khích sử dụng các chế phẩm từ các loại cây trồng hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người.
“Vừa qua, chúng tôi cũng đã trình UBND tỉnh về nội dung quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ở các huyện, thị xã, thành phố. Theo đó, mỗi địa phương sẽ có 1 khu vực với diện tích hàng trăm ha. Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp sẽ đề xuất với các cấp ngành bố trí kinh phí từ nguồn đầu tư công trung hạn để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất. Cùng với đó là tăng cường kêu gọi các doanh nghiệp về đầu tư bài bản, có hợp đồng thu mua nông sản lâu dài với bà con”, ông Trung nói.